Quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu của Liên hợp quốc về hoạt động tư pháp đối với người vị thành niên, 1985

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 29/11/1985
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành Liên hợp quốc
Người ký ***
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

CÁC QUY TẮC TIÊU CHUẨN TỐI THIỂU CỦA LIÊN HỢP QUỐC VỀ HOẠT ĐỘNG TƯ PHÁP ĐỐI VỚI NGƯỜI VỊ THÀNH NIÊN, 1985
(CÁC QUY TẮC BẮC KINH)

(Được thông qua theo Nghị quyết 40/33 ngày 29/11/1985 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc).

PHẦN I: NHỮNG NGUYÊN TẮC CHUNG

1. Những điều cơ bản

1.1. Các Quốc gia thành viên cần phải tăng cường phúc lợi của người chưa thành niên và gia đình của các em trên cơ sở phù hợp với những lợi ích chung của từng quốc gia.

1.2. Các Quốc gia thành viên cần tạo những điều kiện bảo đảm cho người chưa thành niên có một cuộc sống ý nghĩa trong cộng đồng. Việc làm này sẽ giúp thúc đẩy quá trình phát triển của mỗi cá nhân và giúp giáo dục người chưa thành niên không phạm tội và phạm pháp vào những giai đoạn người chưa thành niên dễ có những hành vi sai lạc nhất.

1.3. Cần chú ý đưa ra những biện pháp tích cực để huy động tất cả các nguồn lực có thể, bao gồm gia đình, những người tình nguyện và các nhóm cộng đồng khác, cũng như trường học và các tổ chức khác trong cộng đồng để tăng cường phúc lợi cho người chưa thành niên, nhằm giảm nhu cầu can thiệp của pháp luật và xử lý người chưa thành niên làm trái pháp luật một cách có hiệu quả, công bằng và nhân đạo.

1.4. Tư pháp đối với người chưa thành niên phải được coi là một bộ phận hợp thành của quá trình phát triển đất nước ở mỗi quốc gia, trong khuôn khổ toàn diện của công bằng xã hội đối với tất cả những người chưa thành niên, từ đó góp phần bảo vệ thế hệ trẻ và duy trì trật tự, yên bình cho xã hội.

1.5. Các quy tắc này phải được thực hiện theo những điều kiện kinh tế, xã hội và văn hóa hiện hành ở mỗi Quốc gia thành viên.

1.6. Các hoạt động xét xử đối với người chưa thành niên phải được phát triển và phối hợp một cách có hệ thống, nhằm duy trì và cải thiện năng lực của những người tham gia làm các công việc này, trong đó có vấn đề phương pháp, cách thức tiếp cận và thái độ của họ.

Diễn giải

Những điều khái quát căn bản này đề cập đến chính sách xã hội toàn diện nói chung và nhằm mục đích tăng cường phúc lợi đối với người chưa thành niên đến mức cao nhất có thể. Điều này sẽ giúp giảm thiểu nhu cầu can thiệp của hệ thống tư pháp dành cho người chưa thành niên, và từ đó sẽ giảm tác hại có thể xảy ra khi có sự can thiệp. Các biện pháp chăm lo cho người chưa thành niên, trước khi các em có hành vi phạm pháp, là những điều kiện tiên quyết trong chính sách cơ bản để tránh phải áp dụng các quy tắc này.

Các Quy tắc từ 1.1 đến 1.3 chỉ ra vai trò quan trọng của một chính sách xã hội mang tính chất xây dựng đối với người chưa thành niên trong việc ngăn ngừa họ phạm tội và phạm pháp. Quy tắc 1.4 xác định tư pháp đối với người chưa thành niên là một bộ phận hợp thành của công lý xã hội nói chung đối với người chưa thành niên. Trong khi đó, Quy tắc 1.6 đề cập đến mức độ cần thiết của việc thường xuyên cải tiến hoạt động xét xử đối với người chưa thành niên, không để tụt lùi so với sự phát triển của chính sách xã hội tiến bộ đối với người chưa thành niên nói chung, và sự cần thiết phải thường xuyên cải tiến hoạt động của đội ngũ cán bộ.

Quy tắc 1.5 ghi nhận những điều kiện đang tồn tại ở các Quốc gia thành viên khiến cho cách thức thực hiện những quy tắc cụ thể ở quốc gia này khác với ở quốc gia khác.

2. Phạm vi của Các Quy tắc và những định nghĩa được sử dụng

2.1. Các Quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu dưới đây phải được áp dụng một cách không thiên vị đối với người phạm tội chưa thành niên, không phân biệt chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hoặc các quan điểm khác, nguồn gốc xã hội hoặc dân tộc, tài sản, dòng dõi hoặc các mối tương quan khác.

2.2. Theo mục đích của Các Quy tắc, những định nghĩa sau phải được các Quốc gia thành viên áp dụng một cách tương ứng với hệ thống và quan niệm pháp luật riêng của quốc gia mình:

a. Người chưa thành niên là trẻ em hay thanh thiếu niên mà tùy theo từng hệ thống pháp luật có thể bị xử lý khi phạm tội, theo một phương thức khác với người lớn.

b. Phạm tội là bất cứ hành vi (hành động hoặc không hành động) nào bị pháp luật xử phạt tùy theo từng hệ thống pháp luật.

c. Người chưa thành niên phạm tội là trẻ em hay thanh thiếu niên bị cáo buộc, hay bị kết luận là đã phạm tội.

2.3. Trong mỗi hệ thống pháp luật quốc gia, cần phải cố gắng xây dựng một hệ thống các văn bản pháp luật, những quy tắc, quy định áp dụng riêng đối với người chưa thành niên phạm tội, và phải hình thành các tổ chức, các cơ quan được giao phó chức năng áp dụng tư pháp đối với người chưa thành niên để:

a. Đáp ứng các nhu cầu khác nhau của người chưa thành niên phạm tội, đồng thời bảo vệ những quyền lợi cơ bản của các em;

b. Đáp ứng nhu cầu của xã hội;

c. Thi hành những quy tắc sau một cách triệt để và công bằng.

Diễn giải

Các Quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu được xây dựng một cách cẩn trọng để có thể áp dụng trong các hệ thống pháp luật khác nhau và đồng thời đặt ra một vài tiêu chuẩn tối thiểu trong việc xử lý người chưa thành niên phạm tội dù theo bất cứ một định nghĩa nào về người chưa thành niên và theo bất cứ hệ thống nào xử lý người chưa thành niên phạm tội. Những quy tắc phải luôn luôn được áp dụng một cách vô tư, không có sự phân biệt.

Quy tắc 1.2, vì vậy, nhấn mạnh tầm quan trọng của Quy tắc luôn phải được áp dụng một cách không thiên vị và không phân biệt. Quy tắc này tuân thủ nội dung của nguyên tắc 2 trong Tuyên bố về quyền trẻ em.

Quy tắc 2.2 định nghĩa “người chưa thành niên” và “phạm tội” là yếu tố chính của Các Quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu (tuy nhiên cũng có thể xem trong các Quy tắc 3 và 4). Cần lưu ý rằng giới hạn tuổi đối với người được coi là chưa thành niên phụ thuộc vào quy định của từng hệ thống pháp luật – quy định này phải được tuyên bố công khai, do vậy hoàn toàn tôn trọng hệ thống kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa và pháp luật của từng Quốc gia thành viên. Điều này khiến cho có nhiều giới hạn tuổi khác nhau được quy định đối với “người chưa thành niên”, có thể từ 7 đến 18 tuổi hoặc cao hơn. Điều này dường như không thể tránh khỏi khi xem xét các hệ thống pháp luật quốc gia khác nhau và không làm giảm tác động của Các Quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu. Quy tắc 2.3 nêu lên sự cần thiết phải có các quy định pháp luật cụ thể của quốc gia nhằm thực hiện tốt nhất Các Quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu này, cả về mặt pháp lý cũng như trên thực tế.

3. Phần mở rộng của Các Quy tắc

3.1. Các điều khoản có liên quan của Các Quy tắc không chỉ áp dụng đối với những người chưa thành niên phạm tội, mà còn đối với những người chưa thành niên bị kiện vì bất kỳ một hành vi cụ thể nào mà hành vi này không bị xử phạt nếu do người lớn phạm phải.

[...]