ĐỊNH HƯỚNG
MỤC TIÊU CHỦ YẾU PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA QUI HOẠCH TỔNG
THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI HUYỆN MAI CHÂU TỈNH HOÀ BÌNH GIAI ĐOẠN 1996 ĐẾN
2010
(Kèm theo Quyết định số 01/1998/QĐ-UB ngày 04 tháng 2 năm 1998 của UBND tỉnh
Hoà Bình)
I - Nhận định khái quát về đặc
điểm tình hình :
Huyện Mai châu có tổng diện tích đất đai tự
nhiên 63.272km, độ cao trung bình so với mặt biển 500 mét, là huyện vùng núi
cao của tỉnh Hoà Bình với 1 xã 1 thị trấn thuộc khu vực I; 11 xã, 2 thôn, 1 xóm
thuộc khu vực II và 8 xã, 3 thôn thuộc khu vực III, Mai Châu là một huyện thuộc
vùng cao của tỉnh song có đặc điểm riêng biệt. Đây là vùng đa số là người dân tộc
Thái và có xen lẫn 2 xã người H.Mông. Về tự nhiên là vùng cao nhưng là vùng chịu
ảnh hưởng của gió Lào thổi theo mùa tạo nên một vùng có tiểu khí hậu riêng của
vùng gió Lào, nhiều cây trồng chịu ảnh hưởng sâu sắc của khí hậu gió Lào nóng
khô nhu các cây chủ thả kiến đỏ... Bên cạnh đó Mai Châu có hệ thống núi đá vôi
cao sen lẫn với các giải thung lũng có độ cao tuyết đối 600-700m nên mùa lạnh
kéo dài, biên độ trung bình thấp, có sương mù che phủ nhiều ngày ảnh hưởng
không nhỏ tới đặc điểm sinh thái cây trồng hình thành vùng riêng biệt về cây đặc
sản như : chè tuyết, mận hậu, các cây lâm nghiệp đới khí hậu lạnh như pemu,
samu, thông 5 lá .... Về giao thông có đường quốc lộ số 6 và đường 15 đi qua địa
bàn huyện là tuyến xương sống tạo thành hệ thống giao thông chính, có lưới điện
35 KV đến trung tâm huyện lỵ và một số xã, tiềm năng về đất đai, rừng, một số
tài nguyên khoáng sản có thể phát triển sản xuất kinh doanh lâm-nông nghiệp,
công nghiệp - thủ công nghiệp.
Tuy nhiên còn có những hạn chế, thách thức : Địa
hình chia cắt, độ dốc lớn, đất nông nghiệp chủ yếu là các thung lũng hẹp xen giữa
các vùng núi cao, lúa ruộng tập trung chủ yếu ở các xã ven đường 15. Khí hậu
gió Lào, lũ quét về mùa hạ, giá rét sương muối khô hạn về mùa đông. Là những yếu
tố bất lợi cho sản xuất. Hệ thống cơ sở kết cấu hạ tầng còn thấp kém; trình độ
kỹ thuật - chất lượng lao động nói chung còn thấp; điểm xuất phát thấp (GĐP
bình quân đầu người/năm tính theo giá thực tế năm 1995 đạt 1.190.000 đồng ).
Tuy bước đầu đã có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhịp độ tăng trưởng kinh tế
ngày một tăng hơn những vẫn chưa hình thành các vùng chuyên canh lớn, chưa tạo
ra được ngành nghề sản xuất và sản phẩm mũi nhọn; Sản xuất nói chung còn phụ
thuộc nhiều vào thiên nhiên. Hoạt động quản lý đang còn nhiều hạn chế.
II- Định hướng phát triển
kinh tế - xã hội giai đoạn 1996 đến 2010 :
A- Quan điểm phát triển :
Với mục tiêu xoá đói giảm nghèo và tiến tới xây
dựng huyện trở thành một đơn vị giầu mạnh, văn minh và công bằng xã hội, góp phần
tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Mai châu phấn đấu
để có tốc độ phát triển nhanh và ổn định, chống nguy cơ tụt hậu, thực hiện công
nghiệp hoá - hiện đại hoá.
- Thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng
sản xuất hàng hoá.
- Phát triển bền vững bảo vệ và cải thiện môi
trường sinh thái
- Phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho
việc phát triển các ngành kinh tế, các lĩnh vực của đời sống xã hội gắn liền với
xây dựng nông thôn mới.
- Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư
phát triển vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh nhằm tạo nhiều việc làm, thu nhập
cho người lao động và lợi ích của các nhà đầu tư.
- Phát triển kinh tế đi đôi với củng cố, tăng cường
an ninh, quốc phòng, gìn giữ trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt các chính
sách xã hội.
B- Các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ
yếu :
1- Nhịp độ tăng trưởng kinh tế :
+ 1996 đến 2000 bình quân : 12 - 13%
+ 2001 đến 2010 bình quân : 14 - 15%
2- Cơ cấu kinh tế :
+ 1996 đến 2000 : - Nông, lâm nghiệp 75%
- Công nghiệp, xây dựng 14%
- Thương mại, dịch vụ : 11%
+ 2001 đến 2010 : - Nông, lâm nghiệp : 55%
- Công nghiệp, xây dựng : 24%
- Thương mại, dịch vụ : 21%
3- Mục tiêu về mức sống của dân cư :
- Đến năm 2000 thanh toán nạn đói giáp hạt hàng
năm, giảm số hộ nghèo xuống dưới 10%; GDP bình quân đầu người/năm theo giá thực
tế từ 2,5 đến 3,0 triệu đồng.
- 2010 : GDP bình quân đầu người/năm theo giá thực
tế từ 7,0 đến 7,5 triệu đồng.
4- Huy động vốn đầu tư từ ngân sách và tích luỹ
hàng năm từ GDP :
- Huy động vào đầu tư phát triển 1996 đến 2000
khoảng 4,0%
- Huy động vào đầu tư phát triển 2001 đến 2010
khoảng 10-15%.
5- Mục tiêu về phát triển sản xuất kinh doanh :
a- Nông nghiệp :
Đảm bảo an toàn lương thực, phấn đấu đưa sản lượng
lương thực (qui thóc) đến 2000 đạt 17.800 tấn/năm. Mức bình quân lương thực đầu
người 370 kg/năm.
2010 : Đạt sản lượng (qui thóc) 23.900 tấn/năm,
mức bình quân lương thực đầu người 460 kg/năm.
b- Lâm nghiệp :
- Khoanh nuôi, bảo vệ và trồng rừng nâng độ che
phủ của rừng lên 40% vào năm 2000; và trên 55% sau năm 2000.
- Tăng cường công tác quản lý và bảo vệ rừng,
tài nguyên rừng, phát triển kinh doanh theo hướng nông-lâm kết hợp.
c- Công nghiệp, thủ công nghiệp :
Phát triển công nghiệp, thủ công nghiệp ở một số
ngành : Vật liệu xây dựng, chế biến nông lâm sản, sản xuất hàng tiêu dùng và
các nghề thủ công truyền thống.
d- Thương mại, du lịch, dịch vụ : Chú trọng phát
triển hoạt động kinh doanh thương mại đặc biệt đối với vùng nông thôn nhằm đẩy
mạnh hoạt động mua - bán của các thành phần kinh tế thu mua và cung ứng được
nhiều loại vật tư, hàng hoá, nguyên liệu cho các ngành sản xuất, đời sống tiêu
dùng của dân cư và xuất khẩu.
Phát triển hệ thống các cơ sở dịch vụ, đặc biệt
là các dịch vụ phục vụ cho các ngành sản xuất như vận tải, giống cây trồng-vật
nuôi, thú y ...
Từng bước phát triển hoạt động kinh doanh du lịch
văn hoá dân tộc, du lịch sinh thái cảnh quan trong mối liên hệ với các tuyến điểm
du lịch của tỉnh và các địa phương lân cận.
6- Mục tiêu về xã hội :
- Dân số : Mức giảm sinh bình quân năm 8%o, đến
2000 tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên là 1,2%; từ 2001 đến 2010 tỷ lệ phát triển
dân số tự nhiên bình quân 1,0%.
- Việc làm : Năm 2000 có 70%, 2001-2010 bình
quân có 80% số lao động có đủ việc làm và thu nhập ổn định.
- Nước sinh hoạt : Năm 2000 có 70% số hộ, 2010
có 100% số hộ dân được dùng nước sạch.
- Điện phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt : Năm
2000 có 75% số hộ, 2010 có 100% số hộ dân được dùng điện.
- Trường, lớp học phổ thông các cấp được xây dựng
vững chắc : Năm 2000 : 80%, năm 2010: 100%
- Phổ cập cấp II : Năm 2000 : 20%, năm 2010 :
100%
- Y tế : Năm 2000 có 85-90 %, 2010 có 100% số
dân được chăm sóc sức khoẻ ban đầu; những người đau ốm đều được khám và chữa bệnh.
- Năm 2000 có 90%, 2010 có 100% số hộ được nghe
đài tiếng nói Việt Nam thường xuyên; Năm 2000 có 50% số hộ và năm 2010 có 100%
số hộ được xem truyền hình.
- Năm 2000 cứ 100 dân có 0,3 máy đàm thoại, 2010
: 2,0 máy/100 dân
C- Phương hướng phát triển các ngành các lĩnh vực
:
1- Sản xuất nông, lâm nghiệp :
a- Nông nghiệp :
- Trồng trọt : Cây lúa là cây lương thực chủ yếu
của đa số dân cư trong huyện. Chú trọng chọn những giống cây trồng có chất lượng
và năng suất cao, đồng thời với ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật thâm canh, chuyên
canh, bố trí cây trồng hợp lý để hình thành một số vùng chuyên canh trên địa
bàn:
+ Vùng cây lương thực :Diện tích gieo trồng lúa
: 2.080 ha
Các loại màu : 3.700 ha
+ Vùng cây thực phẩm (rau, củ, quả) : 300 ha
+ Vùng cây ăn quả : 2.500 ha
(Trong đó có vùng cây mận hậu ở vùng cao Hang
Kia, Pà Cò, Noong luông ... diện tích từ 800-1.500 ha)
+ Vùng cây công nghiệp ngắn ngày : 2.500 ha
+ Vùng cây công nghiệp dài ngày (Chè tuyết) :
1.000 ha
- Chăn nuôi : Tăng tỷ trọng của ngành chăn nuôi
trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Khuyến khích các hộ dân phát triển đàn gia
súc gia cầm (trâu bò, lợn, dê, gà vịt) chăn nuôi theo phương thức công nghiệp ở
qui mô vừa và nhỏ hướng vào các sản phẩm : Thịt nhiều nạc, sữa, trứng, tôm, cá,
con đặc sản.
Năm 2000 có : Đàn trâu 8.000 con, đàn bò 3.000
con, đàn lợn 29.600 con, gia súc gia cầm 225.000 con; Năm 2010 : Đàn trâu
10.500 con, đàn bò 6.000 con, lợn 61.000 con, gia súc gia cầm 600.000 con và ổn
định diện tích ao nuôi cá, tôm, các con đặc sản 130 ha.
b- Lâm nghiệp :
Trên cơ sở quy hoạch tổng quan, tăng cường công
tác bảo vệ diện tích rừng hiện có đặc biệt là rừng phòng hộ đầu nguồn. Do đặc
điểm là vùng núi đá vôi cao, lạnh do đó chủ yếu là các cây rừng ôn đới sinh trưởng
chậm và dài ngày không trồng lại rừng được cần kiên quyết bảo vệ, khoanh nuôi
tái sinh rừng, trồng rừng mới phủ xanh diện tích đất trống đồi núi trọc. Hoàn
thiện công tác giao đất khoán rừng cho các đơn vị và các hộ gia đình quản lý,
kinh doanh theo mô hình nông - lâm kết hợp, trồng rừng sản xuất tạo vùng nguyên
liệu cho chế biến công nghiệp. Phấn đấu để ngoài những năm 2000 (2001-2005) cơ
bản phủ xanh đất trống đồi trọc, có tổng diện tích rừng trồng 8.200 ha. Tiếp tục
nghiên cứu về cây chủ và thả cánh kiến đỏ khi có điều kiện về nhu cầu thị trường
và khả năng chế biến xuất khẩu.
2- Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp :
Hướng phát triển vào một số ngành nghề như sản
xuất vật liệu xây dựng (Vôi, đá, ...) chế biến hàng nông lâm sản, sản xuất một
số mặt hàng tiêu dùng - xuất khẩu với những sản phẩm mới và một số sản phẩm
truyền thống dệt thổ cẩm, dệt thảm, làm chăn đệm, xây lắp công trình ...
3- Các ngành thương mại - dịch vụ :
Tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham
gia vào hoạt động kinh doanh thương mại - dịch vụ, củng cố, nâng cao hoạt động
kinh doanh dịch vụ của các cơ sở nhà nước với vai trò điều tiết, bình ổn thị
trường và kinh doanh có lãi.
Với nhiều hình thức thu hút vốn đầu tư để đầu tư
phát triển kinh doanh du lịch, giải quyết việc làm cho nhân dân quanh điểm du lịch
và phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp phục vụ du lịch.
4- Văn hoá, giáo dục, khoa học, y tế, thể dục-thể
thao.
Bảo tồn các di tích lịch sử văn hoá hiện có, phục
hồi và phát triển vốn văn hoá truyền thống dân tộc; Tăng cường hoạt động thông
tin văn hoá cơ sở, tích cực vận động các tầng lớp nhân dân xây dựng và thực hiện
nếp sống văn hoá tiến bộ.
Thực hiện các mục tiêu về phát triển giáo dục
toàn diện, củng cố và không ngừng nâng coa chất lượng giáo dục, từng bước thực
hiện đa dạng hoá các hình thức giáo dục, chú trọng phát triển cơ sở vật chất,
công tác đào tạo và tái đào tạo lực lượng cán bộ quản lý - cán bộ khoa học kỹ
thuật - các công nhân lành nghề cho yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và thực
hiện công nghiệp hoá.
Ứng dụng khoa hoạc kỹ thuật mới trong sản xuất
và đời sống, xây dựng các mô hình sản xuất mới. Giáo dục kiến thức khoa học phục
vụ sản xuất và đời sống, bảo vệ môi trường sinh thái.
- Tiếp tục củng cố, nâng cao hoạt động của mạng
lưới y tế, nhằm làm tốt hơn nữa công tác chăm lo sức khoẻ ban đầu, khám chữa bệnh
cho dân, thực hiện công tác kế hoạch hoá gia đình, chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và
trẻ em, phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em, chăm sóc trẻ em khó khăn, tiêm
chủng mở rộng, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các ổ dịch bệnh phát sinh, tham
gia các chương trình quốc gia về y tế.
- Lấy phong trào thể dục- thể thao trong các trường
học, các cơ quan, các tổ chức đoàn thể làm nòng cốt phát triển hoạt động thể dục
- thể thao. Lựa chọn từ phong trào quần chúng những vận động viên có năng khiếu
để đào tạo, xây dựng lực lượng vận động viên thi đấu thành tích cao. Từng bước
đầu tư cải tạo nâng cấp và xây dựng mới cơ sở vật chất kỹ thuật cho hoạt động
thể dục - thể thao.
5- Phát triển cơ sở hạ tầng :
- Tiếp tục đưa điện lưới về các xã, ở những nơi
có khó khăn có thể xây dựng thuỷ điện nhỏ hoặc các dạng năng lương khác. Phấn đấu
đến 2000 có 75% số xã có điện, năm 2010 có 100% số xã có điện.
- Phát triển màng lưới đường giao thông nông
thôn cải tạo nâng cấp các tuyến đường hiện có, mở mới một số tuyến đường liên
xã, liên vùng. Phấn đấu đến 2000 các tuyến đường trục chính được cứng hoá mặt
đường và có đủ công trình thoát nước; 2010 có 100% mặt đường được cứng hoá
trong đó mặt đường rải nhựa 30%.
Phát triển vận tải cơ giới phục vụ tốt cho yêu cầu
vận chuyển phục vụ sản xuất kinh doanh. Nhu cầu đi lại của dân cư.
- Tiếp tục phát triển và từng bước hiện đại hoá
thông tin liên lạc. Phấn đấu đến năm 2000 có 30% số xã, 2010 có 100% có điện
thoại.
- Thuỷ lợi và công trình nước sinh hoạt : Quản
lý và sử dụng hiệu quả các công trình hiện có, bảo vệ nguồn nước, đầu tư nâng cấp
và xây dựng mới một số công trình thuỷ lợi và công trình nước sinh hoạt ở nông
thôn và khu vực dân cư tập trung (huyện lỵ, thị trấn, thị tứ). Phấn đấu đến
2000 có 40%, năm 2010 có 70% diện tích canh tác nông nghiệp được tưới chủ động.
6- Thực hiện từng bước quy hoạch phát triển thị
tấn, thị tứ và các trung tâm cụm xã, quy hoạch đất đai, phân bố dân cư, v/v ...
đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá và xây dựng nông thôn.
7- Phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố,
tăng cường công tác quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt
các chính sách xã hội.
8- Phát triển hoạt động kinh tế đối ngoại thu
hút nguồn vốn, kỹ thuật, công nghệ từ bên ngoài cho đầu tư phát triển.
9- Cải tiến, nâng cao hiệu lực quản lý, điều
hành của bộ máy quản lý nhà nước từ huyện xuống các cơ sở.
III- Các chương trình dự án
ưu tiên đầu tư phát triển :
Nhằm đạt được mục tiêu quy hoạch tổng thể phát triển
kinh tế - xã hội của huyện Mai Châu 1996-2010 dự báo cần tập trung đầu tư vào 6
chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng cơ sở hạ tầng như dự
án phát triển rừng phòng hộ xung yếu, nông lâm nghiệp, du lịch, cây ăn quả,
trung tâm cụm xã, các cơ sở hạ tầng....
IV- Các giải pháp chủ yếu :
1- Tạo nguồn vốn đầu tư phát triển :
Để có được tốc độ tăng trưởng kinh tế như phương
án chọn, yêu cầu về vốn đầu tư rất lớn. Do đó cần có giải pháp tạo vốn phù hợp
như : Tiết kiệm tiêu dùng và huy động các nguồn thu cho ngân sách, tăng tích luỹ
từ nội lực dành để đầu tư phát triển; Tạo môi trường thuận lợi để thu hút vốn đầu
tư từ bên ngoài (kể cả trong và ngoài nước).
2- Lựa chọn trọng điểm và thứ tự ưu tiên đầu tư
3- Hạn chế sự gia tăng dân số, phát triển nâng
cao chất lượng nguồn nhân lực
4- Coi trọng việc ứng dụng công nghệ, tiến bộ
khoa học - kỹ thuật vào các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội.
5- Nghiên cứu, vận dụng đúng đắn sáng tạo cơ chế
và chính sách quản lý của nhà nước vào điều kiện thực tế của địa phương tạo điều
kiện thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế - xã hội theo định hướng XHCN.
6- Tổ chức thực hiện quy hoạch tổng thể KTXH :
- Từ quy hoạch tổng thể triển khai các quy hoạch
"chi tiết", lập các chương trình, các dự án của từng lĩnh vực làm cơ
sở cho việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trung và ngắn hạn
trong giai đoạn, cơ sở để các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tìm kiếm
cơ hội đầu tư.
- Thường xuyên nghiên cứu, soát xét, bổ sung, điều
chỉnh quy hoạch tổng thể cho phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa
phương, phù hợp với xu thế và nhịp độ phát triển chung của toàn tỉnh và vùng,
chống nguy cơ tụt hậu.
- Huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực,
nguồn vốn đầu tư, kỹ thuật, công nghệ của các thành phần kinh tế vào đầu tư
phát triển các lĩnh vực theo định hướng quy hoạch đã đề ra.
UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH HOÀ BÌNH