ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2335/QĐ-UBND
|
Lâm Đồng, ngày 09 tháng 11 năm
2012
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN ĐỔI MỚI VÀ
PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ TỈNH LÂM ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2012-2015
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Hợp tác xã ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 88/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính
phủ về một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã;
Căn cứ Nghị định số 151/2007/NĐ-CP ngày 10/10/2007 của Chính phủ vể
tổ chức hoạt động của tổ hợp tác;
Căn cứ Thông tư 02/2006/TT-BKH ngày 13/02/2006 của Bộ Kế
hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện một số điều tại Nghị định số 88/2005/NĐ-CP ngày
11/7/2005 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển
hợp tác xã;
Căn cứ Thông tư số 04/2008/TT-BKH ngày 09/7/2008
của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn một số quy định tại Nghị định số
151/2007/NĐ-CP ngày 10/10/2007 của Chính phủ vể tổ chức hoạt động của tổ hợp
tác;
Xét đề nghị của liên Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn và Sở Tài chính tại Tờ trình số 120/TTr-SNN-STC ngày 03/8/2012,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án đổi mới và phát triển kinh tế tập thể
tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2012-2015, với những nội dung chủ yếu sau:
I. Phạm vi và đối tượng:
1. Phạm vi: Địa bàn các huyện, thành phố Đà Lạt và
Bảo Lộc.
2. Đối tượng: Toàn bộ các hợp tác xã, tổ hợp tác nông
nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
II. Mục tiêu:
1. Mục tiêu tổng quát: Phát triển quy mô, số lượng,
đổi mới hình thức hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh đối với tổ
chức kinh tế tập thể; phát huy vai trò của kinh tế tập thể trong sản xuất nông
nghiệp; đa dạng hóa các hình thức liên kết, tổ chức sản xuất, góp phần hoàn
thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
2. Mục tiêu cụ thể:
a) Phấn đấu đến năm 2015, toàn tỉnh có 105 hợp
tác xã và 300 tổ hợp tác, trong đó phát triển mới 55 hợp tác xã và 110 tổ hợp
tác; có 35% hộ nông dân trên địa bàn tham gia các tổ chức kinh tế tập thể; nâng
tỷ lệ hợp tác xã hoạt động từ loại khá trở lên đạt 50%, giảm tỷ lệ hợp tác xã
hoạt động yếu kém còn dưới 20%.
b) Phấn đấu 100% cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn
được bồi dưỡng về kỹ năng quản lý kinh tế hợp tác.
c) Mỗi địa phương cấp huyện xây dựng ít nhất 01 mô
hình hợp tác xã điển hình để nhân rộng; mỗi xã xây dựng nông thôn mới có ít
nhất 01 hợp tác xã hoạt động có hiệu quả.
III. Nội dung thực hiện
1. Tuyên truyền vận động: thực hiện tốt công tác
tuyên truyền, vận động cho các người dân về vai trò, ý nghĩa và lợi ích khi
tham gia các hình thức kinh tế tập thể. Tập trung tuyên truyền về Luật Hợp tác
xã, các chế độ, chính sách hỗ trợ cho phát triển kinh tế tập thể của Trung
ương, tỉnh.
2. Hỗ trợ thành lập mới các hợp tác xã và tổ hợp tác:
hướng dẫn, vận động người dân tham gia thành lập mới các hợp tác xã, tổ hợp tác
trên cơ sở xác định những cây trồng, vật nuôi, ngành nghề kinh doanh có lợi thế
cạnh tranh của từng địa phương, cụ thể như sau:
- Tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho các sáng lập viên
trong công tác chuẩn bị để hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác.
- Hướng dẫn, hỗ trợ các sáng lập viên xây dựng điều
lệ hợp tác xã, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh.
- Hỗ trợ thủ tục thành lập, đăng ký kinh doanh cho
hợp tác xã, tổ hợp tác theo quy định hiện hành.
- Hướng dẫn, hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác xây
dựng các hợp đồng hợp tác, phương án liên kết sản xuất kinh doanh.
3. Đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ hợp tác xã và tổ hợp
tác: Hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, điều hành,
chuyên môn nghiệp của các hợp tác xã, tổ hợp tác cụ thể như sau:
- Đào tạo về nghiệp vụ quản trị hợp tác xã, quản lý
tổ hợp tác cho 100% Chủ nhiệm hợp tác xã, Tổ trưởng tổ hợp tác.
- Tập huấn nghiệp vụ quản lý cho 100% thành viên Ban
Quản trị, Ban Kiểm soát hợp tác xã.
- Đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho 100%
cán bộ kế toán, thủ quỹ của các hợp tác xã.
- Tập huấn kỹ thuật về trồng, chăm sóc, thu hoạch,
chế biến, bảo quản nông sản theo quy trình an toàn cho 100% cán bộ kỹ thuật của
các hợp tác xã, tổ hợp tác.
- Tập huấn nghiệp vụ quản lý hoạt động dịch vụ cho
90% cán bộ bán hàng của các hợp tác xã, tổ hợp tác.
4. Hỗ trợ xây dựng các mô hình hợp tác xã điển hình
tiên tiến: Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí cho các hợp tác xã hoạt động có
hiệu quả tiếp tục đổi mới về tổ chức, quản lý, phương án sản xuất kinh doanh,
nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, tìm kiếm thị trường để xây dựng mô hình
hợp tác xã điển hình tiên tiến, nhân rộng kết quả ra toàn vùng sản xuất để
người dân học tập làm theo; ưu tiên lựa chọn các hợp tác xã tại các xã điểm
thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới.
5. Hỗ trợ phát triển các hợp tác xã và tổ hợp tác
hiện có mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, phát triển thêm xã viên, nâng cao
hiệu quả hoạt động, nâng cao thu nhập cho xã viên và người lao động.
6. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với công
tác quản lý kinh tế tập thể, các cơ quan chuyên môn chịu trách nhiệm bố trí,
phân công cán bộ có năng lực, trình độ theo dõi, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng
nâng cao trình độ cho các cán bộ hoạt động trong lĩnh vực kinh tế tập thể.
IV. Một số giải pháp chủ yếu:
1. Về cơ chế chính sách:
- Các hợp tác xã, tổ hợp tác được hỗ trợ quỹ đất để
xây dựng trụ sở, nhà kho, sân phơi, cơ sở dịch vụ trực tiếp phục vụ xã viên;
đối với phần diện tích đất được giao đất có thu tiền, thuê đất trả tiền hàng
năm được hưởng chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất theo quy định; Nhà nước
khuyến khích, tạo điều kiện cho các hợp tác xã thuê lại đất của các tổ chức cá
nhân để phát triển sản xuất kinh doanh.
- Thực hiện ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với
phần thu nhập từ các hoạt động dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh của xã viên
theo quy định; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần thu nhập tạo ra từ
hoạt động dịch vụ trực tiếp phục vụ đời sống xã viên.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã, tổ hợp
tác tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh,
nguồn vốn từ các chương trình, dự án để tạo nguồn vốn mua sắm trang thiết bị,
máy móc phục vụ sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, chế biến và tiêu thụ
nông, lâm, thủy sản. Khuyến khích các hoạt động tín dụng trong nội bộ xã viên,
các nông hộ trên địa bàn.
- Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại
cho hàng hóa do hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất.
- Tiếp tục đầu tư các công trình giao thông nông
thôn, điện lưới, công trình thủy lợi và các cơ sở hạ tầng thiết yếu khác phục
vụ sản xuất.
- Tổ chức tham quan, học tập các mô hình hợp tác xã
điển hình tiên tiến trong và ngoài tỉnh.
2. Về khoa học và công nghệ:
- Các hợp tác xã, tổ hợp tác được chuyển giao tiến bộ khoa học
- kỹ thuật thông qua kết quả của các đề tài khoa học, chương trình khuyến nông,
khuyến lâm, khuyến công và các mô hình trình diễn, được hỗ trợ công tác quản lý
chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm.
- Các hợp tác xã, tổ hợp tác được hỗ trợ thực hiện
các chương trình khuyến nông, khuyến công theo Nghị định số 02/2010/NĐ-CP ngày
08/01/2010 của Chính phủ về khuyến nông và Nghị định số 134/2004/NĐ-CP ngày
09/6/2004 của Chính phủ về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn.
- Đối với các hợp tác xã, tổ hợp tác thực hiện các dự
án có tính mới, nâng cao trình độ công nghệ được ưu tiên vay vốn trung hạn và
dài hạn từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia và các bộ ngành.
- Đối với các hợp tác xã, tổ hợp tác tổ chức tập huấn
cho các xã viên tiếp thu công nghệ mới thuộc Chương trình xây dựng mô hình ứng
dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ phát triển kinh tế xã hội nông thôn
miền núi được hỗ trợ 100% kinh phí.
3. Về thị trường:
- Tạo điều kiện, khuyến khích các hợp tác xã, tổ hợp
tác phát triển liên kết sản xuất để trao đổi thông tin, giúp nhau trong sản
xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; tham gia vào các liên minh sản xuất giữa
doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân.
- Các hợp tác xã, tổ hợp tác được hỗ trợ thủ tục đăng
ký nhãn hiệu hàng hóa, cung cấp thông tin thương mại, thị trường, kỹ thuật và
được hỗ trợ tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại từ nguồn kinh phí xúc
tiến thương mại hàng năm của tỉnh.
4. Về Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã: Tiếp tục
phát huy vai trò của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh để hỗ trợ kinh phí
cho các hợp tác xã, tổ hợp tác đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.
V. Nhu cầu vốn và nguồn vốn đầu tư:
1. Nhu cầu vốn: 622.365 triệu đồng.
2. Nguồn vốn:
- Vốn ngân sách nhà nước đầu tư trực
tiếp cho Đề án: 11.310 triệu đồng.
Ngân sách Trung ương: 3.610
triệu đồng.
Ngân sách tỉnh: 7.700 triệu đồng.
- Vốn lồng ghép các chương trình, dự
án khác: 61.400 triệu đồng.
- Vốn tín dụng: 167.300
triệu đồng.
- Vốn tự có: 382.355
triệu đồng.
(Chi tiết theo Phụ lục II, III đính kèm Quyết định)
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn là cơ quan
thường trực và điều phối thực hiện Đề án, có trách nhiệm xây dựng kế hoạch hàng
năm để triển khai thực hiện theo mục tiêu, nội dung, giải pháp của Đề án, tham
mưu đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước; hướng dẫn, theo dõi và
tổng hợp tình hình thực hiện tại các địa phương. Định kỳ 6 tháng, hàng năm báo cáo
kết quả thực hiện về UBND tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổ
chức sơ kết, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm quá trình triển khai thực hiện.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính cân đối kế
hoạch ngân sách nhà nước hàng năm, tham mưu lồng ghép nguồn vốn các chương
trình, dự án liên quan, đảm bảo kinh phí thực hiện đề án theo tiến độ.
3. Sở Khoa học và Công nghệ: Hàng
năm đề xuất các chương trình, dự án nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng khoa học
kỹ thuật phù hợp với mục tiêu của đề án, hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác trên
địa bàn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa.
4. Các sở, ngành liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ
chỉ đạo thực hiện các nội dung, giải pháp của đề án trên địa bàn tỉnh.
5. Liên minh các hợp tác xã tỉnh phối hợp chặt chẽ
với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, vận động việc thành lập
các hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn, thực hiện các nội dung, giải pháp của
đề án; quản lý có hiệu quả Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh.
6. UBND các huyện, thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc chỉ đạo
các cơ quan chuyên môn, lập kế hoạch để triển khai thực hiện tốt các nội dung,
giải pháp và đảm bảo tính hiệu quả của đề án tại địa phương.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương,
Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh,
Chủ tịch Liên minh các hợp tác xã tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Đà
Lạt, Bảo Lộc và thủ trưởng các cơ quan, đoàn thể, đơn vị có liên quan căn cứ
Quyết định thi hành từ ngày ký./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Xuân Tiến
|