Quyết định 272/2005/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch phát triển kinh tế tập thể 5 năm (2006 – 2010) do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 272/2005/QĐ-TTg
Ngày ban hành 31/10/2005
Ngày có hiệu lực 22/11/2005
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Đầu tư

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 272/2005/QĐ-TTG

Hà Nội, ngày 31 tháng 10 năm 2005 

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ 5 NĂM (2006 – 2010)

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Hợp tác xã ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 177/2004/NĐ-CP ngày 12 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hợp tác xã năm 2003;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể 5 năm (2006 – 2010), với các nội dung chủ yếu sau đây:

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

1. Phát triển kinh tế tập thể với nhiều hình thức đa dạng mà nòng cốt là hợp tác xã nhằm góp phần tích cực thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

2. Nhà nước tạo môi trường pháp luật thuận lợi cho kinh tế tập thể phát triển có hiệu quả; tôn trọng các nguyên tắc tổ chức, hoạt động và giá trị đích thực của kinh tế tập thể; tiếp tục đổi mới và hoàn thiện cơ chế quản lý, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tập thể.

3. Các tổ chức kinh tế tập thể phải phát huy nội lực là chính, đồng thời cùng với sự hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi của Nhà nước để mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Mục tiêu tổng quát:

a) Đổi mới và phát triển các loại hình kinh tế tập thể phải theo quy định của pháp luật về hợp tác xã;

b) Nâng cao tốc độ tăng trưởng, đưa kinh tế tập thể cùng kinh tế các thành viên và kinh tế hộ xã viên đóng góp ngày càng cao trong tỷ trọng nền kinh tế;

c) Góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo thêm nhiều việc làm, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của các thành viên và cộng đồng dân cư địa phương, nhất là ở vùng nông thôn.

2. Một số mục tiêu cụ thể:

a) Số lượng hợp tác xã tăng bình quân khoảng 7,2%/năm, số lượng xã viên họp tác xã tăng khoảng 7,3%/năm; khuyến khích hợp tác xã mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh và thành lập liên hiệp hợp tác xã;

b) Số lượng tổ hợp tác tăng bình quân khoảng 3,2%/năm, số lượng thành viên tổ hợp tác tăng khoảng 5,3%/năm; hỗ trợ, khuyến khích tổ hợp tác có đủ điều kiện đăng ký thành lập hợp tác xã;

c) Tỷ trọng tổng sản phẩm của khu vực kinh tế tập thể (bao gồm cả kinh tế của các thành viên) chiếm bình quân khoảng 13,8% GDP cả nước;

d) Tỷ lệ cán bộ quản lý hợp tác xã đã qua đào tạo trình độ đại học đạt khoảng 20% và trình độ trung cấp đạt khoảng 38%;

đ) Thu nhập bình quân của lao động trong kinh tế tập thể, của xã viên hợp tác xã, thành viên tổ hợp tác tăng gấp đôi sơ với năm 2005.

III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN

1. Về nông nghiệp (bao gồm nông, lâm nghiệp, thủy sản và nghề muối):

a) Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng hạ giá thành và nâng cao chất lượng của các dịch vụ hợp tác xã cung cấp cho xã viên; mở rộng loại hình dịch vụ tín dụng nội bộ, dịch vụ tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ đời sống… mã xã viên và cộng đồng có nhu cầu;

b) Tiếp tục xây dựng mới các tổ hợp tác, hợp tác xã theo mô hình kinh doanh đa ngành, vừa làm dịch vụ phục vụ hoạt động kinh tế xã viên, vừa phát triển chế biến, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, các hoạt động tín dụng, thương mại và dịch vụ đời sống xã viên mà nhu cầu chung của xã viên đặt ra;

c) Khuyến khích và tạo điều kiện cho các hợp tác xã mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, liên kết, hợp nhất, sáp nhập thành các hợp tác xã có quy mô lớn hơn theo hướng mở rộng các dịch vụ phục vụ đa dạng trong nông nghiệp: chuyển giao khoa học công nghệ, khuyến nông, khuyến ngư, khuyến diêm, bảo vệ thực vật, thú y; cung ứng vật tư, phân bón, thức ăn, sản xuất và cung ứng giống vật nuôi, cây trồng; tiêu thụ sản phẩm; chế biến nông sản; cung ứng dịch vụ thủy lợi, thủy nông, v.v…

2. Về công nghiệp:

a) Đổi mới, nâng cao hiệu quả và mở rộng quy mô, phạm vi hoạt động của các hợp tác xã nhằm cung cấp dịch vụ phục vụ sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của xã viên.

[...]