Quyết định 11/2020/QĐ-UBND quy định về phân cấp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh Hà Nam

Số hiệu 11/2020/QĐ-UBND
Ngày ban hành 12/05/2020
Ngày có hiệu lực 01/06/2020
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Nam
Người ký Nguyễn Xuân Đông
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11/2020/QĐ-UBND

 Hà Nam, ngày 12 tháng 5 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH PHÂN CẤP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM THUỘC TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ CỦA NGÀNH CÔNG THƯƠNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ NAM

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật An toàn thực phẩm ngày 17 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ các Nghị định của Chính phủ: số 15/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm;số77/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 07 năm 2016 sửa đổi, bổ sung một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực mua bán hàng hóa quốc tế, hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, phân bón, kinh doanh khí, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương;số 08/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương; số 17/2020/NĐ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương;.

Căn cứ Thông tư số 43/2018/TT-BCT ngày 15 tháng 11 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về quản lý an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công thương tại Tờ trình số 623/TTr-SCT ngày 06 tháng 5 năm 2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định phân cấp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh Hà Nam”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2020 và thay thế Quyết định số 43/2017/QĐ-UBND ngày 28 tháng 9 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam Về việc phân cấp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành Công thương trên địa bàn tỉnh Hà Nam.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Công thương; Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Đông

 

QUY ĐỊNH

PHÂN CẤP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM THUỘC TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ CỦA NGÀNH CÔNG THƯƠNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 11 /2020/QĐ-UBND ngày 12 tháng 5 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định việc phân cấp quản lý cho các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (viết tắt là ATTP) đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của ngành Công thương trên địa bàn tỉnh Hà Nam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Các cơ quan quản lý nhà nước về ATTP được điều chỉnh tại Quy định này bao gồm: Sở Công Thương; UBND các huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi chung là UBND cấp huyện); UBND các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là UBND cấp xã).

2. Tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của ngành Công Thương bao gồm:

a) Cơ sở sản xuất các sản phẩm, nhóm sản phẩm thực phẩm, hàng hóa được quy định tại Phụ lục IV kèm theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP có công suất thiết kế nhỏ hơn các cơ sở quy định tại Điểm a,Khoản 1, Điều 6 Thông tư số 43/2018/TT-BCT.

b) Cơ sở sản xuất nhiều loại sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ 02 cơ quan quản lý chuyên ngành trở lên có sản phẩm thuộc ngành Công Thương quản lý có sản lượng lớn nhất và cơ sở vừa sản xuất vừa kinh doanh nhiều loại sản phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ 02 cơ quan quản lý chuyên ngành trở lên tự chọn ngành Công Thương quản lý (có công suất thiết kế theo quy định tại Điểm a Khoản này);

c) Cơ sở bán buôn, bán lẻ thực phẩm (bao gồm cả thực phẩm tổng hợp) của thương nhân trên địa bàn 01 tỉnh; chuỗi siêu thị mini và chuỗi cửa hàng tiện lợi có diện tích tương đương siêu thị mini theo quy định của pháp luật.

d) Cơ sở vừa sản xuất vừa kinh doanh thực phẩm tại cùng một địa điểm có công suất thiết kế theo quy định tại Điểm a Khoản này.

[...]