ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TÂY NINH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
04/2014/QĐ-UBND
|
Tây Ninh, ngày 19
tháng 02 năm 2014
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH QUY CHẾ TẠO LẬP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NGUỒN VỐN TỪ NGÂN SÁCH TỈNH, ỦY THÁC
QUA CHI NHÁNH NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI ĐỂ CHO VAY ĐỐI VỚI HỘ NGHÈO VÀ ĐỐI TƯỢNG
CHÍNH SÁCH KHÁC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TÂY NINH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước năm 2002;
Căn cứ Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, ngày
04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính
sách xã hội;
Căn cứ Quyết định số 180/2002/QĐ-TTg, ngày
19/12/2002 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế quản lý tài chính đối với
Ngân hàng Chính sách xã hội;
Căn cứ Quyết định số 16/2003/QĐ-TTg, ngày
22/01/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Điều lệ về tổ chức và hoạt
động của Ngân hàng Chính sách xã hội;
Căn cứ Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg, ngày
28/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành cơ chế xử lý nợ bị rủi ro tại
Ngân hàng Chính sách xã hội;
Căn cứ Thông tư số 24/2005/TT-BTC. ngày
01/4/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quy chế quản lý tài chính đối với
Ngân hàng Chính sách xã hội;
Căn cứ Thông tư số 161/2010/TT-BTC, ngày
20/10/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quy chế xử lý nợ rủi ro của
Ngân hàng Chính sách xã hội ban hành kèm theo Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg,
ngày 28/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành cơ chế xử lý nợ bị rủi
ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính tại Tờ
trình số 2044/STC-NS, ngày 31/10/2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tạo lập, quản lý và
sử dụng nguồn vốn từ Ngân sách tỉnh, ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách
xã hội tỉnh để cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa
bàn tỉnh Tây Ninh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày
ký và thay thế các Quyết định: Quyết định số 235/QĐ-CT, ngày 08/11/2004 của Chủ
tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc Ban hành Quy định tạm thời về quy trình ủy
thác cho vay Chương trình cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn thuộc
ngân sách địa phương; Quyết định số 32/2007/QĐ-UBND, ngày 10/9/2007 của Ủy ban
nhân dân tỉnh Tây Ninh về việc ban hành Đề án thành lập Quỹ giải quyết việc làm
tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2006-2010; Quyết định số 193/2006/QĐ-UBND, ngày
08/9/2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh về việc Ban hành quy định tạm thời
về Quy trình cho vay vốn xóa đói, giảm nghèo thuộc ngân sách địa phương; Quyết
định số 27/2010/QĐ-UBND, ngày 21/6/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh về điều chỉnh
thống nhất việc phân phối và sử dụng số tiền lãi thực thu từ các chương trình
tín dụng của ngân sách địa phương.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND Tỉnh, Giám đốc các Sở: Lao động -
Thương binh và xã hội, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Chi nhánh Ngân hàng Chính
sách xã hội tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Tây Ninh; Chủ tịch UBND
các xã, phường, thị trấn; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có
liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trần Lưu Quang
|
QUY CHẾ
TẠO LẬP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NGUỒN VỐN TỪ NGÂN SÁCH TỈNH, UỶ
THÁC QUA CHI NHÁNH NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI TỈNH ĐỂ CHO VAY ĐỐI VỚI HỘ NGHÈO
VÀ CÁC ĐỐI TƯỢNG CHÍNH SÁCH KHÁC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TÂY NINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 04/2014/QĐ-UBND ngày 19 tháng 02 năm 2014 của
UBND tỉnh Tây Ninh)
Chương
I
NHỮNG QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều
1. Phạm vụ điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định về
việc tạo lập, quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách tỉnh ủy thác qua Ngân hàng
Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh để cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng
chính sách khác phát triển sản xuất, kinh doanh, từng bước nâng cao thu nhập, ổn
định đời sống, góp phần giảm nghèo và tạo việc làm trên địa bàn.
2. Đối tượng áp dụng
Các cơ quan có trách nhiệm
trong việc quản lý và sử dụng nguồn vốn từ ngân sách tỉnh ủy thác qua Chi nhánh
NHCSXH tỉnh để cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa
bàn: Sở Lao động Thương binh và xã hội, Sở Tài chính, các sở, ban, ngành khác,
tổ chức, cá nhân có liên quan; các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác; Chi
nhánh NHCSXH tỉnh (huyện).
Điều
2. Giải ngân, quản lý, sử dụng nguồn vốn
Nguồn vốn từ Ngân sách tỉnh
ủy thác cho Chi nhánh NHCSXH tỉnh Tây Ninh giải ngân, quản lý, sử dụng theo quy
định tại quy chế này.
Điều 3. Nguyên tắc sử dụng vốn vay
1. Hộ vay phải sử
dụng vốn vay đúng mục đích; trả nợ cả gốc và lãi đúng thời hạn đã ghi trong hợp
đồng vay vốn.
2. Nghiêm
cấm các hành vi lợi dụng, tham ô, chây ỳ không trả nợ gốc, lãi và sử dụng vốn từ
Ngân sách tỉnh không đúng mục đích. Nếu cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ bị xử lý
theo pháp luật. Riêng các trường hợp vay vốn bị rủi ro được xử lý theo quy định
tại quy chế này.
Chương
II
CÁC QUY ĐỊNH
CỤ THỂ
Điều
4. Cơ chế tạo lập nguồn vốn
Hàng năm, căn cứ vào mục
tiêu về giảm nghèo và tạo việc làm, Sở Lao động Thương binh và xã hội chủ động
phối hợp cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn tham mưu, đề xuất UBND bổ sung nguồn vốn từ ngân sách để cho vay hộ
nghèo và các đối tượng chính sách khác cho từng năm. UBND tỉnh sẽ xem xét và có
Quyết định giao vốn cụ thể theo từng năm hoặc đột xuất (nếu có).
Điều
5. Cơ chế cho vay
Đối với hộ
nghèo và các đối tượng chính sách khác cho vay theo các Quyết định của Thủ tướng
Chính phủ: Thực hiện như hướng dẫn nghiệp vụ cho vay hộ nghèo hiện hành của
NHCSXH.
Đối với đối tượng
chính sách khác theo quy định đặc thù của địa phương: Căn cứ và hướng dẫn cho
vay hiện hành của NHCSXH để quy định cụ thể cho các mục sau:
1. Nguồn vốn
cho vay:
Nguồn vốn từ Ngân sách tỉnh
ủy thác cho Chi nhánh NHCSXH tỉnh Tây Ninh giải ngân, quản lý, sử dụng theo quy
định tại quy chế này.
2. Địa bàn cho
vay:
Địa bàn cho
vay là các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh.
3. Đối tượng
thụ hưởng và điều kiện vay vốn:
Theo quy định
của pháp luật hiện hành và hướng dẫn của Ngân hàng Chính sách xã hội Trung ương
và của Chủ đầu tư, cụ thể:
a) Hộ nghèo, hộ
cận nghèo được Ủy ban nhân xã (phường, thị trấn) xác nhận.
b) Hộ vay là
các đối tượng chính sách khác thực hiện theo các quy định pháp luật hiện hành.
Hộ vay được Chủ đầu tư chỉ định và lập thành danh sách cụ thể.
4. Mục đích sử
dụng vốn vay:
Vốn vay được
dùng để mua sắm vật tư, máy móc, thiết bị, mở rộng nhà xưởng; phương tiện vận tải,
nhằm mở rộng, nâng cao năng lực sản xuất - kinh doanh, mua sắm nguyên liệu, giống
cây trồng, vật nuôi, thanh toán các dịch vụ phục vụ sản xuất, mua sắm vật tư
thiết bị phục vụ cho công trình nước sạch và công trình vệ sinh, ... và các nội
dung khác nhưng phải phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.
5. Mức cho vay
tối đa:
Mức cho vay tối đa: Áp dụng
mức cho vay tối đa theo quy định của NHCSXH đối với từng đối tượng hoặc theo đề
nghị của Chủ đầu tư.
6. Thời hạn
vay:
Theo quy định
hiện hành và căn cứ vào mục đích sử dụng vốn vay; chu kỳ sản xuất, kinh doanh để
quy định thời hạn cho vay, cụ thể có các loại sau:
a) Cho vay ngắn hạn là các khoản vay có thời hạn cho vay từ 01 đến 12
tháng;
b) Cho vay
trung hạn là các khoản vay có thời hạn cho vay từ trên 12 tháng đến 60 tháng;
c) Cho vay dài
hạn là các khoản vay có thời hạn cho vay từ trên 60 tháng.
7. Lãi suất
cho vay
a) Lãi suất cho vay: Áp dụng
mức lãi suất cho vay theo Quy định của Thủ tướng Chính phủ trong từng thời kỳ
cho từng chương trình tín dụng hoặc theo mức lãi suất do chủ đầu tư đề nghị
nhưng phải đảm bảo bù đắp đủ các chi phí được quy định của Ngân hàng CSXH;
b) Lãi suất nợ
quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.
8. Phương thức
cho vay
Nguồn vốn nhận
ủy thác tại địa phương là nguồn vốn bổ sung nhằm cùng với nguồn vốn của Trung ương
đẩy nhanh việc giảm nghèo và tạo việc làm tại địa phương. Các đối tượng cho vay
mà nguồn vốn Trung ương đã đáp ứng đủ thì không sử dụng cho vay bằng nguồn vốn
này. NHCSXH nơi nhận ủy thác cần cân đối nguồn vốn, xác định rõ đối tượng vay vốn
là hộ gia đình, cá nhân hay cơ sở sản xuất kinh doanh để cho vay theo hai
phương thức sau:
a) Đối với hộ
gia đình, cá nhân vay vốn: Áp dụng phương thức cho vay ủy thác từng phần qua
các tổ chức chính trị - xã hội (Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân,
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh) trên cơ sở thiết lập các tổ tiết kiệm và
vay vốn ở ấp như cơ chế cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách
khác;
b) Đối với cơ
sở sản xuất kinh doanh: Thực hiện cho vay trực tiếp tại NHCSXH cấp tỉnh, cấp
huyện.
9. Quy trình thu nợ, thu
lãi tiền vay: theo quy định của NHCSXH
Điều
6. Hạch toán, theo dõi
Việc ghi chép, hạch
toán kế toán đối với nguồn vốn và dư nợ cho vay được theo dõi trên tài khoản
riêng theo quy định của NHCSXH.
Điều 7. Phân phối và sử dụng lãi thu được từ nguồn vốn ủy thác
Số lãi thu được từ chương
trình được quy thành 100% và phân phối như sau:
1. Trích 50% số
lãi thu được để chi trả phí ủy thác cho hệ thống Ngân hàng CSXH tỉnh Tây Ninh để
thực hiện công tác hướng dẫn người vay vốn xây dựng dự án, lập hồ sơ vay vốn, tổ
chức thẩm định, giải ngân, thu hồi vốn, xử lý nợ, tổng hợp và báo cáo kết quả
thực hiện cho vay. Việc sử dụng phí ủy thác theo quy định của Ngân hàng Chính
sách xã hội.
2. Trích 20% số
lãi thu được để trả phí cho các ngành có liên quan và thực hiện theo công văn số
3152/NHCS-KT, ngày 10/11/2008 của Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội về
việc hướng dẫn hạch toán và phân phối lãi thu được từ Quỹ giải quyết việc làm địa
phương, Quỹ quốc gia GQVL.
3. Trích 30% số
lãi thu được để lập quỹ dự phòng rủi ro theo Thông tư số 24/2005/TT-BTC, ngày 01/4/2005 của Bộ Tài
chính.
Điều 8. Xử lý rủi ro tín dụng
1. Phạm vi xử lý
nợ bị rủi ro: Chỉ xử lý đối với các trường hợp do nguyên nhân khách quan vay vốn
từ nguồn vốn Ngân sách địa phương.
2. Nguyên tắc xử
lý nợ, biện pháp xử lý nợ, thời điểm xem xét xử lý rủi ro, hồ sơ pháp lý để xem
xét xử lý rủi ro được thực hiện theo quy định của Chính phủ đối với các chương
trình tín dụng của NHCSXH; những trường hợp bị rủi ro ngoài những qui định tại Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg, ngày 28/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về
việc ban hành Quy chế xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội thì
báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh quyết định.
3. Về thẩm quyền xử lý rủi ro:
a) Chủ tịch UBND
tỉnh
Quyết định xoá nợ
(gốc, lãi) cho khách hàng (đối với trường hợp quy mô của đợt xóa nợ vượt quá Quỹ
dự phòng rủi ro tại Chi nhánh NHCSXH tỉnh) trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Chi
nhánh NHCSXH tỉnh.
b) Trưởng Ban đại
diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh
Quyết định việc
khoanh nợ, xoá nợ (gốc, lãi) cho khách hàng (đối với trường hợp quy mô của đợt
xóa nợ không vượt quá Quỹ dự phòng rủi ro tại Chi nhánh NHCSXH tỉnh) trên cơ sở
đề nghị của Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh.
c) Giám đốc
NHCSXH nơi cho vay quyết định đối với việc gia hạn nợ; tổng hợp, kiểm tra hồ sơ
đề nghị xử lý khoanh nợ, xóa nợ trình cấp thẩm quyền phê duyệt.
4. Về nguồn vốn xử
lý rủi ro:
a) Nguồn vốn để
xoá nợ gốc, lãi cho khách hàng được sử dụng từ Quỹ dự phòng rủi ro tín dụng của
Chi nhánh NHCSXH tỉnh được tạo lập từ nguồn vốn địa phương. Việc trích lập và sử
dụng Quỹ Dự phòng rủi ro tín dụng được trích lập theo quy định tại Điều 7 của
Quy chế này. Trường hợp Quỹ dự phòng rủi ro tín dụng được trích lập không đủ
thì Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, xử lý quyết định cấp kinh phí bù đắp hoặc giảm
trừ nguồn vốn cho vay.
b) Nguồn vốn để
gia hạn nợ, khoanh nợ cho khách hàng được tính trong tổng nguồn vốn địa phương
đã ủy thác cho NHCSXH tỉnh.
- Trong thời gian
gia hạn nợ, Chi nhánh NHCSXH tỉnh tính lãi, thu lãi đối với khách hàng theo hợp
đồng tín dụng đã ký kết và theo chế độ quy định.
- Trong thời gian
khoanh nợ, NHCSXH không tính lãi, không thu lãi đối với khách hàng. Khi tính
toán, xác định số cấp bù chênh lệnh lãi suất hàng năm, đối với số dư nợ cho vay
được khoanh, NHCSXH được tính lãi suất cho vay bằng 0% trong thời gian khoanh nợ.
5. Các trường hợp
người vay bị rủi ro do một số nguyên nhân khách quan, chủ quan khác ngoài quy định
theo Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg, ngày 28/7/ 2010 của Thủ tướng
Chính phủ; Thông tư số 161/2010/TT-BTC, ngày 20/10/2010 của Bộ Tài chính; Quyết
định số 15/QĐ-HĐQT, ngày 27/11/2011 của Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách
xã hội Việt Nam về xử lý nợ bị rủi ro giao Trưởng ban đại diện Hội đồng quản trị,
Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, đại diện Sở Tài Chính phối
hợp với đại diện các sở, ban ngành cấp tỉnh có liên quan xem xét, thẩm định thống
nhất bằng văn bản đối với từng trường hợp cụ thể trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết
định.
Chương III
TỔ
CHỨC THỰC HIỆN
Điều 9. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương
1. Sở Tài chính
a) Chủ trì, phối
hợp với Sở Lao động – Thương binh và xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Chi nhánh
Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và các đơn vị liên quan kiểm tra tình hình thực
hiện, kết quả sử dụng vốn ngân sách tỉnh ủy thác;
b) Phối hợp với Sở
Lao động – Thương binh và xã hội, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh
phúc tra hồ sơ vay vốn bị rủi ro, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định;
c) Kiểm tra việc
phân phối, sử dụng lãi thu được theo điều 7 Quy chế này;
2. Sở Kế hoạch và
Đầu tư
a) Phối hợp với
Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh lập kế hoạch nhu cầu vốn ngân sách tỉnh
ủy thác;
b) Phối hợp với Sở
Lao động – Thương binh và xã hội, Sở Tài chính, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách
xã hội tỉnh và các đơn vị liên quan kiểm tra tình hình thực hiện, kết quả cho
vay từ nguồn vốn ủy thác.
3. Sở Lao động -
Thương binh và xã hội
a) Phối hợp với Sở Tài
chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Chi
nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và các đơn vị liên quan kiểm tra tình
hình thực hiện, kết quả cho vay từ nguồn vốn ủy thác;
b) Phối hợp với Sở
Tài chính, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh thẩm định hồ sơ vay vốn bị
rủi ro, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định;
4. Ngân hàng Nhà
nước chi nhánh tỉnh Tây Ninh
Ngân
hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Tây Ninh chịu trách nhiệm thanh tra, giám sát Chi
nhánh NHCSXH tỉnh Tây Ninh thực hiện theo quyết định này.
5. Các Tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác
a) Tuyên truyền,
vận động và hướng dẫn thành lập Tổ tiết kiệm và vay vốn để thực hiện ủy thác
cho vay;
b) Tổ chức kiểm
tra, giám sát, quản lý hoạt động tín dụng theo văn bản liên tịch và hợp đồng ủy
thác đã ký với Ngân hàng Chính sách xã hội.
6. Chi nhánh
NHCSXH tỉnh
a) Quản lý và sử
dụng vốn ủy thác theo đúng quy định;
b) Phối hợp với
các cơ quan liên quan kiểm tra tình hình thực hiện, kết quả sử dụng vốn ủy
thác, xử lý nợ theo quy định;
c) Chủ trì, phối
hợp với Sở Tài chính, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định hồ sơ vay vốn
bị rủi ro trình Trưởng ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh xem xét, quyết
định đối với trường hợp quy mô của đợt xóa nợ không vượt quá Quỹ dự phòng rủi
ro tại Chi nhánh NHCSXH tỉnh; trình UBND tỉnh xem xét, quyết định đối với trường
hợp quy mô của đợt xóa nợ vượt quá Quỹ dự phòng rủi ro tại Chi nhánh NHCSX tỉnh;
d) Định kỳ hàng
năm báo cáo kết quả tình hình tạo lập, quản lý, sử dụng nguồn vốn từ ngân sách
tỉnh ủy thác qua NHCSXH gửi UBND tỉnh, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Lao
động – Thương binh và xã hội trước ngày 15/01 năm sau.
7. ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố
Chỉ đạo các cơ
quan chức năng, cơ quan thực hiện chương trình và Phòng giao dịch Ngân hàng
CSXH huyện thực hiện đúng cơ chế, chính sách cho vay từ nguồn vốn ủy thác.
8. UBND phường,
xã, thị trấn
a) Chịu trách nhiệm
xác nhận đối tượng vay vốn theo từng chương trình cho vay;
b) Phối hợp với
NHCSXH, tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị có liên quan kiểm tra
việc sử dụng vốn vay, đôn đốc thu hồi nợ;
c) Có ý kiến về đề
nghị của người vay đối với trường hợp xử lý nợ rủi ro; phối hợp với các cơ
quan, đơn vị cấp trên trong việc phúc tra, xác định hộ vay vốn bị rủi ro trên địa
bàn.
Điều 10. Xử lý vi phạm
Những tổ chức, cá
nhân có hành vi vi phạm Quy chế này, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị
xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.
Điều 11. Tổ chức thực hiện
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc các cơ
quan, đơn vị, địa phương cần phản ánh kịp thời về Sở Tài chính, Sở Lao động -
Thương binh và xã hội để phối hợp nghiên cứu, đề xuất UBND sửa đổi, bổ sung cho
phù hợp với tình hình thực tế nhằm đảm bảo sử dụng vốn ủy thác đúng mục đích,
có hiệu quả./.