Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Quyết định 109/2003/QĐ-BCN ban hành Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ Công nghiệp từ năm 2003 đến năm 2007 do Bộ trưởng Bộ Công nghiệp ban hành

Số hiệu 109/2003/QĐ-BCN
Ngày ban hành 26/06/2003
Ngày có hiệu lực 26/07/2003
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Công nghiệp
Người ký Hoàng Trung Hải
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ CÔNG NGHIỆP
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 109/2003/QĐ-BCN

Hà Nội, ngày 26 tháng 06 năm 2003 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CỦA BỘ CÔNG NGHIỆP TỪ NĂM 2003 ĐẾN NĂM 2007

BỘ TR­ƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP

Căn cứ Nghị định số 74/CP ngày 01 tháng 11 năm 1995 của Chính phủ về chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Công nghiệp;
Căn cứ Quyết định số 13/2003/QĐ-TTg ngày 17 tháng 01 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2003 đến năm 2007;
Theo đề nghị của Vụ tr­ưởng Vụ Pháp chế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ Công nghiệp từ năm 2003 đến năm 2007.

Điều 2. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Kiểm tra, giám sát kỹ thuật an toàn công nghiệp, Giám đốc Sở Công nghiệp, Tổng giám đốc Tổng công ty, Thủ trưởng các cơ quan, doanh nghiệp trực thuộc Bộ có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:

- Nh­ư Điều 2,
- Công đoàn CNVN (để phối hợp),
- Đảng ủy khối CN tại HN
và TP.HCM (để phối hợp),
- Bộ Tư pháp (để b/c),
- L­ưu VT, PC.

BỘTR­ƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP
 



Hoàng Trung Hải


KẾ HOẠCH

PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CỦA BỘ CÔNG NGHIỆP TỪ NĂM 2003 ĐẾN NĂM 2007
(Ban hành kèm theo Quyết định số 109 /2003/QĐ-BCN  ngày 26 tháng 6 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp)

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU CỦA KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CỦA BỘ CÔNG NGHIỆP

1. Mục tiêu:

a) Góp phần tạo sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức cũng như trong hành động của cán bộ, công chức và công nhân, viên chức trong ngành công nghiệp; nâng cao ý thức pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

b) Giúp cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nắm vững pháp luật, cập nhật các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ; nắm được các thông tin về tình hình thực hiện pháp luật, nâng cao năng lực vận dụng, thi hành pháp luật. Giúp cho các doanh nghiệp nắm vững pháp luật, phát triển kinh doanh lành mạnh, góp phần vào việc đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

2. Yêu cầu:

a) Tiếp tục duy trì và phát triển các hình thức hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật đã được đề cập trong nội dung hướng dẫn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 1998 đến năm 2002 của Bộ Công nghiệp;

b) Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật từ Bộ cho đến các Tổng công ty, các cơ quan, doanh nghiệp thuộc Bộ phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và đi vào nền nếp.

c) Hình thức, biện pháp phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với điều kiện cụ thể của từng cơ quan, doanh nghiệp và từng đối tượng để đạt hiệu quả cao.

II. ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

1. Đối với cán bộ, công chức của ngành công nghiệp

a) Phổ biến, tuyên truyền nội dung các văn bản quy phạm pháp luật về cán bộ, công chức, về thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, quy chế dân chủ ở cơ quan, doanh nghiệp, những quy định của Chính phủ về tình hình trật tự, an toàn giao thông, hội nhập kinh tế quốc tế (kể cả các quy định pháp luật liên quan đến vấn đề AFTA, APEC, AICO, WTO), thực hiện điều ước quốc tế, pháp luật về kinh tế, tài chính, thương mại, đầu tư, chuyển giao công nghệ, sở hữu công nghiệp; tập trung vào những văn bản liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp và ngành công nghiệp.

b) Phổ biến, tuyên truyền nội dung các văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước về công nghiệp do các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và Bộ Công nghiệp ban hành.

2. Đối với người quản lý, người lao động, cán bộ công đoàn trong các doanh nghiệp

a) Đối với người quản lý:

Phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh; các quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể, phá sản doanh nghiệp, chuyển đổi sở hữu và quản lý doanh nghiệp; giải quyết tranh chấp trong kinh doanh, quyền và nghiã vụ của người sử dụng lao động; các quy định của pháp luật về thương mại, tài chính, ngân hàng, hợp tác đầu tư, xuất nhập khẩu, kết hợp phổ biến các chủ trương, chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế.

b) Đối với người lao động:

Phổ biến các quy định của pháp luật về hợp đồng lao động, tiền lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất khi vi phạm kỷ luật lao động, an toàn vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động.

[...]