Quyết định 1188/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

Số hiệu 1188/QĐ-UBND
Ngày ban hành 05/05/2015
Ngày có hiệu lực 05/05/2015
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ninh
Người ký Nguyễn Đức Long
Lĩnh vực Đầu tư,Thương mại,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QU
NG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1188/QĐ-UBND

Quảng Ninh, ngày 05 tháng 5 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI THÀNH PHỐ HẠ LONG ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003.

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31/10/2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch Quy hoạch tổng thể; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;

Căn cứ Quyết định số 2622/QĐ-TTg ngày 31/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ “V/v phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”;

Căn cứ Báo cáo thẩm định quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hạ Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 821/TT-KHĐT ngày 17/4/2015.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hạ Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với nội dung chính như sau:

I. Quan điểm phát triển

- Phát triển kinh tế, xã hội của Hạ Long phải phù hợp với chiến lược phát triển quốc gia; Quy hoạch phát triển ngành lĩnh vực cả nước; Quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ; Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng; thống nhất với các quy hoạch ngành, lĩnh vực cấp tỉnh;

- Phát triển kinh tế, xã hội bền vững phù hợp với các mục tiêu của chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam, chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác than, ưu tiên phát triển khu vực dịch vụ chất lượng cao và các ngành công nghiệp công nghệ cao, hiện đại, tiên tiến. Lấy phát triển du lịch và dịch vụ làm trọng tâm, gắn với việc phát huy giá trị của Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, xây dựng phát triển ngành công nghiệp dịch vụ, công nghiệp giải trí, công nghiệp văn hóa dựa trên nền tảng công nghiệp sáng tạo tạo ra sự đột phá, khác biệt và giá trị gia tăng cao.

- Phát triển kinh tế, xã hội dựa trên cơ sở phát huy các nguồn lực hiện có và triển khai thực hiện các dự án mang tính đột phá có sự hỗ trợ từ bên ngoài; tận dụng tối đa các lợi thế so sánh của địa phương gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long; Quan tâm khai thác 3 trụ cột là: Con người - Tài nguyên thiên nhiên - Văn hóa làm lợi thế so sánh đảm bảo các ngành, sản phẩm dịch vụ, du lịch của Hạ Long nhanh chóng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, trở thành thương hiệu mạnh trong nước và quốc tế.

- Phát triển kinh tế phải đi đối với việc đảm bảo an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, nâng cao mức sống của người dân, đảm bảo phát triển xã hội công bằng giữa các tầng lớp nhân dân, giữa khu vực sản xuất nông lâm ngư nghiệp và thành thị;

- Chủ động hội nhập và hợp tác với các địa phương trong và ngoài Tỉnh, tận dụng các điều kiện thuận lợi và giải quyết các tác động tiêu cực đối với nền kinh tế của địa phương. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, xã hội với đảm bảo vững chắc quốc phòng an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

II. Mục tiêu phát triển:

1. Mục tiêu tổng quát:

Phấn đấu đến năm 2020, xây dựng Hạ Long trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị, là đầu tàu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trung tâm du lịch của cả nước và quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, hiện đại. Phát triển kinh tế đảm bảo hài hòa với phát triển văn hóa xã hội, gắn với bảo vệ môi trường bền vững; giữ gìn bản sắc và phát huy văn hóa Hạ Long, phát huy bền vững giá trị của Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, mở rộng kết nối với vịnh Bái Tử Long. Tăng cường quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường an toàn, thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

2. Mục tiêu cụ thể:

a) Về kinh tế:

- Tốc độ tăng trưởng bình quân (GRDP) giai đoạn 2013-2020 đạt 14,5%/năm, trong đó: giai đoạn 2016-2020 đạt 15,5%/năm; giai đoạn 2021- 2030 đạt khoảng 6,9%/năm.

- Cơ cấu kinh tế (GRDP):

+ Năm 2020, dịch vụ chiếm khoảng 58,3%; Công nghiệp và xây dựng chiếm khoảng 41,3%; Nông nghiệp chiếm khoảng 0,4%.

+ Năm 2030, nông nghiệp chiếm 0,3%; công nghiệp - xây dựng chiếm 36,7%; dịch vụ chiếm 63%.

- GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành): Năm 2020 đạt khoảng 12.000 - 13.000 USD; đến năm 2030 đạt khoảng 27.000-30.000 USD.

- Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đến năm 2020 tăng bình quân 14%/năm.

[...]