Kết luận 95-KL/TW năm 2014 tiếp tục thực hiện Chỉ thị 21-CT/TW về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới do Ban Bí thư ban hành

Số hiệu 95-KL/TW
Ngày ban hành 02/04/2014
Ngày có hiệu lực 02/04/2014
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Ban Bí thư
Người ký Lê Hồng Anh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

BAN BÍ THƯ
--------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 95-KL/TW

Ngày 2 tháng 4 năm 2014

 

KẾT LUẬN

VỀ TIẾP TỤC THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 21-CT/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ TĂNG CƯỜNG LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG VÀ KIỂM SOÁT MA TUÝ TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Tại phiên họp ngày 25-3-2014, sau khi nghe Đảng uỷ Công an Trung ương báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 26-3-2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý trong tình hình mới, Ban Bí thư đã kết luận như sau:

1- Năm năm qua, việc thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW đã đạt được những kết quả quan trọng. Công tác tuyên truyền về phòng, chống ma tuý được đổi mới, hướng về cơ sở, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo được sự đồng thuận của toàn xã hội. Công tác phòng, chống ma tuý ở cơ sở đã có chuyển biến tích cực, xây dựng được nhiều mô hình phòng, chống ma tuý có hiệu quả. Các lực lượng chuyên trách tiếp tục được kiện toàn, kết quả đấu tranh chống tội phạm ma tuý đạt hiệu quả cao hơn. Đã cơ bản ngăn chặn tình trạng tái trồng cây thuốc phiện và cây cần sa. Tổ chức điều trị cho một số lượng lớn người nghiện ma tuý và mở rộng chương trình điều trị thay thế bằng Methadone. Hệ thống pháp luật về phòng, chống ma tuý tiếp tục được bổ sung và hoàn thiện. Hợp tác quốc tế về phòng, chống và kiểm soát ma tuý được mở rộng, đi vào chiều sâu và thiết thực, tranh thủ được kinh nghiệm, nguồn lực của quốc tế. Đầu tư cho công tác phòng, chống ma tuý được quan tâm.

Tuy nhiên, tình hình tội phạm và tệ nạn ma tuý vẫn diễn biến phức tạp. Ma tuý từ nước ngoài tiếp tục được đưa vào nước ta với số lượng lớn; só người nghiện gia tăng; số xã, phường có ma tuý chưa được thu hẹp. Việc chỉ đạo thực hiện Chỉ thị có nơi, có lúc chưa chủ động, quyết liệt nhất là ở xã phường. Một số cấp uỷ chưa thường xuyên kiểm tra, đôn đốc; sự tham gia của các tổ chức, đoàn thể ở nhiều nơi còn hình thức. Công tác tuyên truyền chưa phát huy hiệu quả trong nhóm đối tượng có nguy cơ cao; một bộ phận nhân dân, nhất là thanh, thiếu niên chưa nhận thức rõ tác hại của ma tuý; ý thức chấp hành pháp luật về phòng, chống ma tuý còn hạn chế. Công tác cai nghiện và quản lý sau cai còn lúng túng. Chưa huy động được nhiều nguồn lực xã hội cho công tác phòng, chống ma tuý. Quản lý nhà nước đối với việc kinh doanh, dịch vụ có liên quan đến ma tuý còn sơ hở. Năng lực kiểm soát biên giới nói chung, nhất là tuyến hàng không và đường biển còn hạn chế.

2. Để tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác này trong thời gian tới, Ban Bí thư yêu cầu các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 21-CT/TW, tập trung một số công tác trọng tâm sau:

2.1. Cần xác định rõ công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý là nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa thường xuyên, liên tục, lâu dài và phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của các cấp uỷ đảng, sự quản lý của chính quyền, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia. Các cấp uỷ đảng phải thường xuyên nghe báo cáo và chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp được đề ra trong Chiến lược quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma tuý ở Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma tuý giai đoạn 2012-2015 và gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia khác. Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường thực hiện chức năng giám sát công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý. Kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương thiếu trách nhiệm để xảy ra tình trạng phức tạp về ma tuý.

2.2. Tổ chức phòng ngừa và cai nghiện có hiệu quả để kiềm chế ngăn chặn sự gia tăng của tệ nạn ma tuý, giảm cầu về ma tuý. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma tuý trong hệ thống chính trị và toàn dân, nhất là về tác hại của ma tuý tổng hợp, các chất hướng thần mới, chú ý tập trung vào nhóm đối tượng có nguy cơ cao, thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên, đồng bào vùng sâu, vùng xa. Tiếp tục tập trung chỉ đạo tạo chuyển biến từ cơ sở; xây dựng và nhân rộng các mô hình phòng, chống ma tuý phù hợp với từng địa phương. Lồng ghép công tác phòng, chống ma tuý với Chương trình xây dựng nông thôn mới và cuộc vận động toàn dân xây dựng đời sống văn hoá mới ở khu dân cư. Đổi mới công tác điều trị cai nghiện theo hướng tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các cơ sở cai nghiện tập trung; xây dựng và mở rộng mô hình cai nghiện dựa vào cộng đồng và các dịch vụ tư vấn hỗ trợ người nghiện; mở rộng chương trình điều trị thay thế bằng Methadone.

2.3- Tăng cường đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả tình trạng mua bán, vận chuyển ma tuý từ nước ngoài vào nước ta. Bố trí lực lượng, nâng cao năng lực phòng, chống, kiểm soát ma tuý tại các tuyến biên giới, tuyến hàng không, cửa khẩu và đường biển. Phát hiện, triệt xoá kịp thời các cơ sở sản xuất trái phép ma tuý trong nước. Ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả việc trồng cây có chất ma tuý.

2.4- Tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống ma tuý, tập trung vào lĩnh vực điều tra, truy tố, xét xử tội phạm về ma tuý và quản lý, kiểm soát chặt chẽ tiền chất, tân dược gây nghiện, chất hướng thần. Nghiên cứu giảm bớt khung hình phạt có mức án tử hình đối với một số hành vi phạm tội về ma tuý trong Bộ Luật Hình sự. Xây dựng chính sách điều trị cho người nghiện, hỗ trợ cho người sau cai nghiện trong giải quyết việc làm. Có chính sách khuyến khích tập thể, cá nhân đóng góp cho công tác phòng, chống ma tuý.

2.5- Củng cố lực lượng chuyên trách phòng, chống ma tuý; tăng cường trang bị phương tiện đảm bảo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Ưu tiên đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước cho công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý, đẩy mạnh xã hội hoá công tác phòng, chống ma tuý.

2.6- Nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế với các nước có chung đường biên giới, các nước nằm trên tuyến vận chuyển, nơi sản xuất, nguồn cung cấp ma tuý và các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, liên chính phủ trong đấu tranh phòng, chống ma tuý. Tranh thủ nguồn tài trợ quốc tế về tài chính, kỹ thuật cho công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý.

3- Căn cứ Kết luận này, Thường trực Ban Bí thư chủ trì tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 26-3-2008 của Bộ Chính trị. Các bộ, ban, ngành, đoàn thể, các tỉnh uỷ, thành uỷ cụ thể hoá thành chương trình, kế hoạch để triển khai, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả.

4- Đảng uỷ Công an Trung ương theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và định kỳ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư về kết quả thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW và Kết luận của Ban Bí thư.

 

 

T/M BAN BÍ THƯ




Lê Hồng Anh