Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Quyết định 1246/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 1246/QĐ-TTg
Ngày ban hành 19/07/2021
Ngày có hiệu lực 19/07/2021
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Lê Văn Thành
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1246/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 19 tháng 7 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN KIẾN TRÚC VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Kiến trúc ngày 03 tháng 6 năm 2019;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (viết tắt là Định hướng) với nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM

1. Phát triển nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc; bảo tồn, kế thừa, phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống, tiếp thu chọn lọc tinh hoa kiến trúc thế giới, tạo nên phong cách riêng của kiến trúc Việt Nam; đồng thời quảng bá kiến trúc Việt Nam ra thế giới.

2. Kiến trúc góp phần tạo lập môi trường sống bền vững; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng; phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

3. Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động kiến trúc nhằm huy động các nguồn lực đầu tư để phát triển kiến trúc; khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật nhằm phát triển kiến trúc Việt Nam hội nhập tích cực với kiến trúc trong khu vực và thế giới.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Tiếp tục xây dựng phát triển kiến trúc Việt Nam hiện đại, bền vững, giàu bản sắc, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển văn hóa trở thành nền tảng tinh thần trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, gắn với bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

2. Mục tiêu cụ thể

- Hoàn thiện thể chế, quy phạm pháp luật trong lĩnh vực kiến trúc; đến năm 2025 hoàn thành việc xây dựng, ban hành hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về kiến trúc;

- Đến năm 2025, các đô thị hoàn thành xây dựng Quy chế quản lý kiến trúc; phấn đấu đến năm 2030 cơ bản hoàn thành Quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn;

- Bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống; phấn đấu đến năm 2025, các địa phương hoàn thành việc xây dựng Danh mục công trình kiến trúc có giá trị;

- Thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực kiến trúc, đến năm 2030 hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu kiến trúc quốc gia; số hóa các công trình kiến trúc có giá trị;

- Các công trình kiến trúc đảm bảo tiêu chí về bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đất đai, tiết kiệm năng lượng; có giải pháp phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu;

- Đổi mới mô hình và phương thức đào tạo kiến trúc sư gắn với nhu cầu thực tiễn và học tập mô hình quốc tế phù hợp. Xây dựng chiến lược phát triển nhân lực chuyên ngành, chuyên sâu đi đối với bồi dưỡng tài năng, tôn vinh, thu hút và trọng dụng nhân tài; gắn đào tạo với nghiên cứu nhất là nghiên cứu ứng dụng; chú trọng nội dung đào tạo liên tục, nâng cao kỹ năng hành nghề; từng bước nâng cao chất lượng công tác lý luận, phê bình, phản biện, giám sát kiến trúc;

- Tuyên truyền, truyền thông về kiến trúc nhằm nâng cao nhận thức thẩm mỹ kiến trúc của cộng đồng; đẩy mạnh sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động kiến trúc;

- Chủ động, tăng cường hợp tác quốc tế; tạo mối liên hệ, liên kết chặt chẽ, thừa nhận lẫn nhau về kiến trúc giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới.

3. Tầm nhìn đến năm 2050

- Hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật về kiến trúc: Chính sách quản lý kiến trúc; quản lý hành nghề kiến trúc; đảm bảo hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực kiến trúc;

- Tiếp tục xây dựng chính sách đào tạo, xây dựng đội ngũ kiến trúc sư có đủ đức, đủ tài, có bản lĩnh nghề nghiệp; vinh danh coi trọng và đào tạo những kiến trúc sư tài năng;

- Tiếp tục mở rộng, đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực kiến trúc.

[...]