Quyết định 113/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 113/QĐ-TTg
Ngày ban hành 20/01/2012
Ngày có hiệu lực 20/01/2012
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 113/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 20 tháng 01 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH VĨNH PHÚC ĐẾN NĂM 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ;

Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020 (sau đây gọi tắt là Quy hoạch), với những nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

1. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020 phải phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và Vùng Thủ đô Hà Nội; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với quy hoạch ngành, lĩnh vực.

2. Phát huy nội lực, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ làm nền tảng phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

3. Gắn phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống giữa các tầng lớp dân cư, giữa đô thị và nông thôn; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.

4. Gắn phát triển kinh tế với khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường sinh thái; có giải pháp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Mục tiêu tổng quát

Đến năm 2015 xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc trở thành tỉnh có đủ các tiêu chí cơ bản của một tỉnh công nghiệp. Đến năm 2020 Vĩnh Phúc trở thành một tỉnh công nghiệp, là một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của khu vực và cả nước; nâng cao rõ rệt mức sống nhân dân; môi trường được bảo vệ bền vững; bảo đảm vững chắc về quốc phòng, an ninh.

2. Mục tiêu cụ thể:

a) Về phát triển kinh tế

- Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm giai đoạn 2011 - 2020 đạt 14 - 15%/năm, trong đó: giai đoạn 2011 - 2015 đạt 14 - 15%/năm, giai đoạn 2016 - 2020 đạt 14 - 14,5%/năm. GDP bình quân đầu người (giá thực tế) đến năm 2015 đạt 3.500 - 4.000 USD, đến năm 2020 đạt khoảng 6.500 - 7.000 USD.

- Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; đảm bảo phát triển bền vững và phù hợp với tiềm năng của Tỉnh. Ưu tiên phát triển các ngành có chất lượng hàng hóa cao, công nghệ hiện đại và năng suất lao động cao. Dự kiến đến năm 2015, tỷ lệ cơ cấu các ngành công nghiệp và xây dựng - dịch vụ - nông, lâm, ngư nghiệp là 61% - 32% - 7%; đến năm 2020 là 58,5% - 38% - 3,5%.

- Phát triển mạnh kinh tế đối ngoại, đẩy mạnh xuất khẩu, phấn đấu tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân giai đoạn 2011 - 2020 khoảng 30%/năm, đến năm 2020 kim ngạch xuất khẩu đạt 13,5 tỷ USD.

- Thực hiện vốn đầu tư xã hội và phát triển giai đoạn 2011 - 2015 khoảng 140.000 - 145.000 tỷ đồng; giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 280.000 - 300.000 tỷ đồng.

b) Về phát triển xã hội

- Phát triển một xã hội lành mạnh, ổn định trong đó con người là đối tượng quan tâm hàng đầu và cũng là chủ thể đảm bảo cho sự phát triển. Tạo sự chuyển biến cơ bản và toàn diện ngành giáo dục và đào tạo; chú trọng đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 66% vào năm 2015 và khoảng 75% vào năm 2020.

- 100% phường, xã đạt chuẩn quốc gia về y tế.

- Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi còn dưới 5%; giảm tỷ lệ sinh hàng năm khoảng 0,15‰; tốc độ tăng dân số tự nhiên dưới 1%/năm.

- Đến năm 2020 về cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia hiện nay.

c) Về bảo vệ môi trường

[...]