Thông tư 161/2010/TT-BTC hướng dẫn quy chế xử lý nợ bị rủi ro của Ngân hàng Chính sách xã hội kèm theo Quyết định 50/2010/QĐ-TTg do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 161/2010/TT-BTC
Ngày ban hành 20/10/2010
Ngày có hiệu lực 04/12/2010
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Trần Xuân Hà
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 161/2010/TT-BTC

Hà Nội, ngày 20 tháng 10 năm 2010

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUY CHẾ XỬ LÝ NỢ BỊ RỦI RO CỦA NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 50/2010/QĐ-TTG NGÀY 28/7/2010 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác;
Căn cứ Quyết định số 180/2002/QĐ-TTg ngày 19 tháng 12 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế quản lý tài chính đối với Ngân hàng Chính sách xã hội;
Căn cứ Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg ngày 28/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế xử lý nợ bị rủi ro của Ngân hàng Chính sách xã hội;
Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số nội dung Quy chế xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội ban hành kèm theo Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg ngày 28/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi tắt là Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg) như sau:

Điều 1. Đối tượng áp dụng

Đối tượng áp dụng của Thông tư này gồm:

1. Ngân hàng Chính sách xã hội.

2. Khách hàng được vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định tại Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, bao gồm:

a) Hộ nghèo.

b) Học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

c) Các đối tượng vay vốn Quĩ quốc gia về việc làm.

d) Các đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài.

đ) Các đối tượng được vay vốn để thực hiện chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

e) Các hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn.

g) Các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn.

h) Các đối tượng được hưởng chính sách tín dụng về nhà ở tại các vùng theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

i) Thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn.

k) Các đối tượng khác theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

3. Tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình thực hiện tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác tại Ngân hàng Chính sách xã hội.  

Điều 2. Nguyên tắc xử lý nợ bị rủi ro

1. Việc xem xét, xử lý nợ bị rủi ro cho khách hàng được thực hiện khi có đủ các điều kiện sau:

a) Khách hàng thuộc đối tượng được vay vốn theo quy định, đã sử dụng vốn vay đúng mục đích ghi trong hợp đồng tín dụng.

b) Khách hàng bị thiệt hại do nguyên nhân khách quan làm mất một phần hoặc toàn bộ vốn, tài sản.

c) Khách hàng gặp khó khăn về tài chính dẫn đến chưa có khả năng trả được nợ hoặc không trả được nợ cho Ngân hàng.

2. Việc xử lý nợ bị rủi ro cho khách hàng được xem xét từng trường hợp cụ thể căn cứ vào nguyên nhân dẫn đến rủi ro, mức độ rủi ro và khả năng trả nợ của khách hàng, đảm bảo đầy đủ hồ sơ pháp lý, đúng trình tự, khách quan và công bằng giữa các đối tượng vay vốn.

3. Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước các cơ quan quản lý nhà nước về việc thực hiện xử lý nợ bị rủi ro cho khách hàng vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội.

Điều 3. Phạm vi xử lý nợ bị rủi ro trong trường hợp khách hàng vay vốn có tài sản đảm bảo và có mua bảo hiểm.

1. Trường hợp khách hàng vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội có tài sản bảo đảm theo quy định gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, Ngân hàng Chính sách xã hội được quyền chủ động xử lý tài sản bảo đảm theo thỏa thuận với khách hàng và theo quy định của pháp luật để thu hồi vốn. Số tiền thu được từ việc xử lý tài sản bảo đảm dùng để bù đắp chi phí xử lý tài sản bảo đảm; hoàn trả nợ gốc, nợ lãi cho Ngân hàng Chính sách xã hội; nếu thừa thì trả lại cho khách hàng, nếu thiếu thì phần thiếu được xử lý rủi ro theo Điều 6 của Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg.

2. Trường hợp tài sản của khách hàng vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội (tài sản bảo đảm, cây trồng, vật nuôi, gia súc, gia cầm và tài sản khác) có mua bảo hiểm nếu bị tổn thất thì xử lý theo hợp đồng bảo hiểm. Khoản tiền của bồi thường của cơ quan bảo hiểm được dùng để hoàn trả nợ gốc, nợ lãi cho Ngân hàng Chính sách xã hội; nếu thừa thì trả lại cho khách hàng, nếu thiếu thì phần thiếu được xử lý rủi ro theo Điều 6 của Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg.

[...]