Nghị quyết 96/NQ-HĐND năm 2017 về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 do tỉnh Quảng Ninh ban hành

Số hiệu 96/NQ-HĐND
Ngày ban hành 13/12/2017
Ngày có hiệu lực 13/12/2017
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ninh
Người ký Nguyễn Văn Đọc
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 96/NQ-HĐND

Quảng Ninh, ngày 13 tháng 12 năm 2017

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2018

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
KHÓA XIII - KỲ HỌP THỨ 7

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015;

Xét Tờ trình 9056/TTr-UBND ngày 04/12/2017 kèm theo Báo cáo số 220/BC- UBND ngày 30/11/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình kinh tế - xã hội và công tác chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh năm 2017, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018; Báo cáo thẩm tra của các ban Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành với Báo cáo số 220/BC-UBND ngày 30/11/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình kinh tế - xã hội năm 2017, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm chủ yếu về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 sau đây:

I. Mục tiêu, các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu năm 2018

1. Mục tiêu tổng quát

Giữ vững ổn định chính trị, tiếp tục phát triển kinh tế, chú trọng nâng cao chất lượng tăng trưởng; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng cao tỷ trọng dịch vụ. Bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên, chuyển đổi căn bản về nhận thức và hành động trong công tác bảo vệ môi trường. Nâng cao năng lực và trách nhiệm của các cơ quan trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại.

2. Các chỉ tiêu chủ yếu

a) Các chỉ tiêu kinh tế: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) theo giá so sánh 2010 tăng trên 10,2%; Thu ngân sách nội địa tăng 10% so với số thực hiện năm 2017 (nhưng không thấp hơn 30.360 tỷ đồng); Thu xuất nhập khẩu phấn đấu đạt chỉ tiêu Trung ương giao; Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 8%; Tổng nguồn vốn đầu tư xã hội tăng trên 10%.

b) Các chỉ tiêu xã hội: Tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,7%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%; Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 93%; Số bác sỹ/1 vạn dân đạt trên 14,5 bác sỹ.

c) Các chỉ tiêu môi trường: Tỷ lệ che phủ rừng đạt 54,5%; Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh 97%; Tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch trên 94%; Tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom 93,5%; Tỷ lệ chất thải rắn y tế được xử lý 100%.

3. Nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu

a) Tập trung triển khai các nhiệm vụ chiến lược, trọng tâm tạo nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững

- Rà soát, đánh giá kết quả giữa nhiệm kỳ về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV để có các giải pháp, lộ trình phù hợp, sát thực tiễn, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết đề ra, nhất là mục tiêu đến năm 2020 xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh có cơ cấu kinh tế dịch vụ, công nghiệp. Triển khai kế hoạch, chương trình hành động thực hiện nghị quyết của Trung ương, của tỉnh: Nghị quyết 11- NQ/TW ngày 03/6/2017 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế…

- Về lĩnh vực du lịch và dịch vụ: Triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, kết luận, chương trình hành động của tỉnh về dịch vụ và du lịch nhằm tiếp tục nâng cao tỷ trọng và chất lượng dịch vụ trong nền kinh tế, với các giải pháp cụ thể như: Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch, dịch vụ; đổi mới hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả của hoạt động này; xây dựng và triển khai chiến lược marketing du lịch Quảng Ninh giai đoạn 2018-2020; tiếp tục cải cách hành chính để thu hút các nhà đầu tư chiến lược đầu tư các dự án lớn vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ để tạo ra chuỗi sản phẩm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế và khu vực; có giải pháp cụ thể để mở rộng không gian, kết nối các tuyến điểm, khu du lịch trên địa bàn tỉnh để kéo dài thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu của du khách; xây dựng có chiến lược cụ thể về sản phẩm và giá cả... hướng vào thị phần khách du lịch châu Âu; tổ chức thành công Năm du lịch quốc gia 2018 tại Quảng Ninh với chủ đề “Hạ Long - Di sản, Kỳ quan - Điểm đến thân thiện” và chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để tổ chức Diễn đàn Du lịch của Hiệp hội khối các quốc gia Đông Nam Á vào đầu năm 2019. Tiếp tục thu hút đầu tư chuỗi các trung tâm thương mại dịch vụ bán lẻ (nhất là tập đoàn Vincom) tại các đô thị, địa phương phát triển du lịch như Cẩm Phả, Móng Cái, Vân Đồn gắn với chuỗi cung ứng dịch vụ hoàn chỉnh và chương trình Ocop tại các địa phương. Hiện đại hóa thủ tục thông quan, triển khai đề án thí điểm mô hình một cửa, một lần dừng tại cửa khẩu Bắc Luân II; khai thác hiệu quả hoạt động của Cầu Bắc Luân II, hệ thống các khu kinh tế cửa khẩu, hệ thống cảng biển của tỉnh: Cảng ICD và cầu phao tạm tại Km3+4 Móng Cái, các cảng biển Cái Lân, cảng Hòn Nét, cảng Tiền Phong...; phát triển dịch vụ: Bảo hiểm, thông tin truyền thông, tài chính, ngân hàng, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ….; kiểm soát chất lượng và giá cả các mặt hàng, sản phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu đời sống, sức khỏe nhân dân; tăng cường công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại; nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, có giải pháp tiếp tục thu hút các tập đoàn bán lẻ lớn đến Quảng Ninh để kết hợp phát triển nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.

- Lĩnh vực công nghiệp - chế biến, chế tạo: Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch và công nghiệp hỗ trợ; tạo điều kiện để các nhà đầu tư triển khai các dự án tại các khu kinh tế, khu công nghiệp; tổ chức triển khai Đề án thành lập khu kinh tế ven biển Quảng Yên, Đề án thành lập khu công nghiệp Việt Hưng, Đề án đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và cơ chế vận hành khu công nghiệp Cái Lân sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Lĩnh vực nông nghiệp: Đẩy nhanh tiến độ và chất lượng tái cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp gắn với triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, trọng tâm hướng tới sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, sử dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đảm bảo an toàn thực phẩm; năm 2018 có thêm ít nhất 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới; Nâng cao chất lượng chương trình nông thôn mới bằng mô hình nông thôn kiểu mẫu; Tiếp tục thực hiện Đề án mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) theo hướng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung theo chuỗi giá trị gia tăng cao, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm; phát triển mạnh công nghiệp chế biến tinh nông - lâm - thủy sản và chuyển đổi lao động nông nghiệp; tăng cường quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, duy trì thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về cấm sử dụng chất, hóa chất, cấm đánh bắt thủy sản bằng phương pháp tận diệt; gắn phát triển kinh tế biển với bảo vệ chủ quyền biên giới, lãnh thổ quốc gia.

b) Đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược

Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội để tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; nhất là hình thức đối tác công - tư (PPP) cho các công trình, dự án hạ tầng giao thông, dịch vụ, y tế, giáo dục, hạ tầng thiết yếu vùng sâu, vùng xa. Đảm bảo đúng tiến độ các dự án giao thông trọng điểm, hoàn thành đưa vào sử dụng trong quý II/2018 như: Đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, Cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18A đoạn Hạ Long - Mông Dương, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Nhà thi đấu đa năng 5.000 chỗ... Khởi công đầu tư tuyến đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái; tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả; dự án đường trục chính từ Cảng hàng không Quảng Ninh đến khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn, Trạm kiểm soát liên ngành Cầu Bắc Luân II, cầu dẫn và bến du thuyền Cảng khách Hòn Gai, Cung Văn hóa thanh thiếu nhi, Trung tâm báo chí tỉnh, Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh, dự án trưng bày quy hoạch (giai đoạn 2) - Cung Quy hoạch, hội chợ, triển lãm tỉnh...; triển khai nghiên cứu ý tưởng, phương án đường hầm qua eo Vịnh Cửa Lục.

Tập trung nâng cao chất lượng cải cách hành chính, trọng tâm là tiếp tục rà soát, đơn giản hóa, tăng số thủ tục hành chính thực hiện đủ 4 bước tại Trung tâm hành chính công tỉnh, huyện gắn với việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Rà soát các điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực, quy trình tác nghiệp để nâng cao chất lượng phục vụ tại Trung tâm hành chính công các cấp; nâng cao chất lượng, hiệu quả bộ phận trả kết quả liên thông hiện đại cấp xã; tuyên truyền, đào tạo công dân điện tử theo lộ trình phù hợp với từng địa phương cụ thể. Triển khai thực hiện các giải pháp thiết thực cải thiện và nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), Chỉ số cải cách hành chính (Par index), Chỉ số ứng dụng Công nghệ thông tin (ICT), Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan quản lý nhà nước (Sipas). Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án giai đoạn II chính quyền điện tử.

Triển khai có hiệu quả Đề án đào tạo, bồi dưỡng, phát triển toàn diện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh đến năm 2020, trọng tâm là đội ngũ cán bộ cơ sở và đội ngũ chuyên môn trực tiếp. Nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả đào tạo của các trường nghề; thực hiện liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp để tạo đầu ra cho đào tạo; có giải pháp và cơ chế chính sách cụ thể để thu hút lao động vào các khu kinh tế, khu công nghiệp, trước mắt là khu công nghiệp cảng biển Hải Hà. Xây dựng, phát triển Trường Đại học Hạ Long sớm trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh và cơ sở đào tạo có uy tín trong nước.

c) Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; khuyến khích và tạo điều kiện thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển; hỗ trợ doanh nghiệp

Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về cải thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh (PCI) cấp tỉnh, cấp sở, ngành, địa phương (DDCI). Thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động số 16-CTr/TU ngày 08/11/2017 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp trong tỉnh với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để khai thác có hiệu quả chuỗi giá trị các sản phẩm có lợi thế của tỉnh. Đồng hành cùng ngành Than để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về tiêu thụ than; bảo đảm các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và đảm bảo an sinh xã hội cho lao động ngành Than.

Triển khai thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo theo tinh thần Chỉ thị 26/CT-TTg ngày 06/6/2017, Nghị quyết 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017, Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ, các cấp, các ngành từ tỉnh đến địa phương thực sự đồng hành cùng doanh nghiệp, hỗ trợ và khuyến khích khởi nghiệp. Nghiên cứu xây dựng và triển khai mô hình “Vườn ươm khởi nghiệp” nhằm tập hợp, phát huy nguồn nhân lực có năng lực, triển vọng và khát khao cống hiến. Hỗ trợ và tạo điều kiện để kinh tế hợp tác xã phát triển theo các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và Tỉnh ủy.

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ