Quyết định 112/2002/QĐ-TTg phê duyệt Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 112/2002/QĐ-TTg
Ngày ban hành 03/09/2002
Ngày có hiệu lực 18/09/2002
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 112/2002/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 03 tháng 9 năm 2002

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 112/2002/QĐ-TTG NGÀY 03 THÁNG 9 NĂM 2002 PHÊ DUYỆT ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN KIẾN TRÚC VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng (tờ trình số 07/TTr-BXD ngày 21 tháng 02 năm 2002 và công văn số 160/BXD-VP ngày 19 tháng 7 năm 2002),

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2020 với nội dung chủ yếu sau:

1. Về mục tiêu.

a) Mục tiêu tổng quát:

Nâng cao chất lượng kiến trúc, tạo lập môi trường cư trú bền vững, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tạo tiền đề vững chắc cho quá trình hình thành và phát triển kiến trúc Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc.

b) Mục tiêu cụ thể:

Nghiên cứu, xác lập cơ sở lý luận về tính hiện đại và tính dân tộc của kiến trúc Việt Nam;

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong giới Kiến trúc sư và toàn dân về ý nghĩa, tầm quan trọng, phương hướng và nhiệm vụ phát triển kiến trúc Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc;

Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa kiến trúc truyền thống và bản sắc dân tộc của kiến trúc nước nhà trong xu thế toàn cầu hóa;

Đào tạo, xây dựng đội ngũ Kiến trúc sư có đủ đức, đủ tài, có bản lĩnh nghề nghiệp; coi trọng và chăm lo đào tạo những Kiến trúc sư đầu ngành;

Xây dựng chính sách hành nghề kiến trúc phù hợp để các Kiến trúc sư có thể sáng tạo được nhiều tác phẩm kiến trúc có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu vật chất, tinh thần của con người và xã hội, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước;

Phát huy vai trò của dân cư, cộng đồng trong việc tham gia phát triển kiến trúc hiện đại, giàu bản sắc dân tộc và tạo lập môi trường cư trú bền vững;

Tăng cường quản lý nhà nước về kiến trúc theo định hướng phát triển kiến trúc hiện đại, giàu bản sắc dân tộc.

2. Về quan điểm.

Kiến trúc phục vụ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước. Phát triển kiến trúc phải phù hợp với đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; phù hợp với điều kiện tự nhiên, góp phần bảo vệ môi trường, giữ gìn cân bằng sinh thái; phục vụ nhân dân, coi trọng lợi ích của toàn xã hội; áp dụng có chọn lọc các tiến bộ khoa học, công nghệ hiện đại và thích hợp; đảm bảo kiến trúc phát triển bền vững.

3. Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2020.

a) ở khu vực đô thị.

Phát triển và hình thành tổng thể kiến trúc ở khu vực đô thị trên cơ sở phân bố và phát triển hệ thống đô thị theo Định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 10/1998/QĐ-TTg ngày 23 tháng 01 năm 1998.

Tổng thể kiến trúc của mỗi vùng và đô thị phải có bản sắc riêng, phù hợp với điều kiện kinh tế, tự nhiên, dân số - xã hội, trình độ khoa học, kỹ thuật, truyền thống văn hóa lịch sử của địa phương và các đồ án quy hoạch xây dựng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Tổng thể kiến trúc của mỗi đô thị phải kết hợp hài hoà giữa cải tạo với xây dựng mới; đổi mới môi trường văn hóa kiến trúc truyền thống, nhưng không làm mất đi bản sắc riêng.

Hình thành kiến trúc đô thị phải coi trọng nguyên tắc gắn công trình riêng lẻ với tổng thể kiến trúc của đô thị; đảm bảo kết hợp hài hoà giữa quá khứ với hiện tại và tương lai. Mọi việc cải tạo, xây dựng mới trong đô thị phải tuân thủ các quy định về quản lý kiến trúc và quy hoạch xây dựng đô thị.

b) ở khu vực nông thôn.

Phát triển kiến trúc tại các làng, xã có liên quan trực tiếp với cơ cấu quy hoạch chung của các đô thị phải được dựa trên quy hoạch chi tiết xây dựng, có sự tham gia của dân cư và cộng đồng; lưu ý giữ lại những di sản kiến trúc, thiên nhiên của làng, xã; bổ sung những chức năng còn thiếu, kết hợp hiện đại hóa kết cấu hạ tầng. Công trình mới được tạo lập phải tuân thủ các quy định về quản lý kiến trúc và quy hoạch xây dựng đô thị.

Hình thành tổng thể kiến trúc tại các thị tứ, trung tâm xã, cụm xã trên cơ sở tuân thủ các quy định của quy hoạch xây dựng; khuyến khích phát triển các công trình xây dựng ít tầng, mái dốc, kế thừa hình thức kiến trúc truyền thống, gắn bó hài hoà với khung cảnh thiên nhiên, phù hợp với điều kiện khí hậu của địa phương.

[...]