Quyết định 0391/QĐ-BCT năm 2011 phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp cơ điện tử Việt Nam giai đoạn đến năm 2015, có xét đến năm 2025 do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành

Số hiệu 0391/QĐ-BCT
Ngày ban hành 24/01/2011
Ngày có hiệu lực 24/01/2011
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Công thương
Người ký Lê Dương Quang
Lĩnh vực Doanh nghiệp

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 0391/QĐ-BCT

Hà Nội, ngày 24 tháng 01 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG NGHIỆP CƠ ĐIỆN TỬ VIỆT NAM GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2015, CÓ XÉT ĐẾN NĂM 2025

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công thương;
Căn cứ Quyết định số 186/2002/QĐ-TTg ngày 26 tháng 12 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 1 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp cơ điện tử Việt Nam giai đoạn đến năm 2015, có xét đến năm 2025 với các nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm phát triển

a) Phát triển ngành công nghiệp cơ điện tử Việt Nam, phù hợp với chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn tới 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trên cơ sở tích hợp kỹ thuật cơ khí với điện tử và công nghệ thông tin làm nền tảng.

b) Phát triển ngành công nghiệp cơ điện tử một cách có hiệu quả, bền vững trên cơ sở phát huy mọi nguồn lực trong nước kết hợp với nguồn lực bên ngoài. Tập trung phát triển một số nhóm sản phẩm và sản phẩm trọng điểm nhằm khai thác, phát huy tốt nhất tiềm năng, tài nguyên, nguồn nhân lực trong nước.

c) Phát triển ngành công nghiệp cơ điện tử có tính đến yếu tố lưỡng dụng, đáp ứng một phần yêu cầu của quốc phòng (không thuộc dạng bí mật và trùng lặp với các dự án về công nghiệp quốc phòng).

d) Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào phát triển ngành cơ điện tử với các quy mô, loại hình khác nhau, từ đào tạo, nghiên cứu, thiết kế, lắp ráp, dịch vụ; đồng thời khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài.

đ) Phát triển ngành cơ điện tử phải đảm bảo phát triển bền vững.

2. Mục tiêu phát triển

2.1. Mục tiêu chung:

- Xây dựng công nghiệp Cơ điện tử Việt Nam nhằm phục vụ đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh của đất nước.

- Ưu tiên phát triển sản xuất một số nhóm sản phẩm thiết thực, có tính khả thi và hiệu quả kinh tế - xã hội cao.

- Từng bước nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới. Khai thác tốt các lợi thế so sánh, nâng dần giá trị gia tăng nội sinh cho sản phẩm.

2.2. Mục tiêu cụ thể:

- Giá trị sản xuất (giá thực tế): năm 2015 đạt giá trị sản xuất đạt khoảng 3100 tỷ, năm 2025 đạt khoảng 8200 tỷ đồng.

- Giá trị xuất khẩu: năm 2015 đạt giá trị xuất khẩu 18-20 triệu USD, năm 2025 đạt 60 – 65 triệu USD.

3. Định hướng phát triển

- Từng bước xây dựng những sản phẩm chủ lực. Tạo ra các sản phẩm “thông minh”, có giá trị gia tăng cao mà Việt Nam có khả năng làm chủ thiết kế, làm chủ công nghệ chế tạo hoặc tích hợp.

- Đầu tư mới, kết hợp đầu tư chiều sâu để giai đoạn 2015 sản xuất được những thiết bị Cơ điện tử trình độ khu vực.

- Phát triển các trang thiết bị, kỹ thuật công nghệ có cân đối yếu tố lưỡng dụng có khả năng đáp ứng nhất định đối với quốc phòng.

4. Quy hoạch phát triển công nghiệp cơ điện tử Việt Nam

4.1. Sản phẩm chủ lực:

- Nhóm máy công cụ CNC: Trung tâm tiện CNC, Trung tâm phay CNC, Trung tâm phay – tiện CNC, Máy cắt kim loại tấm CNC…

- Thiết bị Cơ điện tử phục vụ xây dựng và giao thông vận tải: Cần cẩu tháp, Cần trục bánh xích, Cần trục bánh lốp, Xe đào xúc, Trạm trộn bê tông ….

[...]