ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2713/QĐ-UBND
|
Hải Phòng, ngày
05 tháng 12 năm 2014
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN “CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG LAO ĐẾN NĂM
2020 VÀ TẦM NHÌN 2030” THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban
nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Phòng, chống các bệnh truyền nhiễm
ngày 21/11/2007;
Căn cứ Quyết định số 374/QĐ-TTg ngày 17/3/2014 của
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020
và tầm nhìn 2030;
Xét đề nghị của Sở Y tế tại Công văn số 1573/SYT-VP
ngày 25/11/2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện “Chiến
lược quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030” thành phố Hải
Phòng.
Điều 2. Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan
tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về
Ủy ban nhân dân thành phố và Bộ Y tế theo quy định.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Y tế,
Thủ trưởng các Sở, ngành, đơn vị liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận,
huyện căn cứ Quyết định thi hành./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Y tế;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND TP;
- CT, các PCT UBND TP;
- Như Điều 3;
- CPVP;
- Các CV UBND TP;
- Lưu VP.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Khắc Nam
|
KẾ HOẠCH
THỰC
HIỆN “CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG LAO ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN 2030” THÀNH
PHỐ HẢI PHÒNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2713/QĐ-UBND ngày 05/12/2014 của Ủy ban
nhân dân thành phố)
Thực hiện Quyết định số 374/QĐ-TTg ngày 17/3/2014 của
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020
và tầm nhìn 2030; Ủy ban nhân dân thành phố xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến
lược trên địa bàn thành phố, với các nội dung sau:
I. QUAN ĐIỂM:
1. Bệnh lao là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với
sức khỏe cũng như tính mạng người mắc bệnh với nguy cơ lây lan ra cộng đồng lớn;
bệnh có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm, chữa đúng phương pháp và đủ thời gian.
Vì vậy, công tác phòng, chống bệnh lao là một nhiệm vụ quan trọng, lâu dài của
cả hệ thống chính trị, trong đó ngành Y tế là nòng cốt.
2. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo bảo đảm các nguồn lực
cho công tác phòng, chống bệnh lao; đồng thời cần huy động mọi nguồn lực xã hội
để hỗ trợ công tác phòng, chống bệnh lao.
3. Phòng, chống bệnh lao chủ yếu dựa vào cộng đồng
và được mạng lưới phòng, chống lao và bệnh phổi từ Trung ương đến địa phương thực
hiện, có sự phối hợp giữa các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung:
Giảm số người mắc bệnh lao, số người chết do lao và
giảm sự lây nhiễm lao, khống chế bệnh lao kháng đa thuốc để hướng tới loại trừ
bệnh lao ra khỏi cộng đồng.
2. Mục tiêu cụ thể:
a) Mục tiêu đến năm 2015:
- Giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống
tỷ lệ 100/100.000 người dân;
- Khống chế số người mắc bệnh lao đa kháng thuốc với
tỷ lệ dưới 5% trong tổng số người bệnh lao mới phát hiện.
b) Mục tiêu đến năm 2020:
- Giảm tỷ lệ người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống
80/100.000 người dân;
- Khống chế số người mắc bệnh lao đa kháng thuốc với
tỷ lệ dưới 5% trong tổng số người bệnh lao mới phát hiện.
3. Tầm nhìn đến năm 2030:
Duy trì thành quả phòng, chống bệnh lao đạt được
vào năm 2020; tiếp tục giảm số người mắc, số người chết do bệnh lao (số người mắc
bệnh lao trong cộng đồng giảm xuống dưới 20/100.000 người dân vào năm 2030). Hướng
tới mục tiêu để người dân được sống trong môi trường không còn bệnh lao.
III. CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ
YẾU
1. Về cơ chế, chính sách:
- Thành phố bảo đảm các nguồn lực cho công tác
phòng, chống bệnh lao phù hợp với diễn biến tình hình bệnh lao, khả năng và điều
kiện phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa đối
với công tác phòng, chống bệnh lao.
- Duy trì, củng cố mạng lưới phòng, chống bệnh lao
từ thành phố đến quận, huyện, xã, phường, thị trấn thực hiện việc phát hiện, chẩn
đoán, điều trị bệnh nhân lao; phối hợp, lồng ghép với các cơ sở y tế ngoài công
lập để phát hiện sớm và điều trị có hiệu quả cao cho người mắc bệnh lao trong cộng
đồng.
- Triển khai thực hiện đầy đủ các chính sách, pháp
luật ưu đãi theo quy định của Nhà nước đối với cán bộ, viên chức, người lao động
trong các cơ sở y tế làm công tác phòng, chống bệnh lao và người có thẻ bảo hiểm
y tế được thuận lợi trong khám, chữa bệnh lao.
- Triển khai thực hiện các quy định pháp luật về
khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia hiệu quả vào
công tác phòng, chống bệnh lao.
- Xây dựng chính sách hỗ trợ đào tạo, thu hút nhân
lực y tế chất lượng cao làm công tác phòng, chống bệnh lao thuộc thẩm quyền của
Ủy ban nhân dân thành phố nhằm động viên, thu hút nhân lực để phát triển đội
ngũ cán bộ y tế thực hiện công tác phòng, chống bệnh lao trên địa bàn thành phố.
2. Về truyền thông, giáo dục sức khỏe và huy động
xã hội tham gia phòng, chống bệnh lao:
- Tăng cường phổ biến, tuyên truyền pháp luật,
chính sách về phòng, chống bệnh lao.
- Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, tư vấn nâng cao
kiến thức của người dân về bệnh lao để người dân, đặc biệt người dân vùng sâu,
vùng xa, người di biến động hiểu, không mặc cảm, kỳ thị đối với bệnh lao và chủ
động tiếp cận sử dụng dịch vụ khám phát hiện, chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh
lao do ngành Y tế cung cấp.
- Huy động, khuyến khích tối đa sự tham gia của các
Sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể, cộng đồng, người bệnh,
người nhà người bệnh tham gia vào hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe về
phòng, chống bệnh lao để mọi tầng lớp nhân dân hiểu và chủ động phòng, chống bệnh
lao.
3. Về chuyên môn kỹ thuật và dịch vụ phòng, chống
bệnh lao:
- Tăng cường phát hiện lao sớm và điều trị có hiệu
quả bệnh lao:
+ Các cơ sở y tế có trách nhiệm cung cấp dịch vụ
khám phát hiện, chẩn đoán, điều trị, dự phòng và quản lý bệnh lao theo hướng dẫn
của Bộ Y tế. Các cơ sở y tế chuyên khoa lao và bệnh phổi các tuyến chủ trì, phối
hợp với các cơ sở y tế đa khoa, chuyên khoa khác và y tế ngoài công lập đảm bảo
hướng dẫn, giám sát việc cung cấp dịch vụ khám phát hiện, chẩn đoán, điều trị
và dự phòng bệnh lao có chất lượng cho mọi người dân.
+ Tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân, đặc biệt
người dân vùng sâu, vùng xa, người di biến động dễ dàng tiếp cận và sử dụng dịch
vụ khám phát hiện, chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao có chất lượng. Huy
động sự tham gia của cộng đồng và các tổ chức xã hội hỗ trợ cho người bệnh lao
được sử dụng dịch vụ khám, phát hiện sớm và điều trị bệnh lao thuận lợi.
- Đẩy mạnh việc áp dụng các kỹ thuật mới vào khám
phát hiện, chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao.
+ Chủ động áp dụng các kỹ thuật mới được Tổ chức Y
tế thế giới, Chương trình chống lao quốc gia khuyến cáo sử dụng nhằm phổ cập dịch
vụ khám phát hiện, điều trị và dự phòng bệnh lao toàn diện. Sử dụng tối ưu các
kỹ thuật truyền thống, đồng thời ứng dụng các công nghệ mới và tiếp cận mới
trong việc kiểm soát bệnh lao, hướng đến can thiệp chủ động, hiệu quả.
+ Triển khai thí điểm áp dụng các mô hình tiếp cận
mới các dịch vụ phòng, chống lao cho người dân thông qua hệ thống y tế công lập
và ngoài công lập, với sự tham gia của các tổ chức, đoàn thể và cộng đồng. Thường
xuyên rà soát, đánh giá và nhân rộng các mô hình thí điểm hiệu quả nhằm tăng khả
năng cung ứng dịch vụ cũng như tạo điều kiện để người dân tiếp cận thuận lợi với
các dịch vụ khám, chữa bệnh lao có chất lượng và hiệu quả.
4. Về cung ứng thuốc và hậu cần kỹ thuật phòng,
chống bệnh lao:
- Xây dựng và hoàn thiện cơ chế quản lý, cung ứng
thuốc, hậu cần kỹ thuật phù hợp cho công tác phòng, chống bệnh lao, đảm bảo kịp
thời, hiệu quả cao và bền vững.
- Triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách tạo
điều kiện tốt hơn về dinh dưỡng cho bệnh nhân lao.
- Củng cố và tăng cường cơ sở hạ tầng, trang thiết
bị y tế cho các cơ sở y tế làm công tác khám phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh
lao.
- Cung ứng kịp thời, đầy đủ thuốc, sinh phẩm, vật
tư y tế đáp ứng nhu cầu điều trị cho người bệnh lao. Thường xuyên theo dõi chặt
chẽ tình hình kháng thuốc và phản ứng có hại của thuốc điều trị bệnh lao.
5. Về đảm bảo nguồn tài chính cho công tác
phòng, chống bệnh lao:
- Đảm bảo kịp thời nguồn ngân sách nhà nước và nguồn
quỹ bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật đáp ứng yêu cầu công tác phòng,
chống bệnh lao.
- Huy động mọi nguồn lực xã hội cho công tác phòng,
chống bệnh lao từ các nguồn vốn hợp pháp khác, các nguồn tài trợ của các tổ chức,
cá nhân trong nước và ngoài nước.
6. Về bảo đảm nguồn nhân lực cho công tác phòng,
chống bệnh lao:
- Triển khai thực hiện đầy đủ các chính sách ưu
tiên của Nhà nước về đào tạo, tuyển dụng, sử dụng và đãi ngộ đối với cán bộ,
viên chức và người lao động làm công tác phòng, chống lao. Nghiên cứu, ban hành
theo thẩm quyền của thành phố các chính sách ưu đãi phù hợp với điều kiện và
tình hình thực tế của thành phố nhằm đảm bảo chất lượng và số lượng nhân lực thực
hiện công tác phòng, chống bệnh lao đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống bệnh
lao trong tình hình mới.
- Đa dạng hóa các loại hình đào tạo chuyên khoa; cập
nhật kiến thức phòng, chống bệnh lao cho các thầy thuốc đa khoa và chuyên khoa
khác; kết hợp hình thức đào tạo tập trung với đào tạo tại chức, đào tạo ngắn hạn
và dài hạn; bồi dưỡng kiến thức phòng, chống bệnh lao liên tục thông qua tập huấn,
hội nghị, hội thảo, hướng dẫn trực tiếp.
- Nâng cao năng lực quản lý về phòng, chống bệnh
lao cho cán bộ quản lý các cấp thông qua các chương trình đào tạo, tham quan học
tập, chia sẻ kinh nghiệm trong và ngoài nước
- Lồng ghép hoạt động phòng, chống bệnh lao với hoạt
động phòng, chống HIV/AIDS, các bệnh phổi mạn tính và các hoạt động y tế dự
phòng khác.
7. Về công tác kiểm tra, giám sát:
- Đẩy mạnh hoạt động và hoàn thiện việc theo dõi,
báo cáo để lượng giá, đánh giá và kiểm soát chất lượng dịch vụ phòng, chống bệnh
lao ở tất cả các cơ sở y tế bằng áp dụng công nghệ thông tin.
- Nâng cao năng lực giám sát dịch tễ bệnh lao và
đánh giá hiệu quả công tác phòng, chống bệnh lao các tuyến thông qua các chương
trình đào tạo, tham quan học tập, chia sẻ kinh nghiệm trong và ngoài nước.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực
hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bệnh lao; kịp thời xử lý các hành vi
vi phạm pháp luật.
8. Về hợp tác quốc tế:
- Tăng cường hợp tác với các nước, tổ chức, cá nhân
nước ngoài về lĩnh vực nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng và hỗ trợ kỹ thuật
phòng, chống bệnh lao, đặc biệt với các tổ chức đã có mối quan hệ lâu dài và có
kỹ thuật phòng, chống bệnh lao tiên tiến.
- Tích cực, chủ động vận động sự hỗ trợ của các tổ
chức, cá nhân nước ngoài cho công tác phòng, chống bệnh lao.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Y tế:
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên
quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo tổ chức triển khai Kế hoạch
thực hiện Chiến lược trên địa bàn thành phố; tham mưu xây dựng, ban hành các cơ
chế, chính sách theo thẩm quyền của Ủy ban nhân dân thành phố để triển khai các
nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch thực hiện Chiến lược.
- Là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo phòng, chống
bệnh lao thành phố; thường xuyên tham mưu củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo thành
phố và hướng dẫn củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh lao cấp huyện,
cấp xã.
- Xây dựng kế hoạch phòng, chống bệnh lao hàng năm
của ngành Y tế; xây dựng và xác lập các mục tiêu phòng, chống bệnh lao trong kế
hoạch phát triển kinh tế - xã hội dài hạn và hàng năm của thành phố.
- Phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu xây dựng chính
sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực cho công tác phòng, chống bệnh lao thuộc
thẩm quyền của Ủy ban nhân dân thành phố.
- Phối hợp với các Sở, ngành liên quan bố trí đủ
ngân sách, nhân lực, cơ sở vật chất cho công tác phòng, chống bệnh lao tại
thành phố cùng với nguồn ngân sách Trung ương cấp theo kế hoạch hàng năm.
- Thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát
việc triển khai thực hiện Chiến lược trên địa bàn thành phố; định kỳ tổ chức sơ
kết, tổng kết, báo cáo kết quả thực hiện Chiến lược về Bộ Y tế và Ủy ban nhân
dân thành phố theo quy định.
2. Sở Thông tin và Truyền thông:
- Phối hợp với Sở Y tế, các ban, ngành liên quan và
các địa phương xây dựng kế hoạch thông tin, truyền thông trên các phương tiện
thông tin đại chúng thành phố và hệ thống thông tin cơ sở.
- Hướng dẫn các cơ quan thông tin, báo chí thường
xuyên phối hợp với Chương trình phòng, chống bệnh lao các cấp thực hiện hoạt động
thông tin, truyền thông phòng, chống bệnh lao.
3. Sở Lao động Thương binh và Xã hội:
- Phối hợp với Sở Y tế và các Sở, ngành, đoàn thể,
đơn vị liên quan hướng dẫn phòng, chống bệnh lao cho người lao động tại nơi làm
việc, lao động nữ, nhóm lao động di biến động dễ bị tổn thương và các chính
sách hỗ trợ người lao động bị mắc bệnh lao.
- Phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức triển
khai, giám sát, kiểm tra việc thực hiện các chế độ, chính sách hỗ trợ người mắc
bệnh lao là người lao động trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
4. Sở Giáo dục và Đào tạo:
- Lồng ghép các nội dung phòng, chống bệnh lao
trong các chương trình hoạt động ngoại khóa trong nhà trường.
- Phối hợp với Sở Y tế tổ chức các hoạt động truyền
thông, giáo dục về phòng, chống bệnh lao cho học sinh, sinh viên, đội ngũ giáo
viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp với các hình thức phong phú và hiệu quả.
5. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch:
- Phối hợp với các Sở Y tế xây dựng kế hoạch tuyên
truyền phòng, chống bệnh lao trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.
- Hướng dẫn tuyên truyền phòng, chống bệnh lao
thông qua các tác phẩm và biểu diễn nghệ thuật để người dân dễ hiểu, dễ thực hiện
và chủ động phòng, chống bệnh lao.
6. Bảo hiểm xã hội Hải Phòng:
- Phối hợp với ngành Y tế triển khai thực hiện đầy
đủ các chế độ, chính sách theo quy định của Nhà nước về bảo hiểm y tế, đảm bảo
cho người dân tham gia bảo hiểm y tế đi khám, chữa bệnh lao được tiếp cận thuận
lợi các dịch vụ khám phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh lao có chất lượng.
- Thanh quyết toán kịp thời chi phí khám bệnh, chữa
bệnh từ quỹ bảo hiểm y tế cho các cơ sở y tế điều trị bệnh lao theo quy định.
7. Sở Tài chính:
- Bố trí kinh phí cho hoạt động phòng, chống bệnh
lao theo quy định của pháp luật về phân cấp ngân sách nhà nước.
- Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử
dụng kinh phí phòng, chống bệnh lao đúng mục đích, hiệu quả và theo đúng quy định
hiện hành.
8. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Bố trí kinh phí đầu tư cho hoạt động phòng, chống
bệnh lao thông qua các chương trình hoặc kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê
duyệt.
- Phối hợp với Sở Y tế, Sở Tài chính nghiên cứu, đề
xuất các giải pháp nhằm tăng cường, huy động vốn đầu tư phát triển cho hệ thống
phòng, chống bệnh lao thành phố.
9. Sở Nội vụ:
- Phối hợp với Sở Y tế và các ngành liên quan triển
khai thực hiện kịp thời các chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với người
làm công tác phòng, chống bệnh lao.
- Phối hợp với Sở Y tế tham mưu xây dựng chính sách
thu hút, đào tạo nguồn nhân lực cho công tác phòng, chống bệnh lao thuộc thẩm
quyền của Ủy ban nhân dân thành phố./.
10. Công an thành phố:
- Phối hợp với Sở Y tế triển khai các hoạt động
phòng, chống bệnh lao tại các đơn vị thuộc Công an thành phố quản lý; trong đó
chú trọng tới công tác phòng, chống bệnh lao trong các nhà tạm giữ, trại tạm
giam, trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng.
- Phối hợp tổ chức truyền thông, giáo dục sức khỏe
và phòng, chống bệnh lao cho cán bộ, chiến sĩ công an, phạm nhân, trại viên, học
sinh trường giáo dưỡng trong các đơn vị thuộc Công an thành phố quản lý.
11. Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ
đội Biên phòng Hải Phòng:
- Triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh lao
trong các đơn vị quân đội phù hợp với đặc thù của ngành.
- Phối hợp với Sở Y tế mở rộng hoạt động mô hình
quân dân y kết hợp nhằm tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng, chống bệnh lao;
triển khai khám phát hiện và điều trị cho người dân tại các khu vực biển đảo,
điều kiện khó khăn.
12. Ủy ban nhân dân các quận, huyện:
- Xây dựng kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia
phòng, chống bệnh lao phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.
- Chỉ đạo các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể ở địa
phương phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải
pháp phòng, chống bệnh lao; chú trọng đẩy mạnh truyền thông, giáo dục sức khỏe
và huy động xã hội tham gia phòng, chống bệnh lao.
13. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
thành phố và các tổ chức thành viên:
- Phối hợp với ngành Y tế và các cấp chính quyền
triển khai Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh lao của
thành phố theo chức năng, nhiệm vụ và phạm vi hoạt động của mình.
- Tham gia giám sát việc thực hiện Chiến lược quốc
gia phòng, chống bệnh lao trên địa bàn thành phố.
Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các Sở, ban,
ngành và Ủy ban nhân dân các quận, huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao,
định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch này về Sở Y tế để tổng hợp,
báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố./.