Kế hoạch 9307/KH-BNN-CBTTNS năm 2020 về phát triển thị trường và xúc tiến thương mại nông sản năm 2021 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 9307/KH-BNN-CBTTNS
Ngày ban hành 31/12/2020
Ngày có hiệu lực 31/12/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Lê Minh Hoan
Lĩnh vực Thương mại

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 9307/KH-BNN-CBTTNS

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG VÀ XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI NÔNG SẢN NĂM 2021

Để định hướng công tác chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác phát triển thị trường và xúc tiến thương mại nông sản năm 2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành kế hoạch với nội dung cụ thể như sau:

A. KẾT QUẢ CÔNG TÁC PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG VÀ XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI NĂM 2020

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Năm 2020 là một năm thử thách cho ngành nông nghiệp khi phải đối mặt với những khó khăn kép do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu; các hình thái thời tiết cực đoan; thiên tai gây thiệt hại cả về người và nhiều diện tích cây trồng, vật nuôi; dịch bệnh trên gia súc gia cầm gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất chăn nuôi; thị trường tiêu thụ một số mặt hàng nông sản có xu hướng giảm và chịu tác động từ chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, các nước phát triển có xu hướng bảo vệ sản xuất trong nước thông qua việc tăng cường các hàng rào kỹ thuật khiến cho xuất khẩu nông sản gặp nhiều trở ngại, nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng khó khăn làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, với sự quan tâm cao và hỗ trợ, chỉ đạo kịp thời của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp bộ ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và địa phương, Ngành nông nghiệp đã nỗ lực, quyết liệt triển khai các giải pháp nhằm phát huy các lợi thế trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tham gia tích cực các định chế thương mại quốc tế nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, kịp thời điều chỉnh phương thức và hình thức tổ chức thực hiện công tác phát triển thị trường nông sản phù hợp với diễn biến thị trường và tiếp cận sâu hơn với nhu cầu của địa phương, người sản xuất, doanh nghiệp. Với những nỗ lực đó, giá cả các mặt hàng nông sản thiết yếu trong nước được kiểm soát và hạn chế tình trạng cung vượt cầu; cán cân thương mại ngành nông, lâm, thủy sản của Việt Nam ước đạt thặng dư 10,3 tỷ USD, tăng 10,2% so với năm 2019. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2020 ước đạt 41,2 tỷ USD, tăng 2,6% so với năm 2019.

II. KẾT QUẢ NỔI BẬT

1. Kết quả xuất nhập khẩu năm 2020

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản năm 2020 ước đạt 72,1 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 41,2 tỷ USD, tăng 2,6% so với năm 2019, nhập khẩu đạt 30,9 tỷ USD, tăng 3% so với năm 2019; xuất siêu trên 10,3 tỷ USD. Cụ thể kết quả xuất nhập khẩu nông sản năm 2020 như sau:

1.1. Về xuất khẩu:

+ Giá trị xuất khẩu: (i) Giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 18,5 tỷ USD, giảm 0,8%; giá trị xuất khẩu thủy sản kho đạt 8,4 tỷ USD, giảm 0,9%; giá trị xuất khẩu lâm sặt hàng lâm ước đạt trên 13,1 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2019; (ii) Một số mặt hàng vẫn đạt giá trị xuất khẩu cao hơn so với cùng kỳ, như: gạo (+ 9,3%), sắn và sản phẩm sắn (+ 2,4%), gỗ và sản phẩm gỗ (+ 15,7%); các mặt hàng giảm giá trị xuất khẩu là: rau quả (- 13%), cà phê (- 7,2%), hồ tiêu (- 6,8%), hạt điều (- 3%), cao su (- 3,5%), chè (- 6,9%), sản phẩm chăn nuôi (- 18,2%), thủy sản (- 1,8%).

+ Hiện đã có 09 nhóm mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD trong đó có 05 nhóm mặt hàng có kim ngạch trên 03 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 12,3 tỷ USD; tôm ước đạt trên 3,7 tỷ USD; rau quả đạt gần 3,3 tỷ USD; hạt điều đạt 3,2 tỷ USD; gạo đạt 3,07 tỷ USD).

+ Về thị trường xuất khẩu: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là bốn thị trường nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam năm 2020, với thị phần chiếm lần lượt là 26,65% (giá trị tăng 23,3% so với cùng kỳ năm 2019); 25,14% (-5,5%); 8,29% (-0,7%) và 5,66% (-0,6%).

1.2. Về nhập khẩu: (i) Giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản chính ước đạt 30,95 tỷ USD, tăng 3% so với năm 2019; (ii) Những mặt hàng vẫn tăng giá trị nhập khẩu gồm: lúa mì (+ 3,9%), thức ăn gia súc và nguyên liệu (+ 5,1%), cao su (+17,2%), đậu tương (+ 12,6%), ngô (+ 2,3%),gỗ và sản phẩm gỗ (+ 0,9%).Những mặt hàng giảm so với năm 2019 là thuốc trừ sâu và nguyên liệu (17,9%), thủy sản (-1,8%), rau quả (-27,5%), hạt điều (-17%).

2. Kết quả công tác phát triển thị trường và xúc tiến thương mại năm 2020

2.1. Theo dõi sát sao diễn biến giá cả và cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu trong nước

Thông qua Tổ Điều hành thị trường trong nước (Bộ Công Thương) và Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ (Bộ Tài chính), đã thường xuyên báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cập nhật tình hình sản xuất, thị trường một số mặt hàng thiết yếu (gạo, đường, muối, thủy sản, chăn nuôi, rau quả), chủ động và kịp thời đề xuất các giải pháp nhằm đảm bảo cân đối cung cầu, bình on thị trường giá cả, nhất là đối với mặt hàng thịt lợn trong bối cảnh tác động mạnh mẽ của bệnh Dịch tả lợn châu Phi.

2.2. Tăng cường gắn kết, kết nối với địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp trong công tác phát triển thị trường nông sản

- Duy trì kết nối, phối hợp với 63 đầu mối về chế biến và phát triển thị trường nông sản tại các địa phương, đặc biệt đã kịp thời nắm bắt thông tin, tình hình về tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tại các địa phương. Trong năm 2020, đã tổ chức thành công 03 hội nghị kết nối với địa phương tại 03 miền (Bắc, Trung, Nam) với sự tham gia của gần 60 đơn vị đầu mối trên cả nước, qua đó trực tiếp trao đổi nắm bắt tình hình và các khó khăn, vướng mắc, đề xuất của địa phương trong công tác chế biến và thị trường.

- Phối hợp kịp thời với các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp trong (i) tháo gỡ khó khăn, ùn ứ nông sản tại cửa khẩu Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh (trái cây, thủy sản) trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19; (ii) tổ chức các hoạt động, hội thảo, diễn đàn định hướng sản xuất phù hợp với nhu cầu tiêu thụ của thị trường trong nước và xuất khẩu (nông sản hữu cơ, thịt bò, nhuyễn thể); (iii) phối hợp và hỗ trợ các địa phương Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Sơn La xây dựng phương án tiêu thụ và truyền thông (nhãn, vải, rau vụ đông) đầu vụ; (iv) kết nối giao thương đưa hàng nông sản tiêu thụ tại các kênh phân phối hiện đại (Vinmart, Hapro, Big C, Saigon Coop, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch...), bếp ăn tập thể, khu công nghiệp (cá tra).

2.3. Tăng cường quảng bá nông sản Việt đến người tiêu dùng trong nước

- Kịp thời chuyển hướng đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trong nước trước tình hình dịch bệnh Covid-19 thông qua việc tổ chức một chuỗi các Hội chợ, Phiên chợ, Tuần hàng nông sản tại các địa phương trên cả nước, tập trung vào các ngành hàng gặp khó khăn trong xuất khẩu như trái cây, thủy sản và một số nông sản khác. Năm 2020, đã tổ chức 04 hội chợ (Nông nghiệp quốc tế Agroviet; Làng nghề và sản phẩm OCOP Việt Nam từ ngày 05-09/11/2020; Hội chợ Nông nghiệp và sản phẩm OCOP khu vực phía Bắc từ ngày 22-26/10/2020 tại Lào Cai; Chương trình kết nối sản xuất - tiêu thụ nội địa các sản phẩm cá tra tại Hà Nội) và Chuỗi các phiên chợ Tuần nông sản an toàn thực phẩm năm 2020 từ tháng 6 đến tháng 11/2020 tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Khánh Hòa, Huế, Hải Phòng, Lâm Đồng; Phiên chợ nông sản chất lượng cao và an toàn từ ngày 08-14/10/2020 tại TP Hồ Chí Minh.

- Kịp thời tổ chức các chương trình kết nối đưa hàng nông sản Việt vào chuỗi các siêu thị, chuỗi cửa hàng nông sản sạch, các bếp ăn tập thể, trường học, khu công nghiệp nhằm giải quyết các khó khăn trong xuất khẩu nông sản trước tình hình dịch bệnh Covid-19. Trong năm 2020, (i) đã tổ chức kết nối các doanh nghiệp sản xuất cá tra khu vực đồng bằng Sông Cửu Long với các đơn vị phân phối, tiêu thụ trên địa bàn thành phố Hà Nội. Sau sự kiện, nhiều doanh nghiệp đã tiến tới ký kết hợp đồng chính thức như Công ty thủy sản Nam Việt ký với Công ty Bắc Hà đưa 40,25 tấn cá tra ra cung cấp cho khu công nghiệp, các bếp ăn tập trung phía Bắc; (ii) phối hợp và hỗ trợ Tập đoàn Central Retail (Big C) kết nối đưa các doanh nghiệp nông nghiệp giới thiệu sản phẩm nông sản chủ lực, chất lượng cao tại sự kiện “Tinh hoa Việt Nam” do Central Retail phối hợp Bộ Công Thương và UBND Thành phố Hà Nội tổ chức vào tháng 10 năm 2020 tại Hà Nội, qua đó tạo điều kiện để các doanh nghiệp ở các vùng miền tiếp cận giới thiệu nông sản đến người tiêu dùng Thủ đô và từng bước đưa hàng vào hệ thống phân phối của Tập đoàn tại Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới.

2.4. Phối hợp tham mưu, xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong xuất khẩu nông sản: (i) Thị trường Trung Quốc: kịp thời tham mưu Lãnh đạo Bộ các nội dung xử lý vướng mắc trong xuất khẩu giai đoạn dịch bệnh Covid-19, trực tiếp đồng chí Bộ trưởng và tham tán công sứ Trung Quốc tại Việt Nam cùng các đơn vị thuộc Bộ, các tỉnh biên giới giải quyết, thông quan biên giới; (ii) Thị trường EU: tham mưu các hoạt động để triển khai kế hoạch thực thi Hiệp định EVFTA thông qua các Lễ công bố xuất khẩu mặt hàng nông sản (tôm, cà phê, chanh leo, trái cây, gạo) sang thị trường EU theo Hiệp định EVFTA; (iii) Thị trường Hoa Kỳ: phối hợp với Bộ Công Thương tháo gỡ các khó khăn, điều tra chống bán phá giá đối với gỗ ván dán của Việt Nam.

2.5. Tích cực phổ biến quy định của thị trường xuất khẩu, phối hợp mở cửa thị trường, tháo gỡ rào cản kỹ thuật chuyên ngành: (i) Phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành và cơ quan thương vụ, tham tán thương mại và tham tán nông nghiệp tại các nước nắm bắt thông tin thị trường, chủ động tham mưu Lãnh đạo Bộ và thông tin kịp thời đến địa phương, doanh nghiệp các cảnh báo, quy định mới của thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc; (ii) Tổ chức các hội thảo, diễn đàn trong nước phổ biến các quy định và nhu cầu thị trường xuất khẩu tới các địa phương, doanh nghiệp (rau quả, thủy sản, gạo).

2.6. Tăng cường mạnh mẽ công tác thông tin, truyền thông về thị trường nông sản: (i) Duy trì và đổi mới Bản tin thông tin thị trường nông sản định kỳ hàng tháng nhằm định hướng sản xuất, gắn với xây dựng thị trường tiêu thụ, cập nhật thường xuyên các thông tin mới về chính sách, giá cả, nhu cầu, thị hiếu, tiêu chuẩn, quy chuẩn thị trường xuất khẩu gửi tới các đơn vị thuộc Bộ, đoàn đại biểu quốc hội các địa phương, Hiệp hội ngành hàng, báo chí, doanh nghiệp; (ii) Phối hợp chặt chẽ với Đài truyền hình Việt Nam, các cơ quan thông tấn báo chí xây dựng các phóng sự ngắn, đưa tin về các vấn đề được đông đảo người dân quan tâm của thị trường nông sản nhằm định hướng tuyên truyền và quảng bá.

III. MỘT SỐ TỒN TẠI, HẠN CHẾ, NGUYÊN NHÂN

[...]
2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ