QUYẾT ĐỊNH
VỀ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ THI VÀ XÉT TỐT NGHIỆP
PHỔ THÔNG TRUNG HỌC, TRUNG HỌC CHUYÊN BAN VÀ TRUNG HỌC CƠ SỞ
BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Căn cứ Nghị định số 29/CP
ngày 30/3/1994 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ
Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 02/3/1993 của Chính phủ quy định về nhiệm vụ,
quyền hạn và trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ vào Quyết định số 215/QĐ ngày 27/2/1986 ban hành Quy chế thi và xét tốt
nghiệp phổ thông trung học; Quyết định số 219/QĐ ngày 28/2/1986 ban hành Quy chế
thi và xét tốt nghiệp phổ thông cơ sở; Quyết định số 163/QĐ ngày 18/3/1988 của
Bộ Giáo dục (cũ) và Quyết định số 3752/GD-ĐT ngày 12/12/1994 của Bộ trưởng Bộ
Giáo dục và Đào tạo về sửa đổi, bổ sung một số điểm trong các Quy chế thi và
xét tốt nghiệp phổ thông cơ sở, phổ thông trung học;
Theo đề nghị của ông Vụ trưởng Vụ Trung học phổ thông,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1.
Nay thay thế Quyết định số 163/QĐ ngày 18/03/1988 của Bộ
Giáo dục (cũ) về thi và xét tốt nghiệp PTTH, THCS bằng các quy định sau đây:
1. Thay Điều 1 bằng:
a) Tổ chức Hội
đồng coi thi liên trường theo nguyên tắc:
- Mỗi Hội đồng đặt tại một địa
điểm thi, bao gồm học sinh của ít nhất 2 trường PTTH (hoặc THCS).
- Sở GD-ĐT (đối với thi tốt nghiệp
PTTH) hoặc Phòng GD-ĐT (đối với thi tốt nghiệp THCS) có quy định cụ thể về việc
sắp xếp các trường trong các Hội đồng thi liên trường.
- Thành phần Hội đồng gồm:
+ Chủ tịch: Hiệu trưởng Trường
PTTH (hoặc THCS).
+ Một đến hai Phó Chủ tịch: là
các Phó hiệu trưởng Trường PTTH (hoặc THCS).
+ Một đến hai Thư ký Hội đồng: là
Thư ký Hội đồng giáo dục hoặc tổ trưởng chuyên môn.
+ Các giám thị: là giáo viên trường
PTTH (hoặc THCS). Cần bố trí số giám thị gấp khoảng 3 lần số phòng thi.
Chủ tịch, một nửa
số Phó chủ tịch, thư ký và tất cả giám thị đều phải được điều động từ nơi khác
tới.
b) Mỗi tỉnh,
thành phố (đối với thi PTTH, THCB) và mỗi quận, huyện (đối với thi THCS) thành
lập một Hội đồng chấm thi và xét tốt nghiệp.
Thành phần Hội đồng gồm:
- Chủ tịch: là Trưởng phòng (hoặc
Phó trưởng phòng) THPT Sở GD-ĐT (đối với thi PTTH, THCB); là Trưởng phòng (hoặc
Phó trưởng phòng) GD-ĐT quận, huyện (đối với thi THCS);
- Các Phó chủ tịch: là Hiệu trưởng
(Phó hiệu trưởng, Tổ trưởng bộ môn) của các trường ở địa phương (mỗi môn thi có
1 Phó chủ tịch phụ trách bộ môn).
- Các thư ký: là các chuyên viên
phòng THPT Sở GD-ĐT (đối với thi PTTH và THCB) hoặc chuyên viên của Phòng GD-ĐT
quận, huyện (đối với thi THCS).
- Các giám khảo: là các giáo
viên đã giảng dạy bộ môn thi toàn cấp học của môn thi. Mỗi môn thi có ít nhất một
cặp hai giám khảo. Tuỳ theo số lượng bài thi, Sở Giáo dục - Đào tạo quy định và
bố trí số cặp giám khảo để hoàn thành nhiệm vụ đúng tiến độ.
- Thực hiện các
quy định về 2 giám khảo chấm độc lập một bài thi.
2. Thay thế Điều 3 bằng nội dung
sau:
- Sở GD-ĐT có trách nhiệm cấp bằng
tốt nghiệp cho học sinh, chậm nhất đến hết học kỳ I của năm học tiếp theo.
- Bằng tốt nghiệp chỉ cấp 1 lần.
3. Thay thế Điều 4 bằng nội dung
sau:
Các bài thi tốt nghiệp PTTH,
THCB được lưu giữ tại Sở GD-ĐT, bài thi tốt nghiệp THCS được lưu giữ tại Phòng GD-ĐT
trong thời hạn 1 năm.
4. Thay thế Điều 5 bằng nội dung
sau:
a) Để giải quyết khiếu nại điểm
bài thi và kiểm tra, đánh giá việc chấm thi ở các Hội đồng, Sở GD-ĐT trình UBND
tỉnh (hoặc TP) ra quyết định thành lập Hội đồng chấm lại bài thi tốt nghiệp PTTH,
THCB, THCS của tỉnh (hoặc TP).
Thành phần Hội đồng gồm:
- Chủ tịch: Giám đốc Sở GD-ĐT;
- Hai Phó giám đốc: một là Chánh
thanh tra hoặc Phó chánh thanh tra giáo dục và một là Trưởng phòng (hoặc Phó
trưởng phòng) trung học phổ thông, Sở GD-ĐT;
- Hai thư ký: là cán bộ thanh
tra và chuyên viên phòng THPT, Sở GD-ĐT;
- Các uỷ viên: mỗi môn thi có ít
nhất một cặp 2 giáo viên bộ môn; là cán bộ - giáo viên có phẩm chất, năng lực tốt;
không có con, em tham dự kỳ thi.
Việc giải quyết
khiếu nại điểm bài thi thực hiện theo các quy định tại Thông tư hướng dẫn thực
hiện Quyết định này.
b) Để đánh giá tình hình tổ chức
thi ở địa phương, khi cần thiết Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định lập
Đoàn thanh tra việc chấm thi của các Hội đồng chấm thi, các Hội đồng chấm lại
bài thi PTTH, THCB, THCS các tỉnh (hoặc TP).
Điểm chấm thanh tra có giá trị
thay thế điểm cũ để xét tốt nghiệp.
Điều 2.
Sửa đổi và bổ sung một số khoản của Điều 2, Điều 3 Quyết
định số 3752/GD-ĐT ngày 12/12/1994 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ở những
điểm cụ thể sau đây:
1. Thay thế khoản 2 của Điều 2 bằng
các nội dung sau:
Những học sinh được công nhận tốt
nghiệp PTTH, THCB (hoặc THCS) là những học sinh không vi phạm Quy chế thi; không
có bài thi nào bị điểm dưới 2, đạt điểm tốt nghiệp quy định cho từng diện sau
đây:
a) Diện 1: Đạt điểm bình quân từ
5,0 trở lên đối với học sinh bình thường.
b) Diện 2: Đạt điểm bình quân
4,5 trở lên đối với học sinh thuộc một trong các đối tượng sau:
- Là người có cha (hoặc mẹ) là
người dân tộc thiểu số Việt Nam; bản thân đang cư trú và học tập tại vùng cao
(theo quy định của Uỷ ban Dân tộc và Miền núi) hoặc vùng sâu, hải đảo, khu kinh
tế mới (theo quy định của UBND tỉnh, TP) hoặc đang học trong các trường Dân tộc
nội trú cấp huyện trở lên;
- Là con liệt sĩ, con thương
binh, bệnh binh mất sức lao động 81% trở lên, con người hưởng chính sách như
thương binh mất sức lao động 81% trở lên;
- Có xếp loại cả năm lớp cuối cấp
về học lực và hạnh kiểm từ loại khá trở lên;
c) Diện 3: Đạt điểm bình quân
4,75 trở lên đối với học sinh thuộc một trong các đối tượng sau:
- Là con thương binh, bệnh binh
mất sức lao động dưới 81%, con của người hưởng chính sách như thương binh mất sức
lao động dưới 81%; con Anh hùng lực lượng vũ trang, con Anh hùng lao động, còn
Bà mẹ Việt Nam Anh hùng;
- Là người dân tộc thiểu số Việt
Nam ngoài quy định tại diện 2;
- Là những học sinh khác đang
sinh sống và có hộ khẩu thường trú 3 năm trở lên tại khu vực vùng cao, vùng
sâu, hải đảo, khu kinh tế mới;
Các điều kiện tốt nghiệp nêu
trên áp dụng cho mọi đối tượng dự thi (học sinh đang học; học sinh cũ; học sinh
thi tự do).
2. Thay thế khoản 3 của Điều 2 bằng
các nội dung sau:
Học sinh tốt nghiệp được xếp
thành 3 loại giỏi, khá và trung bình với các tiêu chuẩn sau:
a) Loại giỏi: Xếp loại cả năm về
hạnh kiểm đạt loại tốt, học lực đạt loại giỏi; đạt điểm tốt nghiệp bình quân
8,5 trở lên; không có bài thi tốt nghiệp nào đạt điểm dưới 7;
b) Loại khá: Xếp loại cả năm về
hạnh kiểm và học lực đạt từ khá trở lên; đạt điểm tốt nghiệp bình quân từ 7,0
trở lên; không có bài thi tốt nghiệp nào đạt điểm dưới 6;
c) Loại trung bình: các trường hợp
đủ điều kiện tốt nghiệp còn lại.
3. Sửa đổi và bổ sung một số ý
trong Điều 3:
a) Thêm vào cuối điểm 1 câu:
"Chỉ giải quyết các trường hợp về đặc cách tốt nghiệp PTTH, THCB trong kỳ
thi lần thứ 2".
b) Thay: "... được điểm tốt
nghiệp là 34 điểm." bằng: "... đạt điểm bình quân là 8,5 điểm".
Điều 3.
Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp PTTH và THCB lần thứ 2 trong năm cho những học sinh
chưa dự thi hoặc chưa tốt nghiệp trong kỳ thi lần thứ 1. Học sinh phải thi các
môn chưa thi và chỉ thi lại môn thi đạt điểm dưới trung bình. Điểm các môn đạt
từ 5 trở lên được bảo lưu. Việc cộng điểm khuyến khích, điều kiện tốt nghiệp,
tiêu chuẩn xếp loại tốt nghiệp và việc cấp bằng tốt nghiệp ở kỳ thi này vận dụng
như kỳ thi lần thứ 1. Bằng Tú tài cấp tại kỳ thi lần thứ 2 có giá trị như tại kỳ
thi lần thứ 1.
Điều 4.
Các quy định sửa đổi và bổ sung nói trên được thực hiện từ
kỳ thi tốt nghiệp PTTH, THCB và THCS năm học 1996-1997. Các quy định tại Quyết
định số 163/QĐ ngày 18/3/1988 và tại khoản 2, khoản 3 của Điều 2 Quyết định số
3752/GD-ĐT ngày 12/12/1994 hết hiệu lực từ ngày ban hành Quyết định này.
Điều 5.
Các ông (bà) Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố; Chánh văn
phòng, Vụ trưởng Vụ Trung học phổ thông, Vụ trưởng các Vụ có liên quan của Bộ
Giáo dục - Đào tạo và các ông (bà) Giám đốc Sở GD-ĐT chịu trách nhiệm thi hành
Quyết định này.