QUY ĐỊNH
VỀ HOẠT ĐỘNG TƯ VẤN, PHẢN
BIỆN VÀ GIÁM ĐỊNH XÃ HỘI CỦA LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT TỈNH BÌNH ĐỊNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 09/2015/QĐ-UBND ngày 05/6/2015 của UBND tỉnh)
Chương
I
QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều
1. Mục đích
Mục đích của việc thực
hiện tư vấn, phản biện và giám định xã hội nhằm cung cấp cho các cơ quan, đơn vị
có nhu cầu tư vấn, phản biện và giám định xã hội có thêm các cơ sở, luận cứ
khoa học độc lập, khách quan trong quá trình xây dựng, thẩm định, phê duyệt tổ
chức thực hiện các chương trình, đề án, dự án, các quy hoạch, kế hoạch phát triển
kinh tế - xã hội.
Điều
2. Đối tượng áp dụng và phạm vi điều chỉnh
1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định
về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội khoa học
và Kỹ thuật Bình Định (sau đây gọi tắt là Liên hiệp Hội) đối với các vấn đề về
chủ trương, chính sách quan trọng và những chương trình, đề án, dự án lớn về
kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, về chính sách xây
dựng, phát triển đội ngũ trí thức trên địa bàn tỉnh Bình Định.
2. Đối tượng áp dụng
Quy định này
được áp dụng đối với cơ quan thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định
xã hội; cơ quan đặt yêu cầu; cơ quan được tư vấn, phản biện và giám định xã hội
và các tổ chức, cá nhân liên quan trong quá trình thực hiện tư vấn, phản biện
và giám định xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Định.
a. Đối tượng thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện và
giám định xã hội theo quy định này là Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh
Bình Định (sau đây gọi tắt là Liên hiệp Hội).
b. Đối tượng đặt yêu cầu tư vấn, phản biện và giám định
xã hội cho Liên hiệp Hội là Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy
ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ban, ngành, các đoàn thể, các hội, Ủy
ban nhân dân các thành phố, huyện, thị xã, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh
Bình Định.
c. Đối tượng tư vấn, phản biện và giám định xã hội là
các chương trình, dự án, đề án, quy hoạch, kế hoạch về phát triển kinh tế - xã
hội, giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ và môi trường (sau đây gọi chung
là các đề án) có tính chất phức tạp, ưu tiên, trọng điểm hoặc đa ngành mà cơ
quan xây dựng, thực hiện hoặc phê duyệt thấy cần thiết phải tham khảo ý kiến.
d. Đối với các đề án do các cơ quan Trung ương quyết định
triển khai trên địa bàn tỉnh, khi xét thấy cần thiết thì Liên hiệp Hội với tư
cách độc lập có thể phối hợp hoặc đề xuất với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ
thuật Việt Nam và đề xuất UBND tỉnh kiến nghị cơ quan Trung ương có thẩm quyền
giải quyết những vấn đề có liên quan phát hiện trong quá trình triển khai thực
hiện trên địa bàn tỉnh.
3. Đề xuất
tư vấn, phản biện
Các đề án khác không
thuộc các Điểm a, b, c, d Khoản 2 của Điều này xét thấy có ảnh hưởng lớn, phức
tạp liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh,
Liên hiệp Hội có thể đề xuất các cấp có thẩm quyền để tổ chức tư vấn, phản biện.
Điều
3. Giải thích từ ngữ
1. Tư vấn là hoạt động cung cấp tri thức, kinh nghiệm,
thông tin, tư liệu cùng với sự phân tích, đánh giá, kiến nghị cho cá nhân hoặc
tổ chức có thẩm quyền.
2. Phản biện là hoạt động đưa ra nhận xét, đánh giá,
phê bình và các khuyến nghị về sự phù hợp của nội dung đề án với mục tiêu và
các điều kiện đã quy định hoặc thực trạng đặt ra.
3. Giám định là hoạt động xác định tính khoa học,
tính thực tiễn, tính khả thi của đề án hoặc một vấn đề, một sự việc cụ thể.
4. Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định của Liên
hiệp Hội Bình Định là hoạt động mang tính xã hội (gọi chung là tư vấn, phản biện
và giám định xã hội), độc lập khách quan, không vì mục đích lợi nhuận.
Điều 4. Hình thức hoạt động tư vấn, phản biện và giám định
xã hội
Hoạt động tư vấn,
phản biện và giám định xã hội được thực hiện theo các hình thức chủ yếu như đặt
hàng, tự đề xuất hoặc do cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ.
Điều 5. Tính chất của hoạt động tư vấn, phản biện và giám định
xã hội
1. Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của
Liên hiệp Hội không phải là hoạt động nghề nghiệp, là sự thể hiện trách nhiệm của
đội ngũ trí thức tham gia đóng góp trí tuệ vào các hoạt động chính trị, kinh tế,
văn hóa - xã hội, khoa học - công nghệ và các
chính sách xây dựng đội ngũ trí thức của
tỉnh.
2. Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của
Liên hiệp Hội không thay thế việc tư vấn, thẩm định, giám định của các cơ quan
nhà nước có thẩm quyền, các tổ chức tư vấn hoạt động theo quy định của pháp luật.
Điều
6. Các mức độ tư vấn, phản biện
Việc tư vấn,
phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội được tiến hành ở các mức độ khác nhau, từ đơn giản
đến phức tạp, bao gồm:
1. Chia sẻ thông tin tham khảo về nội dung hoặc
phương pháp tiếp cận, nguồn tư liệu, nguồn chuyên gia hoặc các nguồn khác.
2. Phân tích, đánh giá, đưa ra các ý kiến nhận xét,
bình luận hoặc kiến nghị hướng nghiên cứu nhằm góp phần xây dựng, hoàn thiện hoặc
bổ sung, sửa đổi từng phần hoặc toàn bộ một đề án đang được chuẩn bị hoặc đang
được thực thi.
3. Phân tích, đánh giá, nghiên cứu toàn diện và đưa
ra kiến nghị cụ thể về giải pháp hoặc phương án bổ sung, sửa đổi hoặc thay thế
từng phần hoặc toàn bộ một đề án.
Điều 7. Nguyên tắc hoạt động của cơ quan tư vấn, phản biện
và giám định xã hội
Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội phải tuân thủ các quy định của pháp luật, vận động, thu hút
sự tham gia đóng góp trí tuệ của đội
ngũ trí
thức khoa học, đảm bảo tính trung thực, khách
quan, chính xác và hiệu quả, đảm bảo
tính khả thi cao và phát huy tác dụng trong thực tiễn. Theo nguyên tắc trên,
các cơ quan có nhu cầu tư vấn, phản biện và giám định xã hội phải có trách nhiệm
bố trí kinh phí vào trong đề án để phục vụ cho quá trình tư vấn, phản biện và
giám định xã hội.
Chương II
QUY
ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 8. Đề án cần thực hiện tư vấn, phản biện và giám định
xã hội trước khi trình cấp
thẩm quyền phê duyệt, quyết định
1. Các đề án về chủ trương, chính sách quan trọng của
tỉnh, gồm:
- Quy hoạch tổng
thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thành phố, huyện, thị xã.
- Quy hoạch
phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm.
- Định hướng,
chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ (5 năm và
trên 5 năm) của tỉnh.
- Các chính
sách, các chương trình, đề án về phát triển kinh tế - xã hội, giáo dục và đào tạo,
khoa học, công nghệ và môi trường.
- Các chính
sách về xây dựng và phát triển đội ngũ tri thức.
- Các dự án có
tính chất nhạy cảm về lịch sử, văn hóa, tôn giáo, cảnh quan, môi trường.
- Chủ trương đầu
tư đối với các dự án do doanh nghiệp đề xuất trên địa bàn tỉnh có khả năng tác
động lớn đến văn hóa, cảnh quan, môi trường, sử dụng diện tích đất lớn có ảnh
hưởng đến dân cư và an sinh xã hội.
2. Các đề án do cơ quan Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh
giao nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội.
3. Các đề án không quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều
này sẽ do Liên hiệp Hội chủ động đề xuất và được sự đồng ý của cơ quan có thẩm
quyền cho phép thực hiện tư vấn, phản biện và giám định xã hội.
Điều 9.
Đối với các
đề án, dự án đầu tư phát triển của các sở, ngành, các doanh nghiệp không thuộc
quy định tại Điều 8, nếu có nhu cầu tư vấn, phản biện và giám định xã hội hoặc
cần cung cấp thông tin, tư liệu để có thêm luận cứ khoa học, Liên hiệp Hội có
trách nhiệm tham gia thực hiện theo quy định.
Điều 10. Trách nhiệm của cơ quan tư vấn, phản biện và giám
định xã hội
1. Có các biện pháp thích hợp nhằm tổ chức tập hợp
các chuyên gia đầu ngành ở Trung ương và của tỉnh nhằm tham gia thực hiện có hiệu
quả nhiệm vụ tư vấn, phản biện, giám định xã hội đối với các đề án đã quy định.
2. Bảo đảm tính độc lập, khách quan, trung thực và quản
lý, bảo mật các hồ sơ tài liệu, số liệu các đề án, kể cả các phương tiện, thiết
bị kỹ thuật (nếu được giao sử dụng trong quá trình thẩm định, phản biện) và
hoàn trả lại sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
3. Tổ chức thành lập các hội đồng hoặc cử các cán bộ
có năng lực, kinh nghiệm tham gia nghiên cứu các nội dung có liên quan đến công
tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội trước khi gửi đến các cơ quan có nhu
cầu, đồng thời chịu trách nhiệm về việc tổ chức lấy ý kiến tư vấn, phản biện và
giám định xã hội và những vấn đề do mình đề xuất theo quy định của pháp luật.
Điều 11. Trách nhiệm của HĐND, UBND tỉnh; các sở, ngành;
UBND các huyện, thị xã, thành phố
1. Chủ động thông báo cho Liên hiệp Hội kế hoạch xây
dựng và triển khai thực hiện các đề án cần có sự tham gia tư vấn, phản biện và
giám định xã hội của Liên hiệp Hội.
2. Cung cấp các thông tin cần thiết có liên quan đến
việc tư vấn, phản biện và giám định xã hội theo yêu cầu của Liên hiệp Hội.
3. Tạo điều kiện để Liên hiệp Hội được sử dụng các tài
liệu, cơ sở vật chất kỹ thuật có liên quan (nếu có nhu cầu) nhằm thực hiện tốt
nhiệm vụ tư vấn phản biện và giám định xã hội.
Điều 12. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị yêu cầu tư vấn
phản biện và giám định xã hội
1. Cơ quan, đơn vị yêu cầu tư vấn, phản biện và giám
định xã hội cần tiếp thu các ý kiến tham gia tư vấn, phản biện hoặc giám định
xã hội của Liên hiệp Hội. Văn bản tư vấn, phản biện và giám định xã hội của
Liên hiệp Hội được tập hợp trong hồ sơ đề án gửi trình các cấp có thẩm quyền.
2. Đối với các ý kiến không được tiếp thu, cơ quan hoặc
đơn vị yêu cầu tư vấn, phản biện và giám định xã hội cần phản ánh lại cho Liên
hiệp Hội bằng văn bản để phân định trách nhiệm của mỗi bên trong hoạt động tư vấn,
phản biện và giám định xã hội.
Chương III
CƠ
CHẾ TÀI CHÍNH
Điều 13. Kinh phí để thực hiện hoạt động tư vấn, phản biện và giám định
xã hội
1. Đối với đề án quy định tại Điều 8 Quyết định này
do ngân sách nhà nước bố trí hàng năm từ nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học và
công nghệ. Hàng năm, Liên hiệp Hội lập kế hoạch nội dung và dự toán kinh phí tư
vấn, phản biện và giám định xã hội đối với các đề án quy định tại Điều 8 Quyết
định này gửi Sở Tài chính tổng hợp trong dự toán chi ngân sách nhà nước để thực
hiện. Liên hiệp Hội có trách nhiệm huy động các nguồn kinh phí hợp pháp khác để
thực hiện hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội.
2. Đối với các đề án không quy định ở Điều 8 Quyết định
này, kinh phí thực hiện tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội
và các hội thành viên được thực hiện trên cơ sở hợp đồng theo quy định của pháp
luật.
Điều 14. Việc lập dự toán, cấp phát kinh phí và quyết toán kinh phí
cho hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội thực hiện theo hướng dẫn của
Bộ Tài chính và các quy định pháp luật hiện hành khác.
Chương IV
TỔ
CHỨC THỰC HIỆN
Điều 15. Giao Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật tỉnh chủ trì,
phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan có trách nhiệm phổ biến,
hướng dẫn triển khai thực hiện Quy định này và kịp thời đề xuất UBND tỉnh bổ
sung, sửa đổi Quy định (nếu cần).
Điều 16. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan và Chủ tịch UBND
các huyện, thị xã, thành phố phối hợp tổ chức triển khai thực hiện./.