Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 3759/QĐ-UBND.VX năm 2014 về Kế hoạch thực hiện Quyết định 374/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 của tỉnh Nghệ An

Số hiệu 3759/QĐ-UBND.VX
Ngày ban hành 07/08/2014
Ngày có hiệu lực 07/08/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Nghệ An
Người ký Đinh Thị Lệ Thanh
Lĩnh vực Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3759/QĐ-UBND.VX

Nghệ An, ngày 07 tháng 8 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 374/QĐ-TTG NGÀY 17/3/2014 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA PHÒNG CHỐNG LAO ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN 2030 CỦA TỈNH NGHỆ AN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 374/QĐ-TTg ngày 17/03/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030;

Xét đề nghị của Sở Y tế tại Tờ trình số 1510/TTr-SYT ngày 14/7/2014 về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 374/QĐ-TTg ngày 17/03/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 của tỉnh Nghệ An,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 374/QĐ-TTg ngày 17/03/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 của tỉnh Nghệ An.

Điều 2. Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện theo đúng quy định.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Y tế; Thủ trưởng các đơn vị có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố Vinh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Y tế (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- PVP.VX UBND tỉnh;
- UBMTTQ tỉnh;
- Các Sở Tài chính; KH&DT; Nội vụ; TT&TT; VH,TT&DL; GD&ĐT; LĐTB&XH;
- CA tỉnh; BCHQS tỉnh; BĐBP tỉnh;
- CV:VX;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đinh Thị Lệ Thanh

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 374/QĐ-TTG NGÀY 17/3/2014 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA PHÒNG CHỐNG LAO ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN 2030 CỦA TỈNH NGHỆ AN
(Ban hành kèm theo QĐ số 3759/QĐ-UBND.VX ngày 07/8/2014 của UBND tỉnh)

I. QUAN ĐIỂM

Bệnh lao là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và khả năng lây lan rất lớn. Bệnh có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm, chữa đúng phương pháp và đủ thời gian.

Hiện nay bệnh lao vẫn là một bệnh có nguy cơ cao nhất về số lượng người mắc bệnh và tử vong. Ước tính mỗi năm có thêm khoảng 180 nghìn người mắc bệnh lao, trong số đó có hơn 5% bệnh nhân lao đồng nhiễm HIV, gần 6000 bệnh nhân lao kháng đa thuốc và có tới trên 20 nghìn người chết do lao.

Theo ước tính của Chương trình chiến lược Quốc gia (CTCLQG) hàng năm Nghệ An có khoảng 2.400 bệnh nhân lao phổi mới. Trong khi mỗi năm Nghệ An chỉ phát hiện khoảng 1.050 bệnh nhân lao mới có tìm thấy vi khuẩn lao. Như vậy, khoảng 56% số bệnh nhân chưa được phát hiện và điều trị. Đây là mối nguy hiểm cho cộng đồng. Tình hình dịch tễ bệnh lao tại Nghệ An được xem như hiện tượng “tảng băng nổi”.

Người mắc bệnh lao chủ yếu phân bố ở vùng đồng bằng, ven biển, giảm dần ở khu vực miền núi vùng cao; Ở độ tuổi lao động từ 25 đến 54 tuổi; Và 80% số bệnh nhân là nam giới. Bệnh lao tác động đến 70% đối tượng lao động chính của xã hội, làm lực lượng sản xuất bị giảm sút, ảnh hưởng đến năng suất lao động. Vì vậy, bệnh lao không chỉ gây tổn thất cho sức khỏe con người mà còn tác động đến sự phát triển bền vững kinh tế và xã hội.

Các nghiên cứu về kinh tế y tế cho thấy, mỗi bệnh nhân lao sẽ mất trung bình 3-4 tháng lao động, làm giảm 20-30% thu nhập bình quân của gia đình.

Cùng với sự phát triển dân số, sự lan tràn đại dịch HIV, ô nhiễm môi trường, sự phân hóa giàu nghèo, thiên tai khiến cho bệnh lao gia tăng trở lại kèm theo các thể bệnh lao nguy hiểm như lao kháng đa thuốc, lao siêu kháng thuốc.

Theo thống kê của CTCLQG, bệnh lao ở Việt Nam cũng như ở Nghệ An đang có xu hướng giảm nhẹ. Song kinh phí từ CTCLQG cũng như kinh phí từ các dự án đầu tư cho Nghệ An đang bị cắt giảm. Công tác phòng chống lao của tỉnh nhà đang còn nhiều khó khăn thách thức, không chỉ là về vấn đề tài chính mà cả về nhân lực, tình hình dịch tễ, lao kháng thuốc, lao/HIV...

Việc xây dựng một chiến lược phòng chống lao là cơ sở tiền đề quan trọng để Nghệ An nói riêng và Việt Nam nói chung có những bước đột phá giải quyết những khó khăn trước mắt, hướng tới mục tiêu “một Việt Nam không còn bệnh lao”.

II. TÌNH HÌNH DỊCH TỄ

Nghệ An là một tỉnh thuộc khu vực Bắc Miền Trung, địa bàn rộng 16.490.250 km2, dân số toàn tỉnh (năm 2013) là 3.113.055 người. Trong những năm vừa qua, tình hình bệnh lao có dấu hiệu giảm nhẹ. Một số chỉ số dịch tễ có xu hướng tăng lên. Tỷ lệ mới mắc có giảm nhưng không đáng kể. Tỷ lệ tử vong giảm, một phần vì điều kiện sống của người dân càng ngày được cải thiện, cũng như nhận thức của người dân được nâng cao nên vấn đề chăm sóc bệnh nhân lao được coi trọng. Gánh nặng cho công tác chống lao của Nghệ An đó là sự gia tăng của tỷ lệ lao kháng đa thuốc và đồng nhiễm lao/HIV (tăng 1% mỗi năm)

III. MỤC TIÊU KẾ HOẠCH

[...]