Nghị định 15-CP năm 1993 về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ

Số hiệu 15-CP
Ngày ban hành 02/03/1993
Ngày có hiệu lực 02/03/1993
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Võ Văn Kiệt
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 15-CP

Hà Nội, ngày 02 tháng 3 năm 1993

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 15-CP NGÀY 2-3-1993 VỀ NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CỦA BỘ, CƠ QUAN NGANG BỘ 

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Nghị quyết của Chính phủ tại phiên họp ngày 29 tháng 1 năm 1993;
Để quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ đối với ngành, lĩnh vực;

NGHỊ ĐỊNH :

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Bộ, cơ quan ngang Bộ (sau đây gọi chung là Bộ) là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với ngành hoặc lĩnh vực công tác trong phạm vi cả nước.

Điều 2. Bộ quản lý Nhà nước đối với ngành, lĩnh vự bằng pháp luật thống nhất trong cả nước có sự phân định trách nhiệm giữa Bộ và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở phân biệt giữa chức năng quản lý Nhà nước của Bộ và hoạt động của các tổ chức kinh doanh, sự nghiệp.

Điều 3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ (sau đây gọi chung là Bộ trưởng) là thành viên của Chính phủ, đứng dầu và lãnh đạo Bộ, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, trước Quốc hội về ngành, lĩnh vực mình phụ trách.

Bộ trưởng thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn quản lý Nhà nước đối với ngành hoặc lĩnh vực công tác trong phạm vi cả nước theo quy định tại chương 4 Luật Tổ chức Chính phủ và được cụ thể hoá tại Nghị định này.

Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ (sau đây gọi chung là Thứ trưởng) là người giúp Bộ trưởng, được Bộ trưởng phân công chỉ đạo một số mặt công tác và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về nhiệm vụ được phân công.

Số lượng Thứ trưởng từng Bộ do Bộ trưởng đề nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Điều 4. Cơ cấu tổ chức của Bộ gồm:

1. Các cơ quan giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước.

- Các vụ,

- Thanh tra,

- Văn phòng.

Theo quy định riêng của Chính phủ một số Bộ được tổ chức Cục, Tổng cục chức năng quản lý Nhà nước chuyên ngành.

2. Các tổ chức sự nghiệp trực thuộc Bộ.

Các cơ quan giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước và tổ chức sự nghiệp trực thuộc Bộ do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập theo đề nghị của Bộ trưởng quản lý ngành, lĩnh vực và ý kiến thẩm định của Bộ trưởng, Trưởng ban Ban tổ chức - Cán bộ Chính phủ.

Chương 2:

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CỦA BỘ ĐỐI VỚI NGÀNH, LĨNH VỰC

Điều 5. Về pháp luật:

1. Trình Chính phủ các dự án luật, pháp lệnh, các văn bản pháp quy và các chính sách, chế độ về quản lý ngành, lĩnh vực;

2. Ban hành quyết định, chỉ thị, thông tư để chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các ngành, các địa phương, cơ sở và công dân thi hành pháp luật Nhà nước bảo đảm tính thống nhất và hiệu lực theo pháp luật của các văn bản pháp quy;

3. Ban hành các tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm và định mức kinh tế, kỹ thuật thuộc thẩm quyền;

4. Thực hiện việc cấp hoặc thu hồi các loại giấy chứng chỉ, giấy phép thuộc ngành, lĩnh vực theo quy định của pháp luật;

[...]