Kế hoạch 302/KH-UBND năm 2020 về thực hiện Nghị quyết 99/NQ-CP về đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực do tỉnh Hà Tĩnh ban hành

Số hiệu 302/KH-UBND
Ngày ban hành 07/08/2020
Ngày có hiệu lực 07/08/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Tĩnh
Người ký Trần Tiến Hưng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 302/KH-UBND

Hà Tĩnh, ngày 07 tháng 8 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 99/NQ-CP NGÀY 24/6/2020 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ ĐẨY MẠNH PHÂN CẤP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC THEO NGÀNH, LĨNH VỰC

Thực hiện Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 24/6/2020 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 99/NQ-CP); xét đề nghị của Sở Nội vụ tại Văn bản số 1324/SNV-XDCQ&TCBC ngày 27/7/2020, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Thực hiện phân cấp hợp lý về quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực giữa UBND tỉnh với các sở, ban, ngành; giữa UBND tỉnh, các sở, ban, ngành với UBND các huyện, thành phố, thị xã (cấp huyện) và giữa UBND cấp huyện với UBND các xã, phường, thị trấn (cấp xã) trên cơ sở phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan trong hệ thống tổ chức hành chính nhà nước, bảo đảm sự quản lý tập trung, thống nhất của UBND tỉnh, phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của từng đơn vị, địa phương, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, nguồn lực của từng đơn vị, địa phương nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính nhà nước, xây dựng Chính quyền điện tử.

2. Đẩy mạnh việc thực hiện phân cấp theo ngành, lĩnh vực đảm bảo đúng mục tiêu, quan điểm, nguyên tắc phân cấp theo Nghị quyết số 99/NQ-CP của Chính phủ và phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh, của từng địa phương, đơn vị.

3. Phát huy trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước.

II. NỘI DUNG VÀ GIẢI PHÁP

1. Công tác thông tin, tuyên truyền

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng về mục tiêu, nguyên tắc, nội dung của Nghị quyết số 99/NQ-CP của Chính phủ, nhằm nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, phát huy tỉnh thần trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để đạt được hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước theo mục tiêu Nghị quyết và Kế hoạch này đề ra.

2. Các ngành, lĩnh vực cần tập trung, phân cấp quản lý nhà nước trong thời gian tới

- Ngành, lĩnh vực Nội vụ, gồm: Tổ chức, bộ máy hành chính nhà nước; đơn vị sự nghiệp công lập và tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức, vị trí việc làm.

- Ngành, lĩnh vực Tài nguyên và môi trường, gồm: Biển và hải đảo.

- Ngành, lĩnh vực Thông tin và truyền thông, gồm: Phát thanh và truyền hình.

- Ngành, lĩnh vực Văn hóa, gồm: Điện ảnh.

- Ngành, lĩnh vực Y tế, gồm: Khám bệnh, chữa bệnh.

- Ngành, lĩnh vực xây dựng, gồm: Hoạt động đầu tư xây dựng; kiến trúc; quy hoạch; phát triển đô thị.

- Ngành, lĩnh vực Khoa học và công, nghệ, gồm: Hoạt động khoa học và công nghệ.

- Ngành, lĩnh vực Lao động, thương binh và xã hội, gồm: Quản lý người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; an toàn, vệ sinh lao động.

- Ngành, lĩnh vực Tài chính, gồm: Thu ngân sách nhà nước; chi ngân sách nhà nước; quản lý nợ công; phí và lệ phí; tài sản công.

- Ngành, lĩnh vực Kế hoạch và đầu tư, gồm: Quản lý đầu tư; đầu tư công; đầu tư nước ngoài.

3. Giải pháp thực hiện

a) Tập trung hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật về ngành, lĩnh vực theo các nội dung sau:

- Rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị, chấm dứt tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm một việc chỉ do một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính, phù hợp với các nội dung đã phân cấp; tập trung làm rõ những nội dung cần tăng cường quản lý thống nhất theo ngành, lĩnh vực.

- Hoàn thiện các quy định về tiêu chí, điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, cơ chế kiểm soát giá, phí làm cơ sở để phân cấp thẩm quyền quyết định trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực.

- Rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật để loại bỏ các quy định phải có ý kiến chấp thuận hoặc xin ý kiến của cơ quan nhà nước cấp trên đối với những vấn đề đã được quy định bằng tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình và đã được phân cấp quản lý.

- Hoàn thiện các quy định của pháp luật để thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng đơn vị, địa phương.

b) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành đối với ngành, lĩnh vực sau phân cấp.

[...]