Quy tắc của Liên hợp quốc về bảo vệ người chưa thành niên bị tước tự do, 1990

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 14/12/1990
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành Liên hợp quốc
Người ký ***
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

CÁC QUY TẮC CỦA LIÊN HỢP QUỐC VỀ BẢO VỆ NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN BỊ TƯỚC TỰ DO, 1990

(Được Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua bằng Nghị quyết 45/113 ngày 14/12/1990).

I. NHỮNG NGUYÊN TẮC CƠ BẢN

1. Hệ thống tư pháp đối với người chưa thành niên cần nêu cao các quyền cùng sự an toàn của người chưa thành niên, nâng cao sức khỏe về thể chất và tinh thần của người chưa thành niên. Phạt tù người chưa thành niên nên được sử dụng như là biện pháp cuối cùng.

2. Chỉ được tước quyền tự do của người chưa thành niên theo các nguyên tắc và thủ tục quy định trong Các quy tắc này và Các Quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu của Liên Hợp Quốc về hoạt động tư pháp đối với người chưa thành niên (Các Quy tắc Bắc Kinh). Việc tước tự do của người chưa thành niên chỉ được sử dụng như là biện pháp cuối cùng và trong một thời gian cần thiết tối thiểu, và chỉ nên giới hạn đối với những trường hợp ngoại lệ. Thời hạn áp dụng biện pháp trừng phạt này cần được cơ quan tư pháp quyết định mà không loại trừ khả năng sớm trả lại tự do cho người chưa thành niên đó.

3. Những quy tắc này nhằm thiết lập những tiêu chuẩn tối thiểu được Liên Hợp Quốc chấp thuận để bảo vệ người chưa thành niên bị tước tự do dưới mọi hình thức, phù hợp với các quyền và tự do cơ bản của con người và nhằm chống lại những tác dụng có hại do mọi hình thức giam giữ gây ra và thúc đẩy sự hòa nhập xã hội.

4.Những quy tắc này cần được áp dụng một cách công bằng, không có bất cứ sự phân biệt đối xử nào về chủng tộc, màu da, giới tính, độ tuổi, ngôn ngữ, tôn giáo, quốc tịch, quan điểm chính trị hoặc quan điểm khác, tập tục hoặc tín ngưỡng văn hóa, tài sản, thành phần xuất thân hoặc địa vị gia đình, nguồn gốc sắc tộc hoặc xã hội, và khuyết tật. Các tín ngưỡng, tập tục tôn giáo và văn hóa, và các quan niệm đạo đức của người chưa thành niên cần được tôn trọng.

5. Những quy tắc này được coi như những tiêu chuẩn thích hợp để tham khảo và khuyến khích, hướng dẫn các nhà chuyên môn tham gia quản lý hệ thống tư pháp đối với người chưa thành niên.

6. Những quy tắc này cần được sẵn sàng cung cấp cho những nhân viên tư pháp đối với người chưa thành niên bằng ngôn ngữ của họ. Những người chưa thành niên không sử dụng lưu loát ngôn ngữ của nhân viên trong cơ sở giam giữ có quyền được có phiên dịch miễn phí bất cứ khi nào cần thiết, cụ thể là trong khi kiểm tra sức khỏa và các thủ tục kỷ luật.

7. Khi thích hợp, các quốc gia cần chuyển hóa Các quy tắc này vào pháp luật của mình hoặc sửa đổi pháp luật cho phù hợp và quy định những biện pháp khắc phục hiệu quả cho việc vi phạm của họ, bao gồm việc bồi thường khi người chưa thành niên bị tổn thương. Các quốc gia cũng cần giám sát việc áp dụng Các quy tắc này.

8. Các cơ quan có thẩm quyền cần thường xuyên nâng cao nhận thức của công chúng rằng việc chăm sóc những người chưa thành niên bị giam giữ và việc chuẩn bị cho họ trở lại xã hội là một công việc xã hội đặc biệt quan trọng, và vì mục đích này, cần thi hành những biện pháp tích cực để thúc đẩy sự tiếp xúc cởi mở giữa người chưa thành niên với cộng đồng ở địa phương.

9. Không một quy định nào trong Các quy tắc này được hiểu là cản trở việc áp dụng những văn kiện và tiêu chuẩn liên quan của Liên Hợp Quốc và về quyền con người mà có lợi cho việc bảo đảm các quyền, sự chăm sóc và bảo vệ đối với người bị thành niên, trẻ em và mọi thanh thiếu niên.

10. Trong trường hợp việc áp dụng thực tế các quy tắc cụ thể nêu trong phần II đến phần V trái với những quy tắc nêu trong phần này, các quy tắc của phần này được ưu tiên áp dụng cao hơn.

II. PHẠM VI ÁP DỤNG QUY TẮC

11. Trong Các quy tắc này, các định nghĩa sau được áp dụng:

a. Người chưa thành niên là người dưới 18 tuổi. Giới hạn độ tuổi thấp hơn mức này theo đó không được phép tước tự do của trẻ em cần được pháp luật quy định.

b. Tước tự do nghĩa là bất kỳ hình thức giam giữ hoặc cầm tù nào, hay đưa một người vào nơi giam giữ chung hoặc riêng, mà người đó không được tự ý rời bỏ nơi giam giữ trừ khi có quyết định của cơ quan tư pháp, hành chính hoặc cơ quan công quyền khác.

12. Việc tước tự do cần được thực hiện trong những điều kiện và hoàn cảnh bảo đảm tôn trọng quyền con người của người chưa thành niên. Người chưa thành niên bị giam giữ trong những cơ sở giam giữ cần được bảo đảm được hưởng những lợi ích của các hoạt động và chương trình có ý nghĩa giúp cho việc thúc đẩy và duy trì lòng tự trọng và sức khỏe, nâng cao trách nhiệm và khuyến khích thái độ cũng như kỹ năng mà giúp cho họ phát huy tiềm năng của mình với tư cách là thành viên của xã hội.

13. Người chưa thành niên bị tước tự do không vì bất cứ lý do nào liên quan tới địa vị của mình mà bị phủ nhận các quyền dân sự, kinh tế, chính trị, xã hội, và văn hóa họ có theo pháp luật quốc gia hay quốc tế, và tương thích với việc tước tự do.

14. Việc bảo vệ những quyền cá nhân của người chưa thành niên, đặc biệt là liên quan đến tính hợp pháp của việc thi hành các biện pháp giam giữ, phải được cơ quan có thẩm quyền bảo đảm, trong khi những mục tiêu hòa nhập xã hội cần được bảo đảm thông qua việc tiến hành thanh tra định kỳ và các biện pháp kiểm soát khác của một cơ quan hợp pháp được ủy quyền thăm viếng người chưa thành niên và không trực thuộc cơ sở giam giữ, phù hợp với những tiêu chuẩn quốc tế và các quy định pháp luật quốc gia.

15. Các quy tắc này áp dụng với mọi loại hình cơ sở giam giữ người chưa thành niên bị tước tự do. Những phần I, II, IV của Các quy tắc này áp dụng đối với mọi cơ sở và trung tâm giam giữ trong đó người chưa thành niên bị giam giữ, phần III áp dụng riêng đối với những người chưa thành niên bị bắt giữ hoặc đang chờ xét xử.

16. Các quy tắc này phải được thực hiện trong những điều kiện kinh tế, xã hội và văn hóa hiện có của mỗi Quốc gia thành viên.

III. NHỮNG NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN BỊ BẮT GIỮ HOẶC CHỜ XÉT XỬ

17. Người chưa thành niên bị giam giữ khi bị bắt hoặc chờ xét xử phải được coi là vô tội và được đối xử như vậy. Phải tránh việc giam giữ trước khi xét xử hết mức có thể và giới hạn việc giam giữ đó trong những hoàn cảnh ngoại lệ. Vì vậy, cần nỗ lực áp dụng các biện pháp thay thế. Tuy nhiên, khi sử dụng biện pháp giam giữ phòng ngừa thì tòa án dành cho người chưa thành niên và cơ quan điều tra phải giành ưu tiên cao nhất cho việc giải quyết nhanh nhất các vụ án này, để bảo đảm thời gian giam giữ ở mức thấp nhất có thể. Những người bị tạm giam chưa xét xử cần được tách khỏi những người chưa thành niên đã bị kết án.

18. Những điều kiện theo đó người chưa thành niên bị tạm giam chưa được xét xử cần phù hợp với những quy tắc dưới đây, với những quy định cụ thể bổ sung nếu cần thiết và thích hợp, căn cứ theo các yêu cầu của nguyên tắc giả định vô tội, thời gian giam giữ và địa vị pháp lý cũng như hoàn cảnh của người chưa thành niên. Những quy định này bao gồm nhưng không nhất thiết chỉ giới hạn trong những nội dung sau:

a. Người chưa thành niên có quyền có luật sư bào chữa và có thể yêu cầu trợ giúp pháp lý miễn phí, nếu sự trợ giúp đó sẵn có và có quyền tiếp xúc thường xuyên với cố vấn pháp lý của mình. Sự riêng tư và tính bảo mật của các cuộc tiếp xúc đó phải được bảo đảm.

b. Người chưa thành niên, nếu có thể, cần được tạo các cơ hội để tiếp tục làm việc có hưởng lương và tiếp tục học tập hoặc đào tạo nhưng không bị bắt buộc phải làm như vậy. Việc lao động, hoặc tập hoặc đào tạo không được coi là lý do để tiếp tục giam giữ.

c. Người chưa thành niên được nhận và giữ các vật dụng phục vụ cho nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí, phù hợp với lợi ích của hoạt động tư pháp.

IV. QUẢN LÝ CÁC CƠ SỞ GIAM GIỮ NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN

A. Hồ sơ tài liệu

[...]
8
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ