ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 117/KH-UBND
|
Thanh
Hóa, ngày 19 tháng 07 năm 2017
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 628/QĐ-TTG NGÀY 10/5/2017 CỦA THỦ TƯỚNG
CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG KHẨN CẤP BẢO TỒN CÁC LOÀI LINH
TRƯỞNG Ở VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2025, TẦM NHÌN 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA
Thực hiện Quyết định số 628/QĐ-TTg ngày
10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch hành động khẩn cấp bảo
tồn các loài linh trưởng ở Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030 (sau đây gọi tắt
là Quyết định số 628/QĐ-TTg); UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện
với các nội dung nhu sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích.
- Tổ chức quán triệt, cụ thể hóa nhiệm vụ và giải pháp để triển khai thực hiện
hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số
628/QĐ-TTg.
- Tạo môi trường sống đảm bảo tất cả
các loài linh trưởng hiện có trên địa bàn tỉnh, trọng tâm là khu vực bên trong
và bên ngoài các vườn quốc gia (VQG), khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN), khu bảo tồn
loài được bảo tồn và phát triển bền vững dưới sự quản lý của nhà nước và sự
tham gia, ủng hộ của toàn thể xã hội.
2. Yêu cầu.
- Các hoạt động, nhiệm vụ và giải
pháp trong kế hoạch bám sát nội dung Quyết định số
628/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo tính đồng bộ, thiết
thực, hiệu quả, phù hợp với đặc điểm tình hình của tỉnh; được lồng ghép với các
chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của các ngành, địa phương về bảo tồn đa dạng
sinh học, BTTN, bảo vệ môi trường sinh thái và không trùng
lặp với các chương trình, dự án, đề án về bảo tồn các loài Linh trưởng trên địa
bàn tỉnh;
- Tăng cường công tác phối hợp giữa
các sở, ban, ngành trong việc triển khai thực hiện kế hoạch; phân công, xác định
rõ đơn vị thực hiện, đơn vị phối hợp với lộ trình thời gian thực hiện cụ thể,
khả thi.
II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI
PHÁP
1. Nhiệm vụ
1.1. Nâng cao nhận
thức và hành động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về bảo tồn linh trưởng
thông qua các chương trình giáo dục bảo tồn
- Quán triệt, triển khai đầy đủ nội
dung, nhiệm vụ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết
định số 628/QĐ-TTg; nâng cao nhận thức, tăng cường xử lý các hành vi vi phạm
các quy định về bảo vệ động vật hoang dã nói chung và các loài linh trưởng nói riêng.
- Xây dựng và thực hiện chương trình
giáo dục và nâng cao nhận thức bảo tồn cho cộng đồng địa
phương, đặc biệt lưu ý vai trò của phụ nữ và bình đẳng giới trong các hoạt động
bảo tồn các loài linh trưởng ở khu vực phân bố tự nhiên của
chúng.
- Thực hiện chương trình truyền thông
trên các phương tiện thông tin đại chúng để quảng bá giá
trị đa dạng sinh học, bảo tồn linh trưởng, BTTN gắn với giảm
thiểu tiêu thụ các sản phẩm có nguồn gốc hay liên quan tới các loài linh trưởng,
trọng tâm là khu vực thành phố, thị xã, thị trấn trên địa
bàn tỉnh; tổ chức đào tạo ngắn hạn, dài hạn theo hướng chuyên sâu, chuyên gia về
nghiên cứu, bảo tồn các loài linh trưởng.
- Đưa thông tin về bảo tồn linh trưởng
vào các chương trình hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt đầu tuần ở các Trường THPT, THCS và Tiểu học thuộc vùng đệm các khu rừng đặc
dụng.
1.2. Nâng cao hiệu quả thực thi
pháp luật để bảo vệ các loài linh trưởng và môi trường sống của chúng.
- Xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành
và hỗ trợ hoạt động kiểm soát và thu giữ các loại súng săn trong các khu dân cư
gần với môi trường sống của các loài linh trưởng.
- Xây dựng và hỗ trợ thực hiện chương
trình tháo gỡ bẫy và ngăn chặn săn bắn, bẫy, bắt tại 2 VQG
Cúc Phương, Bến En; 3 Khu BTTN Xuân Liên, Pù Hu, Pù Luông và Khu bảo tồn các
loài hạt trần quý, hiếm Nam Động hiện có phân bố các loài
linh trưởng.
- Ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng
công cụ báo cáo và giám sát không gian (SMART) cho các VQG
và khu bảo tồn có phân bố các loài linh trưởng.
- Quản lý hiệu quả, đảm bảo chấp hành
các quy định của pháp luật đối với các cơ sở gây nuôi, cơ sở kinh doanh, chế biến
động vật hoang dã, đặc biệt là các loài linh trưởng.
1.3. Lồng ghép các hoạt động bảo
tồn linh trưởng với quy hoạch, kế hoạch hoạt động của các Ban quản lý rừng đặc
dụng có sự phân bố các loài linh trưởng.
- Lồng ghép, ưu tiên nguồn lực để thực
hiện hoạt động quản lý, bảo vệ, giám sát và nghiên cứu bảo tồn các quần thể
linh trưởng tại chỗ; ngăn chặn các hoạt động làm suy thoái, suy giảm chất lượng
rừng tự nhiên; thực hiện các hoạt động bảo vệ, phục hồi rừng, trồng mới rừng bằng
cây bản địa nhằm nâng cao chất lượng, mở rộng môi trường sống cho các loài linh
trưởng.
- Ưu tiên các biện pháp giảm thiểu
tác động tiêu cực hoặc gây chia cắt môi trường sống của các loài linh trưởng
khi lập kế hoạch hoặc dự án đầu tư ở các khu rừng đặc dụng.
1.4. Thực hiện các chương trình
nghiên cứu khoa học, các hoạt động để hỗ trợ công tác bảo tồn các loài linh trưởng.
- Điều tra cơ bản, xây dựng cơ sở dữ
liệu (hiện trạng quần thể, đặc điểm sinh học, sinh thái, tập
tính, vùng phân bố) các loài linh trưởng hiện có trên địa bàn tỉnh.
- Xây dựng kế hoạch hành động bảo tồn
chi tiết cho từng loài linh trưởng hiện có; đánh giá khả năng sinh tồn của quần
thể và sinh cảnh (PHVA) nhất là đối với loài linh trưởng đặc hữu và cực kỳ nguy cấp (CR) trước năm 2020 và cho các loài linh trưởng nguy cấp
(EN) và không nguy cấp trước năm 2025.
- Xây dựng kế hoạch, lộ trình thực
thi hoạt động bảo tồn đối các quần thể linh trưởng nguy cấp, quý, hiếm, ưu tiên
bảo vệ ở các khu rừng tự nhiên là rừng phòng hộ, sản xuất
trọng điểm.
2. Giải pháp thực hiện
2.1. Tăng cường trách nhiệm của
các cơ quan quản lý và cộng đồng về bảo tồn
các loài linh trưởng.
- Tăng cường năng lực cho các cơ quan
quản lý nhà nước chuyên ngành, các Ban quản lý rừng đặc dụng về bảo tồn các
loài linh trưởng.
- Nâng cao chất lượng, nội dung, hình
thức và chuyển tài thông tin, tài liệu hướng dẫn về điều tra, giám sát, cập nhật
thông tin và hỗ trợ công tác bảo tồn, phát triển quần thể và môi trường sống của
các loài linh trưởng trong điều kiện nuôi nhốt và trong tự nhiên.
- Lồng ghép, nâng cao hiệu lực, hiệu
quả nội dung và các hoạt động bảo tồn các loài linh trưởng vào các quy hoạch, kế
hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, ngành và sản phẩm của từng ngành, địa phương theo hướng bền vững.
- Tăng cường đấu
mối, kêu gọi, huy động các tổ chức, cá nhân trong nước và
ngoài nước đầu tư, hỗ trợ, hợp tác, chuyển giao công nghệ tiên tiến phục vụ bảo
tồn, phát triển bền vững các loài linh trưởng ở các khu vực
phân bố tự nhiên.
- Từng bước có lộ
trình, thiết lập, kết nối hành lang đa dạng sinh học theo
cơ chế bảo tồn liên vùng, liên khu trong tỉnh và các tỉnh giáp ranh.
2.2. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học
và công nghệ trong hoạt động bảo tồn các loài linh trưởng.
- Tăng cường điều tra cơ bản, đẩy mạnh
nghiên cứu khoa học về loài, quần thể, hệ sinh thái của
các loài linh trưởng, đặc biệt quan tâm đến các loài linh trưởng đặc hữu, nguy
cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
- Ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến
để bảo tồn, bảo vệ và phát triển bền vững các quần thể
linh trưởng hiện có trên địa bàn tỉnh;
- Từng bước đầu tư, hiện đại hóa cơ sở
vật chất kỹ thuật ở các VQG, khu BTTN, khu bảo tồn loài phục vụ công tác nghiên
cứu, chuyển giao, cứu hộ, phát triển các loài linh trưởng. Xem xét, lựa chọn địa
điểm, quy mô, hình thức đầu tư phù hợp xây dựng Trung tâm
cứu hộ linh trưởng và các loài động vật hoang dã khác.
2.3. Tuyên truyền, giáo dục
nâng cao nhận thức về bảo tồn linh trưởng.
- Lựa chọn nội dung, hình thức, cách
thức phù hợp với khả năng nhận thức của từng đối tượng, nhóm đối tượng để thực
hiện hiệu quả các chương trình truyền thông, chương trình nâng cao nhận thức,
trách nhiệm về bảo tồn các loài linh trưởng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
- Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn,
huấn luyện cho cho các bên liên quan trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận
thức về bảo tồn linh trưởng.
2.4. Đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước về bảo tồn các
loài linh trưởng.
- Tham gia tích cực, thực hiện hiệu
quả các Công ước, Thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là nước thành viên. Chủ động đề
xuất, kêu gọi các tổ chức trong và ngoài nước hỗ trợ, giúp đỡ các nguồn lực thực
hiện hoạt động nghiên cứu, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và bảo tồn các
loài linh trưởng.
- Tăng cường hợp tác thu thập, xử lý
và chia sẻ thông tin liên quan đến bảo tồn linh trưởng. Thực hiện đồng bộ các
biện pháp ngăn ngừa, đấu tranh với hành vi vi phạm về săn
bắt, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển động vật hoang dã nói chung và các loài
linh trưởng nói riêng và các sản phẩm của chúng trên địa bàn nội tỉnh, các tỉnh giáp ranh và khu vực biên giới.
III. KINH PHÍ THỰC
HIỆN VÀ CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN.
1. Kinh phí thực hiện: Kinh phí thực
hiện các hoạt động bảo tồn, phát triển các loài linh trưởng được cân đối, bố
trí trong dự toán chi ngân sách tỉnh; chương trình mục tiêu quốc gia về Chương
trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững; từ nguồn thu dịch vụ môi trường rừng và các nguồn vốn
hợp pháp khác do các tổ chức, cá nhân hỗ trợ, tài trợ.
2. Các dự án ưu tiên:
Phê duyệt về nguyên tắc 8 chương trình, dự án ưu tiên cấp
tỉnh để triển khai thực hiện kế hoạch theo phụ lục đính
kèm.
IV. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN.
1. Sở Nông nghiệp và PTNT:
- Là cơ quan đầu mối, chủ trì, phối hợp
với các sở, ngành và các đơn vị có liên quan tham mưu
cho UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đôn đốc, triển khai thực hiện kế
hoạch. Hằng năm tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo UBND tỉnh
trước ngày 30 tháng 11 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành
liên quan hướng dẫn các địa phương, đơn vị, chủ dự án cơ sở xây dựng, thẩm định,
trình duyệt các dự án bảo tồn linh trưởng cụ thể; xây dựng quy chế phối hợp
liên ngành, thực hiện hoạt động quản lý, kiểm soát các loại
súng săn trong trong các hộ gia đình và các khu dân cư.
- Chỉ đạo Chi cục
Kiểm lâm, Chi cục Lâm nghiệp tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, sử dụng rừng, phát triển rừng, BTTN để tạo môi trường thuận
lợi cho các loài linh trưởng sinh trưởng, phát triển. Thực hiện đồng bộ các biện
pháp ngăn chặn hiệu quả hành vi xâm hại tài nguyên rừng gắn với xử lý nghiêm
các hành vi vi phạm.
- Chủ trì, nâng cao tính chủ động để
kêu gọi, huy động các nguồn lực trong và ngoài nước thực hiện kế hoạch; phối hợp
với các đơn vị liên quan thực hiện hiệu quả các chương trình phối hợp tuyên
truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng; thực hiện các hoạt động bảo tồn các loài linh trưởng trên địa bàn tỉnh
theo các nhiệm vụ, các chương trình, đề án, dự án ưu tiên
được phân công.
2. Sở Tài nguyên và môi trường:
- Phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp
và PTNT, các sở, ngành liên quan thực hiện các chương trình, dự án và các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực quản lý; tham mưu lồng
ghép có hiệu quả nhiệm vụ và hoạt động của kế hoạch này với kế hoạch hành động
bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh.
- Cân đối, bố trí, đề xuất nguồn vốn
sự nghiệp môi trường để ưu tiên, thực hiện các hoạt động bảo tồn các loài linh
trưởng hiện có ở các khu vực phân bố tự nhiên.
3. Sở Khoa học và Công nghệ: Lựa chọn,
đề xuất, cân đối kinh phí từ nguồn sự nghiệp khoa học để ưu
tiên thực hiện một số nhiệm vụ khoa học công nghệ liên
quan về lĩnh vực nghiên cứu cá thể, quần thể, hệ sinh thái
bảo tồn các loài linh trưởng, nhất là loài thuộc đối tượng nguy cấp, quý, hiếm,
ưu tiên bảo vệ.
4. Sở Thông tin và Truyền thông:
- Chủ trì, phối
hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng, tổ chức
các chương trình truyền thông bảo tồn, nâng cao nhận thức,
ý thức trách nhiệm về bảo tồn các loài linh trưởng và môi trường sống tự nhiên
của chúng.
- Hướng dẫn các cơ quan báo chí trong
tỉnh, các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú trên địa
bàn tỉnh, Đài Truyền thanh - Truyền hình các huyện, thị xã, thành phố tổ chức
tuyên truyền về công tác bảo vệ, bảo tồn động vật hoang dã nói chung, các loài
linh trưởng nói riêng.
5. Sở Kế hoạch và Đầu tư;
- Trên cơ sở khả năng cân đối nguồn vốn
đầu tư phát triển, tham mưu bố trí vốn để thực hiện các nội dung của Kế hoạch
và các chương trình, dự án khác có liên quan theo quy định.
- Chủ trì, phối
hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu vận động, thu hút các nguồn tài trợ trong và ngoài nước cho công tác
BTTN, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn và phát triển bền vững các loài linh
trưởng nguy cấp, quý, hiếm trên địa bàn tỉnh.
6. Sở Tài chính:
- Căn cứ nhu cầu, khả năng cân đối
ngân sách tỉnh để bố trí, phân bố ngân sách để thực hiện các chương trình, đề án, dự án về bảo tồn các loài linh trưởng
nguy cấp, quý, hiếm hàng năm khi được cấp thẩm quyền phê
duyệt. Theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc sử dụng
kinh phí theo đúng quy định của pháp luật.
- Tham mưu xử lý, tiếp nhận và phân bổ
các nguồn kinh phí trong và ngoài nước đầu tư cho công tác bảo tồn
linh trưởng trên địa bàn tỉnh (nếu có).
7. Sở Giáo dục và Đào tạo: Phối hợp với
UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các Trường THPT, THCS, Tiểu học lồng
ghép, tổ chức thực hiện các chương trình ngoại khóa, các
buổi sinh hoạt đầu tuần để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn
học sinh tham gia công tác bảo vệ, bảo tồn các loài linh trưởng.
8. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã,
thành phố:
- Phối hợp chặt chẽ với các sở,
ngành, đơn vị có liên quan để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, nội dung, hoạt động
bảo tồn, phát triển các loài linh trưởng.
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, UBND
các xã, phường, thị trấn tăng thời lượng phát thanh, phát
sóng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến
giáo dục pháp luật về bảo vệ, bảo tồn các loài linh trưởng
trên địa bàn huyện.
- Lồng ghép, bố trí nguồn kinh phí từ
ngân sách huyện để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, hoạt động của
kế hoạch này với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương
9. Các sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh có
liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tích cực tham gia, phối hợp để
thực hiện hiệu quả kế hoạch này. Các cơ quan thừa hành pháp luật (Cục Hải quan,
Công an tỉnh, Chi cục Kiểm lâm, BCH Bộ đội Biên phòng, Chi
cục Quản lý thị trường, Viện Kiểm sát, Tòa án tỉnh) theo
chức năng nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp với đơn vị liên quan thực hiện đúng
chế độ quản lý, kiểm tra, giám sát các mẫu vật của các
loài linh trưởng; tăng cường thực thi pháp luật để kiểm soát, xử lý nghiêm các
hành vi săn bắt, tàng trữ, buôn bán, vận chuyển trái phép
các loài linh trưởng và các bộ phận, dẫn xuất của chúng.
10. Ban quản lý các VQG, Khu BTTN,
khu bảo tồn loài: Tăng cường quản lý, tuân thủ và thực hiện đầy đủ các hoạt động
của kế hoạch này; chủ động xây dựng và trực tiếp thực hiện đồng bộ các giải
pháp bảo vệ nguyên vẹn tài nguyên rừng hiện có; gìn giữ, bảo tồn, phát triển cá thể, quần
thể các loài linh trưởng hiện có trong
khu vực. Chủ động xây dựng kế hoạch, tăng cường tuần tra,
kiểm tra an ninh rừng, ngăn chặn kịp
thời, hiệu quả các hành vi săn, bắn, bẫy, bắt các loài linh trưởng gắn với thu,
tháo, gỡ bẫy trong các khu rừng đặc dụng. Lồng ghép, thực hiện đồng bộ hoạt động
bảo tồn linh trưởng với các hoạt động quản lý, bảo vệ rừng,
BTTN nói chung. Tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn,
chuyên sâu, chuyên gia về bảo tồn, chăm sóc, cứu hộ các
loài linh trưởng; đấu mối, chủ động kêu gọi và thực hiện
hiệu quả các nhiệm vụ, dự án ưu tiên đầu tư về BTTN được duyệt.
11. Đề nghị Ủy ban MTTQ tỉnh; các tổ
chức chính trị - xã hội; các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế; các doanh
nghiệp, tổ chức, cộng đồng và cá nhân có liên quan tham gia tích cực và chủ động
thực hiện hoặc phối hợp thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động theo kế hoạch này./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ
(b/cáo);
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (b/cáo);
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh (b/cáo);
- Chủ tịch, các
Phó Chủ tịch UBND tỉnh (b/cáo);
- Các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan (t/hiện);
- UBND các huyện, thị xã, thành phố (t/hiện);
- Đài PTTH tỉnh, Báo Thanh Hóa;
- Lưu. VT, NN.
(MC125).
|
KT.
CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Đức Quyền
|