Quyết định 100/2003/QĐ-UB về Quy chế thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật thành phố Đà Nẵng

Số hiệu 100/2003/QĐ-UB
Ngày ban hành 16/06/2003
Ngày có hiệu lực 01/07/2003
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Đà Nẵng
Người ký Nguyễn Bá Thanh
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 100/2003/QĐ-UB

Đà Nẵng, ngày 16 tháng 6 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ TƯ VẤN, PHẢN BIỆN VÀ GIÁM ĐỊNH XÃ HỘI CỦA LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

ỦY BAN NHÂN DÂN

- Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân (sửa đổi) ngày 21 tháng 6 năm 1994;

- Căn cứ Quyết định số 22/2002/QĐ-TTg ngày 30 tháng 01 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam;

- Căn cứ Thông tư số 27/2003/TT-BTC ngày 01 tháng 4 năm 2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính cho hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội ;

- Theo đề nghị của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật thành phố Đà Nẵng,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật thành phố Đà Nẵng.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3: Chánh Văn phòng HĐND và UBND thành phố Đà Nẵng, Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật thành phố Đà Nẵng, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3,
- TT HĐND t/p (b/c)
- Chủ tịch, các PCT UBND t/p
- Các SBN, đoàn thể
- CPVP, CV
- Lưu VT, p.NC-PC

TM. UBND THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
CHỦ TỊCH




Nguyễn Bá Thanh

 

QUY CHẾ

THỰC HIỆN NHIỆM VỤ TƯ VẤN, PHẢN BIỆN VÀ GIÁM ĐỊNH XÃ HỘI CỦA LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT TP ĐÀ NẴNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 100/2003/QĐ-UB ngày 16 tháng 6 năm 2003 của UBND thành phố Đà Nẵng)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Đối tượng thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội là Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật thành phố Đà Nẵng (sau đây viết tắt là Liên hiệp hội) và các hội thành viên của Liên hiệp hội (sau đây viết tắt là các Hội thành viên).

Điều 2:

1. Đối tượng đặt yêu cầu tư vấn, phản biện và giám định xã hội cho Liên hiệp hội và các Hội thành viên là các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các quận, huyện (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức).

2. Đối tượng tư vấn, phản biện và giám định xã hội là các chính sách, chương trình, dự án, đề án về phát triển kinh tế - xã hội, giáo dục - đào tạo khoa học, công nghệ và môi trường (gọi chung là đề án) có tính chất phức tạp, ưu tiên, trọng điểm hoặc đa ngành, do các cơ quan, tổ chức xây dựng thực hiện hoặc trình cấp trên phê duyệt.

Điều 3: Mục đích hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội và các Hội thành viên là cung cấp cho các cơ quan, tổ chức đặt yêu cầu tư vấn, phản biện và giám định xã hội có thêm cơ sở, luận cứ khoa học độc lập, khách quan trong việc đề xuất, xây dựng, thẩm định, phê duyệt hoặc thực hiện đề án.

Điều 4: Tính chất của hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội và các Hội thành viên là không vì lợi nhuận, không phải là hoạt động nghề nghiệp, là sự thể hiện trách nhiệm của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ tham gia đóng góp trí tuệ vào các hoạt động của Nhà nước.

Điều 5: Nội dung tư vấn, phản biện và giám định xã hội

- Tư vấn xã hội là hoạt động trợ giúp về tri thức, kinh nghiệm, cung cấp các thông tin tư liệu cùng các ý kiến phân tích, đánh giá và kiến nghị trong việc đề xuất, xây dựng hoặc thẩm định phê duyệt đề án.

- Phản biện xã hội là hoạt động cung cấp thông tin, tư liệu cùng các ý kiến phân tích, đánh giá tính khả thi và các kiến nghị về sự phù hợp của nội dung đề án đối với mục tiêu và các điều kiện ràng buộc ban đầu hoặc thực trạng đặt ra.

- Giám định xã hội là hoạt động theo dõi việc thực hiện đề án, đưa các ý kiến phân tích, đánh giá và kiến nghị kịp thời về việc tổ chức thực hiện mục tiêu, nội dung hoặc chất lượng đề án.

[...]