Nghị quyết 98/NQ-CP năm 2014 tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới do Chính phủ ban hành

Số hiệu 98/NQ-CP
Ngày ban hành 26/12/2014
Ngày có hiệu lực 26/12/2014
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 98/NQ-CP

Hà Nội, ngày 26 tháng 12 năm 2014

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ TĂNG CƯỜNG CHỈ ĐẠO CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG, KIỂM SOÁT VÀ CAI NGHIỆN MA TÚY TRONG TÌNH HÌNH MỚI

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Kết luận số 95-KL/TW ngày 02 tháng 4 năm 2014 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới;

Căn cứ Nghị quyết số 77/2014/QH13 ngày 10 tháng 11 năm 2014 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 06/CP ngày 29 tháng 01 năm 1993 của Chính phủ về tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy;

Căn cứ Nghị quyết số 89/NQ-CP ngày 05 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 11 năm 2014.

QUYẾT NGHỊ:

Hơn 20 năm qua, công tác phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy đã được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, bố trí nguồn lực. Các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức xã hội và toàn dân kiên trì thực hiện đạt được nhiều kết quả, góp phần ổn định an ninh, trật tự và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, công tác phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy vẫn diễn biến phức tạp, số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý tăng gần 4 lần trong 20 năm qua, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe, giống nòi dân tộc và trật tự an toàn xã hội. Kinh phí và nguồn lực chưa đáp ứng yêu cầu phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy. Hệ thống pháp luật về phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy chậm đổi mới, chưa đồng bộ, sự phối hợp hoạt động của cơ quan, địa phương liên quan còn thiếu chặt chẽ, hiệu quả chưa cao.

Để tạo chuyển biến mạnh mẽ, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy trong tình hình mới, cần tập trung làm tốt các nhiệm vụ và giải pháp sau:

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy

Công tác phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cấp ủy, chính quyền các cấp và của toàn dân. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về tác hại của ma túy để phòng ngừa và điều trị nghiện ma túy có hiệu quả.

Tập trung chỉ đạo, thực hiện công tác phòng ngừa giải pháp chiến lược lâu dài, đồng thời ngăn chặn sự lây lan của tệ nạn ma túy và kiềm chế gia tăng người nghiện mới; hướng mạnh về cộng đồng, dựa vào cộng đồng và tập trung vào nhóm nguy cơ cao; xây dựng xã, phường lành mạnh không có tệ nạn ma túy.

Tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng với nội dung và hình thức phù hợp. Phát động phong trào toàn dân tham gia phòng, chống ma túy, nêu cao tinh thần cảnh giác phát hiện, tố giác đối tượng, các tụ điểm mua bán và sử dụng trái phép chất ma túy. Đề cao vai trò, trách nhiệm của gia đình trong việc giáo dục con, cháu tham gia phòng, chống ma túy.

2. Tập trung đấu tranh phòng, chống và kiểm soát ma túy có hiệu quả

Tập trung các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh trên các tuyến và địa bàn trọng điểm; xóa bỏ các điểm nóng, phức tạp về ma túy, không để phát sinh và tồn tại địa bàn phức tạp về ma túy; triệt phá các đường dây, tổ chức mua bán, vận chuyển, tổ chức sử dụng ma túy; tăng cường hợp tác quốc tế, kiểm soát chặt chẽ tình trạng thẩm lậu ma túy từ bên ngoài vào Việt Nam, đặc biệt trên các tuyến biên giới, hàng không và đường biển. Chủ động tuyên truyền giáo dục, phát hiện triệt phá việc trồng cây có chất ma túy.

Quản lý chặt chẽ tiền chất dùng để sản xuất ma túy và các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn ma túy. Đẩy mạnh các hoạt động điều tra, phát hiện, bắt giữ kịp thời và truy tố, xét xử nghiêm các đối tượng sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ và tổ chức sử dụng trái phép các chất ma túy. Nâng cao chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm về ma túy. Tiếp tục kiện toàn các cơ quan chuyên trách phòng, chống ma túy để bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ.

3. Tăng cường công tác rà soát, phân loại và quản người nghiện

Thống kê, rà soát, phân loại, đánh giá khoa học, khách quan số người sử dụng trái phép ma túy, nghiện ma túy đặc biệt là ma túy tổng hợp trên toàn quốc. Xây dựng, ban hành các tiêu chí thống nhất trong việc đưa vào hoặc đưa ra khỏi danh sách quản lý đối với người nghiện ma túy; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý người nghiện; nghiên cứu đánh giá xu hướng sử dụng trái phép các chất ma túy; nghiên cứu phân loại theo tình trạng nghiện ma túy và giải pháp quản lý phù hợp với từng loại đối tượng. Xây dựng chương trình can thiệp sớm đối với người sử dụng trái phép các chất ma túy. Tổ chức quản lý có hiệu quả người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý.

4. Đổi mới công tác cai nghiện ma túy

a) Đối với công tác điều trị, cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng

- Thực hiện có hiệu quả: Nghị định số 94/2010/NĐ-CP ngày 09 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng; Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn; Nghị định số 96/2012/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.

- Không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nghiện ma túy; đẩy mạnh công tác hỗ trợ vốn, cho vay vốn tạo việc làm, dạy nghề và tái hòa nhập cộng đồng đối với người nghiện ma túy.

b) Đối với công tác cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện

- Cai nghiện tự nguyện: Đẩy mạnh triển khai các mô hình điều trị tại các cơ sở điều trị nghiện tự nguyện theo Quyết định số 2596/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020; đơn giản hóa các thủ tục hành chính; tạo điều kiện thuận lợi đối với việc cai nghiện tự nguyện, chú trọng điều trị ngoại trú. Tích cực triển khai Quyết định số 1008/QĐ-TTg ngày 20 tháng 6 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao chỉ tiêu bệnh nhân được điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone năm 2014 và 2015; khuyến khích các địa phương mở rộng điều trị bằng thuốc Methadone.

- Cai nghiện bắt buộc: Đổi mới, nâng cao chất lượng cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện bắt buộc, bảo đảm các quy định về chế độ chăm sóc y tế, khám chữa bệnh, phục hồi sức khỏe, dạy nghề và sinh hoạt văn hóa nhằm đáp ứng quyền, lợi ích hợp pháp của người cai nghiện bắt buộc theo quy định của pháp luật. Địa phương chưa có cơ sở cai nghiện bắt buộc thì chuyển người nghiện có quyết định của Tòa án đến địa phương lân cận để tiếp nhận theo quy định của pháp luật.

[...]