Quyết định 2636/QĐ-BNN-CB năm 2011 phê duyệt Chương trình Bảo tồn và phát triển làng nghề do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 2636/QĐ-BNN-CB
Ngày ban hành 31/10/2011
Ngày có hiệu lực 31/10/2011
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Hồ Xuân Hùng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2636/QĐ-BNN-CB

Hà Nội, ngày 31 tháng 10 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ sửa đổi Điều 3 Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008 của Chính phủ;

Căn cứ Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020;

Căn cứ Quyết định số 2561/QĐ-BNN-KTHT ngày 23 tháng 9 năm 2010 giao nhiệm vụ cho các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thuỷ sản và nghề muối,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình Bảo tồn và phát triển làng nghề với những nội dung chủ yếu sau đây:

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU

1. Quan điểm

- Bảo tồn và phát triển làng nghề trên cơ sở phát triển hài hòa giữa sản xuất hàng hóa với bảo vệ môi trường và gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bảo tồn để phát triển và phát triển để bảo tồn.

- Bảo tồn và phát triển làng nghề phải kết hợp phát triển hài hòa các cơ sở ngành nghề quy mô vừa và nhỏ, đa dạng hóa các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh trong các làng nghề, chú trọng phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn ở làng nghề.

- Bảo tồn và phát triển làng nghề trên cơ sở phát huy sự tham gia của cộng đồng gắn liền với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, từng bước hình thành các thị trấn, thị tứ và phát triển nông thôn mới.

- Bảo tồn và phát triển làng nghề phải gắn với thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, đẩy mạnh xuất khẩu, phù hợp phát triển kinh tế xã hội và phát huy lợi thế so sánh của mỗi vùng, mỗi địa phương, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, giảm dần khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn.

2. Mục tiêu

2.1. Mục tiêu chung

Mục tiêu của Chương trình Bảo tồn và Phát triển làng nghề là phát triển làng nghề, ngành nghề, dịch vụ, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, phát huy bản sắc dân tộc trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

2.2. Mục tiêu cụ thể

a) Phấn đấu đến năm 2015 đạt:

- Thu nhập tăng từ các hoạt động phi nông nghiệp từ 2 - 4 lần so với sản xuất thuần nông;

- Tỷ lệ xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ hàng năm tăng 15-17%, đạt kim ngạch 1,5 tỷ USD;

- Giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở các làng nghề, đặc biệt là các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, sản xuất thủ công mỹ nghệ, kim khí…;

- Bảo tồn 30 - 40 làng nghề truyền thống theo hướng vào bảo tồn các làng nghề truyền thống, nghề truyền thống của đồng bào dân tộc…

- Phát triển 50 - 70 làng nghề mới và làng nghề gắn với du lịch; chú trọng phát triển nghề truyền thống, làng nghề mới ở những nơi bị thu hồi đất nông nghiệp, khu vực người dân tộc thiểu số…

b) Phấn đấu đến năm 2020 đạt:

- Tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo nghề: 80%;

[...]