Quyết định 1222/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Đề án Phát triển làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2015 - 2020

Số hiệu 1222/QĐ-UBND
Ngày ban hành 07/04/2015
Ngày có hiệu lực 07/04/2015
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Huỳnh Khánh Toàn
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1222/QĐ-UBND

Quảng Nam, ngày 07 tháng 4 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG GẮN VỚI PHÁT TRIỂN DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM, GIAI ĐOẠN 2015 - 2020

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07/7/2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 2636/QĐ-BNN-CB ngày 31/10/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Chương trình Bảo tồn và Phát triển làng nghề;

Căn cứ Nghị quyết số 105/2008/NQ-HĐND ngày 29/04/2008 của HĐND tỉnh về đẩy mạnh phát triển du lịch Quảng Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 2879/QĐ-UBND ngày 26/8/2009 của UBND tỉnh về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch tỉnh Quảng Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2020;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Phát triển làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2015 - 2020 với các nội dung chính sau:

1. Tên đề án: Phát triển làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2015 - 2020.

2. Mục tiêu đề án:

a) Mục tiêu chung: Phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch nhằm tạo thêm công việc làm, tăng thu nhập cho cư dân làng nghề, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng góp phần xây dựng thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; đồng thời qua các hoạt động du lịch góp phần quảng bá, tôn vinh những giá trị văn hóa lâu đời của các làng nghề trên địa bàn tỉnh.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Đầu tư, hỗ trợ phát triển 16 làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch đối với các làng nghề có tiềm năng ở Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên, Tam Kỳ, Phú Ninh, Đông Giang, Nam Giang, Nông Sơn.

- Hỗ trợ đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng lao động làng nghề, trong đó, chú trọng lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch, ngoại ngữ, quản lý điều hành, phấn đấu đạt 100% làng nghề có lao động được đào tạo qua các nghiệp vụ;

- 100% số làng được hỗ trợ công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, tham gia các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm, Festival di sản Quảng Nam;

- Có 100% làng nghề, làng nghề truyền thống được hỗ trợ và hướng dẫn thực hiện việc bảo vệ môi trường làng nghề theo quy định hiện hành;

- Hàng năm, thu hút trên 60.000 lượt khách du lịch đến với các làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh;

- Tạo thêm việc làm cho khoảng 3.000 lao động nông thôn tại các làng nghề, làng nghề truyền thống có gắn với các hoạt động du lịch;

- Nâng mức thu nhập các hộ hoạt động làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch từ 01 - 02 lần so với sản xuất thuần nông.

4. Phạm vi của Đề án: Đề án tập trung ưu tiên đầu tư hỗ trợ tại 16 làng nghề, làng nghề truyền thống có tiềm năng phát triển gắn với các điểm, tuyến du lịch tại các huyện, thành phố gồm:

- Thành phố Hội An: Làng nghề gốm Thanh Hà, phường Thanh Hà; Làng nghề mộc Kim Bồng, xã Cẩm Kim; Làng nghề rau Trà Quế, xã Cẩm Hà; Làng nghề đèn lồng phường Minh An.

- Huyện Điện Bàn: Làng nghề đúc đồng Phước Kiều, Làng nghề chiếu chẻ Triêm Tây, xã Điện Phương.

- Huyện Duy Xuyên: Làng chiếu cói Bàn Thạch, xã Duy Vinh; Làng nghề dệt chiếu An Phước, xã Duy Phước; Làng nghề dệt vải Tơ lụa Mã Châu, thị trấn Nam Phước.

- Thành phố Tam Kỳ: Làng nghề dệt chiếu cói, xã Tam Thăng.

- Huyện Phú Ninh: Làng nghề truyền thống Mộc Văn Hà, xã Tam Thành.

[...]