Quy tắc chuẩn, tối thiểu của Liên hợp quốc về những biện pháp không giam giữ 1990

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 14/12/1990
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành Liên hợp quốc
Người ký ***
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

CÁC QUY TẮC CHUẨN, TỐI THIỂU CỦA LIÊN HỢP QUỐC VỀ NHỮNG BIỆN PHÁP KHÔNG GIAM GIỮ (CÁC QUY TẮC TOKYO), 1990

(Được Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua bằng Nghị quyết 45/110 ngày 14/12/1990).

I. NHỮNG NGUYÊN TẮC CHUNG

1. Mục đích cơ bản

1.1. Các Quy tắc chuẩn, tối thiểu này đưa ra một tập hợp các nguyên tắc cơ bản nhằm thúc đẩy việc sử dụng các biện pháp không giam giữ, cũng như các biện pháp bảo vệ tối thiểu đối với những người là đối tượng của các hình thức xử lý khác ngoài hình thức giam cầm.

1.2. Các Quy tắc này nhằm khuyến khích sự tham gia rộng rãi hơn nữa của cộng đồng vào hoạt động tư pháp hình sự, đặc biệt trong việc đối xử với người phạm tội, cũng như nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của những người phạm tội đối với xã hội.

1.3. Khi thực hiện các Quy tắc này, cần tính đến các điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa của từng quốc gia cũng như mục đích và mục tiêu của hệ thống tư pháp hình sự của quốc gia đó.

1.4. Khi thực hiện các Quy tắc này, các Quốc gia thành viên phải cố gắng đảm bảo một sự cân bằng hợp lý giữa các quyền của cá nhân người phạm tội, quyền của các nạn nhân và sự quan ngại của xã hội đối với an ninh công cộng và việc phòng ngừa tội phạm.

1.5. Các Quốc gia thành viên phải xây dựng những biện pháp không giam giữ trong hệ thống pháp luật của nước mình nhằm đưa ra các cách lựa chọn khác, từ đó giảm sử dụng biện pháp cầm tù và nhằm tạo cơ sở hợp lý cho những chính sách tư pháp hình sự, thông qua việc giám sát các quyền con người, các yêu cầu công bằng xã hội cũng như nhu cầu phục hồi của người phạm tội.

2. Phạm vi áp dụng các biện pháp không giam giữ

2.1. Những điều khoản liên quan của các Quy tắc này được áp dụng cho tất cả những người bị truy tố, xét xử hay thi hành án, trong tất cả các giai đoạn của hoạt động tư pháp hình sự. Theo mục đích của các Quy tắc này, những người này được gọi là “người phạm tội”, dù cho những người đó bị tình nghi, bị buộc tội hay bị kết án.

2.2. Các Quy tắc này được áp dụng trên cơ sở không có sự phân biệt về chủng tộc, màu da, giới tính, tuổi tác, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hay các quan điểm khác, nguồn gốc xã hội hay dân tộc, tài sản, thành phần xuất thân hay địa vị khác.

2.3. Để tăng mức độ linh hoạt phù hợp với tính chất và mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội, phù hợp với tính cách và xuất thân của người phạm tội, cũng như phù hợp với sự bảo vệ của xã hội, và để tránh sử dụng biện pháp cầm tù không cần thiết, hệ thống tư pháp hình sự cần đưa ra nhiều biện pháp không giam giữ, từ giai đoạn trước khi xét xử đến giai đoạn sau khi tuyên án. Cần phải xác định số lượng và loại hình các biện pháp không giam giữ có thể được áp dụng sao cho việc kết án vẫn tiến hành một cách hợp lý.

2.4. Cần phải khuyến khích và theo dõi chặt chẽ việc ban hành các biện pháp không giam giữ mới và đánh giá một cách có hệ thống việc sử dụng những biện pháp này.

2.5. Cần xem xét việc xử lý những người phạm tội trong cộng đồng, tránh đến mức tối đa việc sử dụng những thủ tục tố tụng hay xét xử chính thức tại một tòa án phù hợp với các biện pháp bảo vệ pháp lý và pháp quyền.

2.6. Cần sử dụng những biện pháp không giam giữ phù hợp với nguyên tắc can thiệp tối thiểu.

2.7. Việc sử dụng những biện pháp không giam giữ phải là một phần của tiến trình hướng tới bãi bỏ hình phạt và loại bỏ hành vi đó ra khỏi số hành vi phạm tội, thay vì can thiệp hay làm trì hoãn những nỗ lực theo hướng đó.

3. Những biện pháp bảo vệ pháp lý

3.1. Việc giới thiệu, định nghĩa và áp dụng những biện pháp không giam giữ phải do pháp luật quy định.

3.2. Việc lựa chọn một biện pháp không giam giữ phải dựa trên sự đánh giá theo những tiêu chuẩn đã được quy định liên quan đến tính chất và mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội, tính cách, xuất thân của người phạm tội, mục đích của bản án và các quyền của nạn nhân.

3.3. Quyền quyết định của tòa hay một cơ quan độc lập có thẩm quyền khác được thực hiện ở tất cả các giai đoạn tố tụng trên cơ sở chịu trách nhiệm hoàn toàn và chỉ theo đúng quy định của pháp luật.

3.4. Những biện pháp không giam giữ trong đó quy định một nghĩa vụ mà người phạm tội phải thực hiện và được áp dụng trước khi tiến hành các thủ tục tố tụng hoặc xét xử chính thức hoặc để thay thế các thủ tục này thì phải được sự đồng ý của người phạm tội.

3.5. Tòa án hay một cơ quan độc lập có thẩm quyền khác phải xem xét lại các quyết định áp dụng biện pháp không giam giữ khi có đơn yêu cầu của người phạm tội.

3.6. Người phạm tội có quyền đề nghị hoặc khiếu nại lên tòa án hay cơ quan độc lập có thẩm quyền về những vấn đề ảnh hưởng đến các quyền cá nhân của mình trong việc thực hiện các biện pháp không giam giữ.

3.7. Cần phải có cơ chế phù hợp để thực hiện quyền đòi bồi hoàn và nếu có thể, bồi thường cho những khiếu kiện liên quan đến việc không bảo đảm các quyền con người đã được quốc tế công nhận.

3.8. Những biện pháp không giam giữ không bao gồm các thí nghiệm y học hay tâm lý đối với người phạm tội, cũng như những biện pháp có nguy cơ gây tổn thương về tâm lý và thể chất đối với họ.

3.9. Phẩm giá của người phạm tội chịu các biện pháp không giam giữ phải luôn được bảo vệ.

3.10. Khi thực các biện pháp không giam giữ, các quyền của người phạm tội không bị hạn chế hơn những gì đã được quy định trong phán quyết ban đầu của cơ quan có thẩm quyền.

3.11. Khi áp dụng các biện pháp không giam giữ, quyền bất khả xâm phạm đời sống riêng tư của người phạm tội cũng như của gia đình người phạm tội phải được tôn trọng.

3.12. Hồ sơ cá nhân của người phạm tội phải được giữ bí mật hoàn toàn và giữ kín đối với các bên thứ ba. Khả năng tiếp cận những hồ sơ này chỉ được giới hạn trong số những người trực tiếp liên quan đến việc xử lý vụ án hoặc những người có thẩm quyền khác.

[...]
6
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ