Quyết định 120/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Kế hoạch hành động khẩn cấp ứng phó với chủng vi rút cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây sang người do tỉnh Tuyên Quang ban hành

Số hiệu 120/QĐ-UBND
Ngày ban hành 13/03/2014
Ngày có hiệu lực 13/03/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Chẩu Văn Lâm
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 120/QĐ-UBND

Tuyên Quang, ngày 13 tháng 3 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG KHẨN CẤP ỨNG PHÓ VỚI CÁC CHỦNG VI RÚT CÚM GIA CẦM NGUY HIỂM CÓ KHẢ NĂNG LÂY SANG NGƯỜI

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Pháp lệnh Thú y ngày 29 tháng 4 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y;

Thực hiện Công điện Hỏa tốc số 200/CĐ-TTg, ngày 14 tháng 02 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung phòng chống dịch cúm gia cầm và các chủng vi rút cúm gia cầm lây sang người;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 234/TTr-SNN ngày 24 tháng 02 năm 2014 về việc đề nghị phê duyệt Kế hoạch hành động khẩn cấp ứng phó với các chủng vi rút cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây sang người,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch hành động khẩn cấp ứng phó với các chủng vi rút cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây sang người (có Kế hoạch chi tiết kèm theo).

Điều 2. Giao trách nhiệm

1. Các sở, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố căn cứ Kế hoạch hành động khẩn cấp ứng phó với các chủng vi rút cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây sang người trên địa bàn tỉnh, xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể và tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ của ngành, đơn vị, địa phương mình; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện với Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch này, định kỳ hàng tháng báo cáo kết quả thực hiện và đề xuất kịp thời biện pháp chỉ đạo với Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Thường trực tỉnh uỷ;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các PCT UBND tỉnh;
- Như điều 3;
- Đài PT và TH tỉnh;
- Báo Tuyên Quang;
- Các phó CVP UBND tỉnh;
- Phòng Tin học Công báo;
- Trưởng phòng KT; TH, VX;
- Lưu: VT (Hòa).

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Chẩu Văn Lâm

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

KHẨN CẤP ỨNG PHÓ VỚI CÁC CHỦNG VI RÚT CÚM GIA CẦM NGUY HIỂM CÓ KHẢ NĂNG LÂY SANG NGƯỜI
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 120/QĐ-UBND, ngày 13 tháng 3 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

I. GIỚI THIỆU VỀ MỘT SỐ CHỦNG VI RÚT CÚM NGUY HIỂM CÓ KHẢ NĂNG LÂY SANG NGƯỜI.

1. Thông tin chung về vi rút cúm gia cầm:

- Bệnh cúm gia cầm thể độc lực cao (HPAI) là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có tốc độ lây lan rất nhanh với tỷ lệ chết cao trong đàn gia cầm nhiễm bệnh, có thể lây sang người và gây ra dịch cúm trên người.

- Bệnh gây ra bởi vi rút cúm tuýp A, đây là loại vi rút thuộc họ orthomyxoviridae với nhiều phân tuýp khác nhau. Trong lịch sử vi rút cúm đã gây ra đại dịch cúm ở gia cầm và ở người, đó là các tuýp có độc lực cao như H5 và H7.

- Vi rút cúm A/H7N9 được xác định có nguồn gốc từ gia cầm nhưng chưa gây bệnh lâm sàng cho gia cầm; vi rút lây truyền từ gia cầm sang người, gây bệnh cho người và tỷ lệ tử vong rất cao;

- Vi rút cúm A/H7N9 được tái tổ hợp theo kiểu lấy 06 gien nội (internal genes) của vi rút cúm H9N2 lưu hành gần đây trong gia cầm ở Trung Quốc; riêng nguồn gốc 02 gien ngoài H7 và N9 vẫn chưa được xác định rõ nhưng có mối liên hệ gần với gien H7 trên vịt và gien N9 trên các loài chim hoang dã. Vi rút cúm H10N9 phân lập được trong gia cầm ở tỉnh Giang Tô - Trung Quốc có gien N tương tự như gien N tìm thấy trong vi rút cúm A/H7N9.

- Vi rút cúm A/H7N9 có phương thức tồn tại và lây truyền giống vi rút cúm A/H5N1 là thường được phát hiện tại những nơi tập trung gia cầm bao gồm cả chợ buôn bán gia cầm sống có phương thức quản lý kém (không kiểm soát được nguồn gốc gia cầm, vệ sinh kém, lưu giữ gia cầm liên tục, không có hoặc có ít ngày đóng cửa chợ để vệ sinh, tiêu độc khử trùng).

- Vi rút cúm A/H7N9 có phương thức tồn tại và lây truyền giống vi rút cúm A/H9N2 là: Đường bài thải vi rút chính là thông qua vùng hầu họng; vi rút có bộ gen nội của vi rút cúm A/H9N2; hiện nay, tại chợ gia cầm ở Trung Quốc, tỷ lệ mẫu gà phát hiện dương tính với vi rút cúm A/H7N9 nhiều hơn các loài khác, đồng thời nhiều mẫu môi trường cũng phát hiện thấy vi rút cúm A/H7N9. Ngoài ra một lượng nhỏ mẫu vịt, chim bồ câu bán tại chợ gia cầm Trung Quốc cũng cho kết quả dương tính. Chưa phát hiện trang trại gia cầm dương tính với cúm A/H7N9.

[...]