Quyết định 1067/QĐ-UBND năm 2015 về việc ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phòng, chống lao tỉnh Bình Dương đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 do Ủy ban nhân dân tỉnh Bỉnh Dương ban hành

Số hiệu 1067/QĐ-UBND
Ngày ban hành 27/04/2015
Ngày có hiệu lực 27/04/2015
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Dương
Người ký Trần Thanh Liêm
Lĩnh vực Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1067/QĐ-UBND

Bình Dương, ngày 27 tháng 04 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÒNG, CHỐNG LAO TỈNH BÌNH DƯƠNG ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN 2030

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 374/QĐ-TTg ngày 17/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phòng, chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030;

Xét đề nghị của Sở Y tế tại tờ trình số 07/TTr-SYT ngày 10/3/2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phòng, chống lao tỉnh Bình Dương đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 (Kế hoạch kèm theo).

Điều 2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành và đoàn thể tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành quyết định này, kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế;
- TTTU; TT.HĐND, TT Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQVN và các đoàn thể;
- Các Sở, ban, ngành tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, tp;
- LĐVP, Thái, TH, Website tỉnh;
- Lưu VT.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Thanh Liêm

 

KẾ HOẠCH

triỂn khai thỰc hiỆn ChiẾn lưỢc phòng, chỐng lao tỈnh Bình Dương đẾn năm 2020 và tẦm nhìn 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1067/QĐ-UBND ngày 27/4/2015 của UBND tỉnh)

Phần 1

KHÁI QUÁT TÌNH HÌNH

I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH

Bình Dương là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, phía Bắc giáp tỉnh Bình Phước, phía Đông giáp tỉnh Đồng Nai, phía Tây Nam giáp tỉnh Tây Ninh và thành phố Hồ Chí Minh. Diện tích tự nhiên 2695,5 km2 với 01 thành phố, 04 thị xã, 04 huyện và 91 xã/phường/thị trấn với dân số năm 2014 là 1.952.764 người (di biến động dân số trên 500.000 người/năm). Trên địa bàn hiện có 29 khu công nghiệp với diện tích gần 8.870 ha và 8 cụm công nghiệp với diện tích gần 600ha.

Hệ thống khám chữa bệnh công lập gồm: 03 bệnh viện tuyến tỉnh (Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện Phục hồi chức năng, Bệnh viện Y học cổ truyền); 09 Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố; 17 Phòng khám đa khoa khu vực và 91 Trạm Y tế xã, phường, thị trấn; 02 Bệnh viện trực thuộc bộ/ngành: Bệnh viện quân y 4 - Quân đoàn 4, Bệnh viện đa khoa cao su Dầu Tiếng và 12 Trạm Y tế nông trường.

Hệ thống khám chữa bệnh ngoài công lập có 529 cơ sở gồm 10 Bệnh viện đa khoa, 34 Phòng khám đa khoa, 485 Phòng khám chuyên khoa, cơ sở dịch vụ y tế và 1.373 cơ sở kinh doanh thuốc (trong đó có 179 nhà thuốc tây).

Về mạng lưới phòng chống lao Trung tâm Phòng, chống bệnh xã hội và Bệnh viện đa khoa tỉnh; 09 Trung tâm Y tế huyện, thị, thành phố; Bệnh viện đa khoa cao su Dầu Tiếng, 05 trại giam/tạm giam/cơ sở giáo dục, tại tuyến xã và cấp tương đương là 103 đơn vị.

II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN DỰ ÁN PHÒNG CHỐNG LAO (PCL) GIAI ĐOẠN 2009 - 2014

Trong những năm qua các hoạt động phòng chống lao được triển khai đầy đủ và hiệu quả việc thực hiện chặt chẽ chiến lược DOTS. Từ năm 2007 bắt đầu điều trị dự phòng Cotrimoxazol cho bệnh nhân đồng nhiễm Lao/HIV và từ năm 2008 - 2014 triển khai thực hiện hoạt động lồng ghép Lao/HIV thuộc Tiểu Dự án Life-gap đã đóng góp hiệu quả cho công tác chăm sóc và giảm nhẹ Lao/HIV đặc biệt là công tác tầm soát nhiễm HIV trong bệnh nhân lao. Từ đầu năm 2014 đến nay được sự tài trợ của Quỹ toàn cầu, Dự án phòng chống lao tỉnh Bình Dương tiếp tục triển khai hoạt động lồng ghép lao/HIV và chuẩn bị nguồn lực cho việc triển khai điều trị lao kháng thuốc tại tỉnh nhà. Kết quả cụ thể đạt được như sau:

1. Hoạt động phát hiện-điều trị bệnh lao

a) Tỷ lệ % thử đàm phát hiện/dân số: Tỷ lệ thử đàm toàn tỉnh dao động 0,5 - 0,6% dân số (yêu cầu của chương trình là 1%).

b) Tỷ suất phát hiện AFB (+)/người thử đàm: Tỷ suất phát hiện AFB dương giai đoạn 2004 - 2014 có xu hướng tăng 4,5%/năm. Hiện toàn tỉnh đang ở mức 13 người thử đàm có một người dương tính (yêu cầu của chương trình là 10 người thử đàm có một người dương tính).

c) Tình hình phát hiện Lao các thể mắc mới/100.000 dân: Giai đoạn 2004 - 2008 lao các thể mắc mới trên toàn tỉnh có xu hướng tăng 3,6%/năm, đến giai đoạn 2009 - 2014 có xu hướng giảm 5,4%/năm, từ 149/100.000 dân xuống còn 114/100.000 dân, một số huyện có tỷ lệ cao như Bến Cát, Thủ Dầu Một, Thuận An 140/100.000 dân (cả nước hiện tại 147/100000 dân). Tỷ lệ điều trị thành công đối với lao các thể > 88%, tỷ lệ bỏ trị được khống chế <3%, tỷ lệ chết <5%.

d) Tỷ lệ lao phổi AFB (+) mới thu nhận/100.000 dân

[...]