ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
1302/QĐ-UBND
|
Vĩnh
Long, ngày 01 tháng 6 năm 2021
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH ĐỀ ÁN CHO VAY GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG GIAI ĐOẠN 2021-2025
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG
Căn cứ Luật
Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số
điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
22/11/2019;
Căn cứ Luật
Việc làm ngày 16/11/2013;
Căn cứ Nghị
định số 78/2002/NĐ-CP, ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người
nghèo và các đối tượng chính sách khác;
Căn cứ Nghị
định số 61/2015/NĐ-CP, ngày 09/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ
trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm và Nghị định số 74/2019/NĐ-CP,
ngày 23/9/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
61/2015/NĐ-CP;
Căn cứ
Thông tư số 11/2017/TT-BTC, ngày 08/02/2017 của Bộ Tài chính Quy định về quản
lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để cho vay đối
với người nghèo và các đối tượng chính sách khác;
Căn cứ Quyết
định 15/2020/QĐ-UBND, ngày 07/5/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long về việc
ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua
NHCSXH để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa
bàn tỉnh Vĩnh Long;
Theo đề nghị
của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số
101/TTr-SLĐTBXH ngày 11/5/2021.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án cho
vay giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021 - 2025.
Điều 2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám
đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Chi
nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Vĩnh Long, thủ trưởng các sở, ban,
ngành, đoàn thể tỉnh liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này
có hiệu lực kể từ ngày ký/.
Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Bộ LĐTBXH;
- Tổng Giám đốc NHCSXH VN;
- TT. HĐND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- CT, PCT. UBND tỉnh;
- CVP, PVP phụ trách VX;
- Phòng VHXH, Phòng KTTH;
- Báo Vĩnh Long, Đài PTTH Vĩnh Long, TTX VN tại Vĩnh Long;
- Lưu: VT, 3.27.02.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Thị Quyên Thanh
|
ĐỀ ÁN
CHO VAY GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
VĨNH LONG GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
(Kèm theo Quyết định số 1302/QĐ-UBND ngày 01/6/2021 của UBND tỉnh Vĩnh Long)
Phần I
THỰC TRẠNG, SỰ
CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
I. THỰC TRẠNG
1. Kết quả thực hiện Đề án cho vay giải quyết việc làm từ nguồn vốn
ngân sách địa phương giai đoạn 2014 - 2020
Nhằm góp phần
thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo và giải quyết việc làm,
giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị và nâng cao tỷ lệ sử dụng thời gian
lao động ở khu vực nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với
cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, hỗ trợ phát huy nguồn lực và tiềm
năng trí tuệ của người lao động, người dân, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất
kinh doanh thu hút thêm lao động mới hoặc hỗ trợ tạo việc làm tại chỗ cho hộ
gia đình, giai đoạn 2014 - 2020, tỉnh Vĩnh Long đã triển khai thực hiện Đề án
cho vay giải quyết việc làm từ nguồn vốn ngân sách địa phương với kết quả như
sau:
a) Kết quả bố
trí sử dụng nguồn vốn
Đến cuối năm
2020 nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh đạt 144.862 triệu
đồng, tăng 76.356 triệu đồng so với năm 2013 (trong đó: nguồn vốn từ Quỹ quốc
gia về việc làm trung ương là 69.693 triệu đồng, tăng 4.774 triệu đồng so với
năm 2013; nguồn vốn của địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội
(NHCSXH) để cho vay là 37.169 triệu đồng, tăng 33.582 triệu đồng so với năm
2013; nguồn vốn do NHCSXH huy động 1 để cho vay là
38.000 triệu đồng, tăng 38.000 triệu đồng so với năm 2013).
b) Kết quả cho
vay
Trong giai đoạn
2014 - 2020, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Vĩnh Long đã giải ngân cho
vay 246.400 triệu đồng với 11.214 lượt hộ vay, tổng số lao động được tạo việc
làm qua chương trình cho vay là 10.876 lao động, trong đó lao động nữ: 5.875
người, lao động là người khuyết tật: 150 người, lao động là người dân tộc thiểu
số 1.150 người, doanh số thu nợ đạt 175.200 triệu đồng.
Dư nợ đến
31/12/2020 đạt 140.699 triệu đồng, với 5.808 hộ còn dư nợ. Trong đó nguồn vốn
trung ương (bao gồm vốn NHCSXH huy động 38.000 triệu đồng) là 103.530 triệu đồng
với 4.220 khách hàng còn dư nợ, nguồn vốn đầu tư ủy thác của địa phương 37.169
triệu đồng, với 1.588 khách hàng còn dư nợ 2.
c) Chất lượng
tín dụng
Đến ngày
31/12/2020: Nợ quá hạn là 525 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,37%/tổng dư nợ của
chương trình, giảm 70,87% so với năm 2013; trong đó nợ quá hạn nguồn vốn địa
phương là 127 triệu đồng, chiếm 0,09%/tổng dư nợ chương trình.
d) Hiệu quả sử
dụng vốn
Chính sách cho
vay giải quyết việc làm đã mang lại hiệu quả hết sức thiết thực về mặt kinh tế,
chính trị - xã hội. Cụ thể, đã góp phần đáng kể vào mục tiêu phát triển kinh tế
tại địa phương, đặc biệt tạo điều kiện cho hộ vay chuyển đổi cơ cấu vật nuôi,
cây trồng, sản xuất - kinh doanh sử dụng vốn vay có hiệu quả. Thông qua chính
sách cho vay các hộ vay vốn mạnh dạn đầu tư vào các dự án trồng trọt, chăn nuôi,
sản xuất - kinh doanh trong việc phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập
ổn định cuộc sống cho gia đình và xã hội.
Với sự quan
tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của các cấp ủy, chính quyền,
đoàn thể và sự tích cực, nỗ lực của các ngành, đơn vị liên quan, hoạt động cho
vay hỗ trợ tạo việc làm giai đoạn 2014 - 2020 đã góp phần tạo việc làm cho gần
10.876 lao động trên địa bàn tỉnh, phát huy được tiềm năng sẵn có về tài nguyên
đất đai, kinh nghiệm sản xuất ở địa phương. Đề án đã góp phần khôi phục các
ngành nghề truyền thống, hỗ trợ vốn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, hợp tác
xã để mở rộng sản xuất, thu hút tạo việc làm cho người lao động, đặc biệt là
lao động bị chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, lao động nữ, người
khuyết tật, góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, cải thiện đời sống
cho người lao động.
Trong đó nguồn
vốn ngân sách địa phương ủy thác cho vay trong những năm qua đã đạt hiệu quả
tích cực, nhiều mô hình sản xuất kinh doanh được hỗ trợ đầu tư từ nguồn vốn này
đã phát huy hiệu quả, giải quyết được việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi tại
khu vực thành thị và nông thôn, đồng thời tạo được nguồn thu nhập cho hộ gia
đình.
đ) Đánh giá
- Mặt được,
thuận lợi:
Trong quá
trình thực hiện, chính sách cho vay giải quyết việc làm luôn nhận được sự quan
tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự chỉ đạo điều
hành trực tiếp của Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội
các cấp, sự hỗ trợ phối hợp nhiệt tình của các sở, ban, ngành, đoàn thể. Thực
hiện Chỉ thị 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban bí thư Trung ương, trong giai đoạn
2014 - 2020, cấp ủy chính quyền địa phương các cấp đã quan tâm, bố trí nguồn lực
từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác ủy thác sang Ngân hàng
Chính sách xã hội để cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh. Công tác tổ
chức cho vay, thu hồi nợ, xử lý nợ quá hạn được quan tâm phối hợp thực hiện nên
nợ quá hạn không ngừng giảm qua các năm.
Đề án cho vay
giải quyết việc làm đã bám sát vào mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa
phương, góp phần đáng kể vào việc hỗ trợ việc làm , tăng tỷ lệ sử dụng quỹ thời
gian lao động, nhất là thời gian lao động nhàn rỗi, góp phần tăng thu nhập cho
các hộ vay vốn, góp phần nâng cao đời sống người lao động, gắn việc làm với
công tác giảm nghèo có hiệu quả.
- Một số khó
khăn, tồn tại:
Giai đoạn 2014
- 2020, nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm không được trung ương cấp bổ
sung, trong khi nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang còn hạn chế nên
nguồn vốn cho vay của Đề án này chưa đáp ứng được nhu cầu vốn giải quyết việc
làm cho người lao động tại địa phương (hàng năm chỉ đáp ứng được khoảng 30 -
35% nhu cầu vay vốn). Định mức đầu tư cho vay hỗ trợ tạo việc làm mới/lao động
còn thấp dẫn đến hiệu quả, tính ổn định trong giải quyết việc làm chưa cao.
Một số địa
phương còn chưa quan tâm đúng mức đến công tác cho vay vốn giải quyết việc làm,
công tác bố trí nguồn lực chưa đáp ứng so với nhu cầu, công tác chỉ đạo của các
ban ngành, các cơ quan liên quan trong việc phối hợp kiểm tra, xử lý dứt điểm
các khoản nợ tồn đọng vẫn còn hạn chế.
2. Sự cần thiết xây dựng Đề án
Trong những
năm qua, tỉnh ta luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đây chính là
nhân tố cơ bản, quyết định tạo thêm nhiều việc làm mới. Bên cạnh đó, các hoạt động
hỗ trợ trực tiếp được đẩy mạnh đã góp phần quan trọng cho thực hiện tốt công
tác giải quyết việc làm cho người lao động. Hàng năm, tỉnh đào tạo nghề cho hơn
30.000 người, giải quyết việc làm mới cho từ 20.000 - 27.000 lao động, trong đo
cho vay giải quyết việc làm hơn 1.800 lao động, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp
hàng năm.
Tuy nhiên vấn
đề lao động, việc làm của tỉnh Vĩnh Long vẫn còn nhiều yếu tố khó khăn, thách
thức. Lực lượng lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn chiếm tỷ lệ
lớn 3; một bộ phận lớn lao động có việc làm còn chưa ổn định,
thu nhập thấp; lao động chưa qua đào tạo nghề còn nhiều; chất lượng nguồn lao động
chưa đáp ứng được yêu cầu; cơ cấu đào tạo nghề chưa hợp lý; cơ sở dữ liệu về
lao động việc làm bước đầu được xây dựng nhưng chưa đầy đủ, chưa đồng bộ; hiệu
quả tạo việc làm chưa cao từ hoạt động cho vay vốn giải quyết việc làm do suất
đầu tư/lao động còn thấp; vốn cho vay giải quyết việc làm hàng năm còn ít, chỉ
đáp ứng khoảng 30 - 35% nhu cầu vay của người lao động,…
Xuất phát từ
nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm của người dân trên địa bàn tỉnh, cũng như
xét từ hiệu quả của Đề án cho vay giải quyết việc làm trong thời gian qua, việc
ban hành Đề án cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn
2021 - 2025 là rất cần thiết và có tác động tích cực đến việc thực hiện các mục
tiêu giải quyết việc làm, giảm nghèo trong thời gian tới.
3. Căn cứ xây dựng Đề án
- Luật Việc
làm ngày 16/11/2013.
- Chỉ thị
40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh
đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
- Nghị định số
78/2002/NĐ-CP, ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và
các đối tượng chính sách khác.
- Nghị định số
61/2015/NĐ-CP, ngày 09/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo
việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm và Nghị định số 74/2019/NĐ-CP, ngày
23/9/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
61/2015/NĐ-CP.
- Thông tư số
11/2017/TT-BTC, ngày 08/02/2017 của Bộ Tài chính Quy định về quản lý và sử dụng
nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để cho vay đối với người
nghèo và các đối tượng chính sách khác.
- Quyết định
15/2020/QĐ-UBND, ngày 07/5/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long về việc ban
hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua
NHCSXH để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa
bàn tỉnh Vĩnh Long.
Phần II
MỤC TIÊU, NỘI
DUNG, KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN CHO VAY GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
VĨNH LONG GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
I. MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN
1. Mục tiêu
chung
- Cho vay giải
quyết việc làm tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ gia đình nhằm tạo việc
làm mới và tăng thêm việc làm cho người lao động; trợ giúp người thất nghiệp,
người thiếu việc làm tự tạo việc làm, qua đó từng bước nâng cao điều kiện sống
của những hộ có thu nhập thấp; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các xã
nông thôn mới, xã có đông đồng bào dân tộc và các xã thuộc vùng khó khăn; góp
phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn, giữa
người nghèo và cộng đồng dân cư. Đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc
phòng an ninh, thúc đẩy nhanh kết quả hoàn thành các tiêu chí của xã nông thôn
mới, góp phần giảm nghèo bền vững của tỉnh nhà.
- Tăng mức cho
vay bình quân khoảng 25-35 triệu đồng/01 lao động để nâng cao hiệu quả giải quyết
việc làm.
2. Mục tiêu
cụ thể
Định hướng
chuyển dịch cơ cấu lao động đến năm 2025: lao động làm việc trong lĩnh vực nông
nghiệp, thủy sản chiếm 42%; lao động làm việc trong lĩnh vực phi nông nghiệp
chiếm 58%. Trong giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến tạo việc làm mới cho khoảng
100.000 lao động, bình quân hàng năm tạo việc làm mới cho khoảng 20.000 lao động.
Trong 100.000
lao động được tạo việc làm mới giai đoạn 2021-2025 có khoảng 8.500 lao động đi
làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và 12.000 lao động được giải quyết việc làm
thông qua nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm.
Nguồn vốn bổ
sung hàng năm theo Đề án này sẽ hòa vào các nguồn vốn do trung ương hỗ trợ và
Ngân hàng Chính sách huy động được để cho vay giải quyết việc làm, góp phần giải
quyết việc làm cho 12.000 lao động trong giai đoạn 2021 - 2025 (bình quân hàng
năm giải quyết việc làm cho 2.400 lao động).
Đề án sẽ góp
phần duy trì và giảm tỷ lệ thất nghiệp hàng năm ở mức dưới 3% trong giai đoạn
2021 - 2025 và các năm tiếp theo; tiếp tục duy trì tỷ lệ sử dụng thời gian lao
động ở nông thôn ở mức trên 90%; ngăn ngừa, giảm thiểu tối đa việc thiếu việc
làm, lao động thất nghiệp trên địa bàn tỉnh.
II. NỘI DUNG CHÍNH SÁCH CHO VAY GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM THEO ĐỀ ÁN
1. Đối tượng
được vay vốn giải quyết việc làm: theo quy định tại
Điều 23 Nghị định số 61/2015/NĐ-CP, ngày 09/7/2015 của Chính phủ quy định về
chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm.
Đối với người
lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng không thuộc đối tượng
áp dụng của Đề án này.
2. Điều kiện
vay vốn: theo quy định tại Điều 13 của Luật Việc
làm ngày 29/11/2013.
3. Mức vay:
theo Điều 24 Nghị định số 61/2015/NĐ-CP, được sửa đổi,
bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 74/2019/NĐ-CP.
4. Thời hạn
vay vốn: theo Điều 25 Nghị định số 61/2015/NĐ-CP,
được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 74/2019/NĐ-CP.
5. Lãi suất
vay vốn và lãi suất nợ quá hạn: thực hiện theo Điều
26 Nghị định số 61/2015/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Nghị định
số 74/2019/NĐ-CP.
6. Điều kiện
đảm bảo tiền vay: thực hiện theo Điều 27 Nghị định
số 61/2015/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Nghị định số
74/2019/NĐ-CP.
7. Lập hồ
sơ vay vốn và thẩm định, phê duyệt hồ sơ vay vốn
Trình tự, thủ
tục lập hồ sơ vay vốn và thẩm định, phê duyệt hồ sơ vay vốn được thực hiện theo
Điều 28, 29 Nghị định số 61/2015/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 6,7 Điều
1 Nghị định số 74/2019/NĐ-CP.
8. Quản lý,
sử dụng lãi thu được từ nguồn vốn cho vay và xử lý nợ rủi ro
Việc quản lý,
sử dụng lãi thu được từ nguồn vốn cho vay và xử lý nợ rủi ro được thực hiện
theo Điều 10, 11 Quyết định số 15/2020/QĐ-UBND, ngày 07/5/2020 của Chủ tịch
UBND tỉnh Vĩnh Long về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân
sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng
chính sách khác trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.
III. NGUỒN VỐN THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
Dự kiến tổng
nguồn vốn thực hiện Đề án trong 05 năm, giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 400 tỷ
đồng (bao gồm nguồn vốn trung ương và nguồn vốn địa phương). Trong đó:
+ Nguồn vốn
cho vay đến hạn thu hồi: 200 tỷ đồng.
+ Nguồn vốn
mới bổ sung: 200 tỷ đồng.
Nhu cầu nguồn
vốn cụ thể:
Nguồn vốn
|
Số tiền
(tỷ đồng)
|
Ghi chú
|
1. Nguồn
vốn trung ương
|
231
|
|
- Vốn thu
hồi (từ nguồn vốn trung ương cấp và nguồn vốn NHCSXH huy động từ trung ương bố
trí đối ứng)
|
131
|
|
- Vốn mới
bổ sung cho giai đoạn 2021 - 2025
|
100
|
Trung ương bố trí đối ứng địa phương bình quân mỗi
năm bổ sung 20 tỷ đồng.
|
2. Nguồn
vốn của tỉnh
|
169
|
|
- Vốn thu
hồi
|
69
|
|
- Vốn mới
bổ sung cho giai đoạn 2021 - 2025
|
100
|
Bình quân mỗi năm bổ sung 20 tỷ đồng.
|
- Số lao động
được tạo việc làm từ nguồn vốn cho vay: 12.000 lao động (trung bình cho vay 33
triệu đồng/lao động).
Nhu cầu kinh
phí từ nguồn ngân sách tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 như sau:
ĐVT: người, triệu đồng
Năm
|
2021
|
2022
|
2023
|
2024
|
2025
|
Số lao động
được vay vốn giải quyết việc làm từ nguồn ngân sách tỉnh
|
909
|
970
|
1.030
|
1.091
|
1.121
|
Nhu cầu
NS tỉnh
|
30.000
|
32.000
|
34.000
|
36.000
|
37.000
|
Vốn thu hồi
|
10.000
|
12.000
|
14.000
|
16.000
|
17.000
|
Ngân sách
cấp hàng năm
|
20.000
|
20.000
|
20.000
|
20.000
|
20.000
|
- Sau khi kết
thúc giai đoạn, nguồn vốn huy động từ Đề án này được trình UBND tỉnh cho hòa
vào nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để
tiếp tục cho vay giải quyết việc làm.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Lao động
- Thương binh và Xã hội
- Phối hợp lập
dự toán và quản lý nguồn vốn huy động bổ sung hàng năm để cho vay giải quyết việc
làm; quản lý, tổng hợp, kiểm tra, giám sát, khen thưởng,… liên quan đến hoạt động
cho vay giải quyết việc làm bằng nguồn vốn huy động từ Đề án này được ủy thác
qua Ngân hàng Chính sách xã hội.
- Giúp Ủy ban
nhân dân tỉnh triển khai Đề án; tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh định kỳ 6
tháng vào ngày 15/6 và cả năm vào ngày 15/12 hàng năm, báo cáo đột
xuất theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Chủ trì, phối
hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu các chính sách và các chương trình, giải
pháp liên quan đến công tác giải quyết việc làm cho người lao động để lồng ghép
thực hiện Đề án.
- Ký hợp đồng ủy
thác với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để triển khai sử dụng nguồn
vốn thị Đề án.
- Chỉ đạo
Phòng Lao động - Thương binh Xã hội các huyên, thị xã , thành phố phối hợp với
Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc triển khai cho vay, kiểm
tra và tuyên truyền hộ vay vốn sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả.
2. Sở Tài
chính
- Có trách nhiệm
hướng dẫn, quản lý, kiểm tra việc sử dụng kinh phí cho vay giải quyết việc làm
của các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu
tư, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các đơn vị, tổ chức liên quan thực
hiện huy động, lập dự toán hàng năm bổ sung vốn cho vay giải quyết việc làm,
báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét quyết định
theo tình hình thực tế địa phương và khả năng huy động kinh phí.
- Phối hợp với
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các ngành có liên quan đề xuất chính sách,
giải pháp; tổ chức lồng ghép các chương trình, dự án có liên quan đến lĩnh vực
lao động, việc làm.
- Tổ chức kiểm
tra, quyết toán việc sử dụng nguồn vốn, phí quản lý và đề xuất xử lý rủi ro
đúng quy định.
3. Các tổ
chức chính trị - xã hội nhận ủy thác
- Tuyên truyền
cho hội viên về các chính sách và hoạt động của Đề án; hướng dẫn hội viên xây dựng
dự án vay vốn; tín chấp vay vốn để giải quyết việc làm, giảm nghèo; vận động
các thành viên tự tạo việc làm và tạo việc làm cho người khác.
- Chỉ đạo các
cấp hội thực hiện ủy thác cho vay có hiệu quả; tạo và huy động nguồn vốn cho
vay bổ sung để tạo việc làm.
- Phối hợp với
Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc cho vay, kiểm tra đôn đốc thu hồi nợ,
tuyên truyền vận động các hộ vay vốn sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả
góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo và giải quyết việc làm của địa phương.
4. Chi
nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Vĩnh Long
- Chịu trách
nhiệm báo cáo và tham mưu Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội bố trí nguồn
vốn đối ứng với nguồn vốn địa phương hàng năm, đảm bảo nguồn vốn thực hiện Đề
án.
- Chủ trì, phối
hợp với các đoàn thể nhận ủy thác triển khai cho vay đúng mục đích, đúng đối tượng,
thu hồi nợ, kiểm tra, lập hồ sơ xử lý rủi ro, ghi chép, theo dõi hạch toán theo
đúng quy định pháp luật.
- Định kỳ hoặc
theo yêu cầu, báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính việc sử
dụng nguồn vốn cho vay, sử dụng và phân phối lãi thu được từ việc cho vay.
5. Ủy ban
nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
- Căn cứ kế hoạch
phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và nội dung Đề án, xây dựng kế hoạch
giải quyết việc làm cho người trong độ tuổi lao động của địa phương. Tổ chức thực
hiện lồng ghép Đề án này với chương trình, dự án khác để mang lại hiệu quả cao;
phối hợp tạo và huy động nguồn vốn cho vay bổ sung để góp phần tăng cường tạo
việc làm cho người lao động.
- Củng cố và
nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác lao động - việc làm, giảm nghèo,
quản lý dạy nghề để nâng cao hiệu quả thực hiện của Đề án.
- Phối hợp với
Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Vĩnh Long chỉ đạo triển khai thực hiện
cho vay theo nội dung Đề án này. Phối hợp với các ngành liên quan tháo gỡ các
khó khăn, vướng mắc trong công tác tổ chức cho vay.
- Định kỳ hoặc
theo yêu cầu, báo cáo tình hình thực hiện Đề án về Ủy ban nhân dân tỉnh (thông
qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội).
6. Ủy ban
nhân dân cấp xã
- Chịu trách
nhiệm xác nhận đối tượng vay vốn.
- Phối hợp với
Ngân hàng Chính sách xã hội, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, các
cơ quan, đơn vị có liên quan kiểm tra việc sử dụng vốn vay, đôn đốc thu hồi nợ.
- Có ý kiến về
đề nghị của người vay đối với trường hợp xử lý nợ rủi ro; phối hợp với các cơ
quan, đơn vị liên quan, cơ quan cấp trên trong việc phúc tra, xác định hộ vay vốn
bị rủi ro trên địa bàn.
7. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố có kế hoạch và
thường xuyên nắm tình hình về việc làm, thất nghiệp trong lĩnh vực, địa bàn phụ
trách để có giải pháp hỗ trợ cho vay tạo việc làm mới; báo cáo kịp thời những
vướng mắc, khó khăn cho Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Lao động - Thương binh và
Xã hội). Có kế hoạch triển khai cụ thể Đề án này trong kế hoạch công tác của
đơn vị. Định kỳ 06 tháng, hàng năm báo cáo tình hình thực hiện cho UBND tỉnh
(thông qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội). Thời gian gửi báo cáo: Báo cáo
6 tháng đầu năm vào ngày 10/6; báo cáo năm vào ngày 10/12 hàng
năm./.
1 Nguồn vốn từ trung ương bố trí đối ứng cho địa phương.
2 Dư nợ từ nguồn vốn NHCSXH huy động gần 38 tỷ đồng, Dư nợ nguồn vốn
ngân sách tỉnh chuyển sang cho vay giải quyết việc làm 26,2 tỷ đồng, Dư nợ nguồn
vốn ngân sách địa phương chuyển sang cho vay chuyển đổi nghề 59 triệu đồng. Dư
nợ nguồn vốn cho vay từ nguồn ngân sách huyện, thị, thành phố chuyển sang 11 tỷ
đồng, Dư nợ từ Quỹ Vì người nghèo 2 tỷ đồng.
3 Tỉnh Vĩnh Long có lực lượng lao động trong độ tuổi là 622.369 người,
trong đó lực lao động thuộc khu vực nông, ngư nghiệp chiếm 44,02%, lao động
trong khu vực phi nông nghiệp chiếm 55,98%. Lực lượng lao động có xu hướng dịch
chuyển từ nông, ngư nghiệp sang phi nông nghiệp, bình quân hàng năm lao động dịch
chuyển từ nông, ngư nghiệp sang phi nông nghiệp khoảng 0,5%. (Nguồn: Niên giám
thống kê tỉnh Vĩnh Long năm 2019).