Thông tư 63/2005/TT-BTC hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí đảm bảo cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật do Bộ tài chính ban hành

Số hiệu 63/2005/TT-BTC
Ngày ban hành 05/08/2005
Ngày có hiệu lực 13/09/2005
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Huỳnh Thị Nhân
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 63/2005/TT-BTC

Hà Nội, ngày 05 tháng 8 năm 2005

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 63/2005/TT-BTC NGÀY 5 THÁNG 8 NĂM 2005 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN VIỆC QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG KINH PHÍ BẢO ĐẢM CHO CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiét và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 13/2003/QĐ-TTg ngày 17/1/2003 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2003 đến năm 2007;
Căn cứ Quyết định số 212/2004/QĐ-TTg ngày 16/12/2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005 đến năm 2010;
Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự án, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật như sau:

I- QUY ĐỊNH CHUNG

1. Thông tư này hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí do ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo Quyết định số 13/2003/QĐ-TTg ngày 17/01/2003 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2003 đến năm 2007; Chương trình hành động quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005 đến năm 2010 và kinh phí hoạt động của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp theo Quyết định số 212/2004/QĐ-TTg ngày 16/12/2004 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Nguồn kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; kinh phí hoạt động của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc cấp nào do ngân sách cấp đó bảo đảm và được tổng hợp vào dự toán ngân sách hàng năm của các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ.

3. Kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phải được sử dụng đúng mục đích, đúng chế độ và quy định tại Thông tư này.

II- QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Nội dung chi cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

a) Chi hoạt động của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp;

- Chi tổ chức các cuộc hội thảo nghiệp vụ.

- Chi văn phòng phẩm và biên soạn tài liệu phục vụ các hoạt động của Hội đồng.

- Chi các hoạt động chỉ đạo, kiểm tra.

- Chi sơ kết, tổng kế, thi đua, khen thưởng.

b) Chi thông tin, tuyên truyền.

- Chi thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, gồm: các báo, tạp chí, tập san, phát thanh truyền hình, thông tin lưu động, triển lãm chuyên đề.

- Chi biên soạn, in, phát hành đề cương giới thiệu văn bản pháp luật mới, các tài liệu, ấn phẩm phổ biến giáo dục pháp luật phù hợp theo từng đối tượng. Chi biên dịch, xuất bản, in và phát hành tài liện pháp luật bằng tiếng dân tộc.

- Chi hỗ trợ xây dựng trong Web về hỏi đáp pháp luật.

c) Chi xây dựng và củng cố tủ sách pháp luật ở các cơ quan, đơn vị, trường học, xã phường, thị trấn.

d) Chi tổ chức thu thập thông tin, tư liệu, lập hệ cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác giải đáp, phổ biến, giáo dục pháp luật.

đ) Chi tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, thi hòa giải viên giỏi; giao lưu, sinh hoạt văn hóa có lồng ghép nội dung tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; xây dựng và duy trì hoạt động của các câu lạc bộ pháp luật.

e) Chi tổ chức các khóa bồi dưỡng, đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác phổ biến pháp luật ở các cấp, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên.

f) Chi tổ chức các hội nghị cộng tác viên; hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; triển khai kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật; thực hiện Chương trình, Đề án; các cuộc hội thảo khoa học để trao đổi nghiệp vụ phổ biến giáo dục pháp luật.

g) Chi thù lao cho đội ngũ cộng tác viên tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật, gồm các đối tượng: báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật.

h) Chi cho công tác hòa giải ở cơ sở:

- Chi thù lao cho hòa giải viên.

- Chi sơ kết, tổng kể các hoạt động hòa giải.

- Chi thi đua, khen thưởng.

[...]