Quyết định 07/2006/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch phát triển kinh tế tập thể ngành nông nghiệp giai đoạn 2006-2010 do tỉnh An Giang ban hành

Số hiệu 07/2006/QĐ-UBND
Ngày ban hành 16/02/2006
Ngày có hiệu lực 26/02/2006
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Phạm Kim Yên
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thương mại,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/2006/QĐ-UBND

Long xuyên, ngày 16 tháng 02 năm 2006.

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ NGÀNH NÔNG NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2006-2010

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân đã được Quốc hội thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 272/2005/QĐ-TTg ngày 31/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch phát triển kinh tế tập thể 5 năm (2006-2010);

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kế hoạch phát triển kinh tế tập thể ngành nông nghiệp giai đoạn 2006-2010, với những nội dung chủ yếu như sau:

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

1. Phát triển kinh tế tập thể với nhiều hình thức đa dạng mà nòng cốt là hợp tác xã nhằm góp phần tích cực thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

2. Nhà nước tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho kinh tế tập thể phát triển có hiệu quả; tôn trọng các nguyên tắc tổ chức, hoạt động và giá trị đích thực của kinh tế tập thể; tiếp tục đổi mới và hoàn thiện cơ chế quản lý, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tập thể.

3. Các tổ chức kinh tế tập thể phải phát huy nội lực là chính, đồng thời cùng với sự hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi của Nhà nước để mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.

II. MỤC TIÊU

1. Hợp tác xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia và tiến lên đạt tiêu chuẩn quốc tế: phấn đấu đến năm 2010 trên 70% diện tích trồng lúa, trên 80% vùng nuôi thuỷ sản được tổ chức thành các hình thức hợp tác phù hợp.

2. Củng cố, phát triển kinh tế tập thể: Phấn đấu đến cuối năm 2006 không còn hợp tác xã yếu kém, nâng cao năng lực hoạt động sản xuất kinh doanh của các hợp tác xã phù hợp với cơ chế thị trường, phấn đấu đến năm 2010 có trên 30% số hợp tác xã mạnh.

Từng bước phát triển các hợp tác xã nông nghiệp sản xuất kinh doanh tổng hợp hoặc liên hiệp hợp tác xã hoạt động hiệu quả với số lượng hợp tác xã hoặc xã viên tăng hàng năm trên 7%.

3. Xây dựng các mô hình “liên kết bốn nhà”: Tổ chức mối liên kết giữa tổ liên kết, hợp tác xã, trang trại với doanh nghiệp. Điều kiện để có mối liên kết nầy là: doanh nghiệp có chiến lược xây dựng thương hiệu sản phẩm, từ đó tham gia xây dựng vùng nguyên liệu để đảm bảo đầu vào bảo đảm về chất lượng và ổn định về số lượng.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tuyên truyền vận động và hướng dẫn thực hiện Luật hợp tác xã.

- UBND các xã, phường, thị trấn quan tâm chỉ đạo tăng cường công tác vận động tuyên truyền về Luật hợp tác xã, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, làm chuyển biến nhận thức trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân; đồng thời vận động nông dân tham gia vào các loại hình kinh tế hợp tác để sản xuất ra sản phẩm nông sản chất lượng cao ở các vùng nguyên liệu.

- Tổ chức các buổi hội thảo, hội nghị cấp tỉnh và cấp huyện để phổ biến các văn bản pháp luật mới nhất về kinh tế tập thể, trao đổi kinh nghiệm xây dựng mô hình hợp tác có hiệu quả. Cấp xã cần tổ chức họp báo định kỳ với chủ nhiệm các hợp tác xã, các tổ liên kết sản xuất để sơ kết tình hình hoạt động, định hướng phát triển thời gian tới.

- Thuyết phục, hướng dẫn các hợp tác xã xây dựng cơ cấu phân phối lợi nhuận sau thuế, theo hướng chú trọng tích lũy để phát triển sản xuất kinh doanh; trích lập các quĩ ít nhất là 50% lợi nhuận sau thuế (trong đó quỹ phát triển sản xuất không dưới 25%, quỹ dự phòng không dưới 5%).

2. Thực hiện quản lý nhà nước đối với hợp tác xã.

- Định hướng và tạo điều kiện để hợp tác xã mở rộng ngành nghề, dịch vụ sản xuất kinh doanh thu hút thêm xã viên mới, phù hợp với khả năng quản lý, nhu cầu hợp tác của nông dân và nhu cầu của thị trường.

- Hướng dẫn hợp tác xã thực hiện cung cấp các dịch vụ cho nông dân thông qua hợp đồng, trong đó dịch vụ bơm tưới cần được chấn chỉnh theo hướng hợp tác xã phải ký hợp đồng với nông dân, xã viên và tổ chức nghiệm thu mỗi đợt bơm, nâng cao chất lượng phục vụ. Xây dựng kế hoạch hoạt động dịch vụ phải linh hoạt, định mức thu dịch vụ phải theo kịp biến động bất lợi …Đồng thời, thực hiện chức năng kiểm tra tình hình hoạt động của hợp tác xã trên địa bàn để kịp thời hỗ trợ hợp tác xã phát triển đúng hướng.

- Xây dựng và phát triển mô hình kinh tế hợp tác phù hợp với qui hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, chú ý đến việc bảo vệ môi trường. Thực hiện các biện pháp chế tài đối với các hợp tác xã không thi hành nghiêm chỉnh qui định của luật pháp.

3. Thành lập hợp tác xã nông nghiệp mới, Liên hiệp hợp tác xã.

- Phối hợp Hội Nông dân và Chính quyền địa phương tăng cường các tổ liên kết qua việc tổ chức các dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp, xây dựng vùng nguyên liệu, phát triển rộng các loại hình hợp tác.

[...]