Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Nghị Quyết số 61-CP Về cuộc vận động tổ chức lại sản xuất, cải tiến một bước quản lý nông nghiệp, lâm nghiệp từ cơ sơ theo hướng tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa do Hội Đồng Chính Phủ ban hành

Số hiệu 61-CP
Ngày ban hành 05/04/1976
Ngày có hiệu lực 20/04/1976
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Hội đồng Chính phủ
Người ký Nguyễn Duy Trinh
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 61-CP

Hà Nội, ngày 05 tháng 04 năm 1976 

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CUỘC VẬN ĐỘNG TỔ CHỨC LẠI SẢN XUẤT, CẢI TIẾN MỘT BƯỚC QUẢN LÝ NÔNG NGHIỆP, LÂM NGHIỆP TỪ CƠ SƠ THEO HƯỚNG TIẾN LÊN SẢN XUẤT LỚN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA.

Thực hiện nghị quyết của các hội nghị lần thứ 19, lần thứ 20 và lần thứ 22 của Ban chấp hành trung ương Đảng về việc đưa nông nghiệp miền Bắc nước ta tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, trong mấy năm qua, Ban bí thư trung ương Đảng đã chỉ đạo thí điểm tổ chức lại sản xuất và cải tiến một bước quản lý nông nghiệp từ cơ sở, kết hợp với việc mở đại hội đại biểu nông dân tập thể ở các cấp.

Đến nay, việc mở hội nghị đại biểu nông dân tập thể đã làm xong ở các hợp tác xã, các huyện và đang làm ở cấp tỉnh; việc làm thí điểm tổ chức lại sản xuất và cải tiến một bước quản lý nông nghiệp từ cơ sở đang tiến hành ở 24 huyện, 1.250 hợp tác xã (trong đó có 5 huyện và 161 hợp tác xã ở miền núi).

Sau khi nghe đồng chí Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban nông nghiệp trung ương báo cáo tình hình làm thí điểm, nghe đồng chí Tổng cục phó Tổng cục Lâm nghiệp phát biểu bổ sung về phần lâm nghiệp, Hội đồng Chính phủ đã thảo luận trong phiên họp toàn thể vào các ngày 23 và 24 tháng 3 năm 1976 và quyết định:

1. Hội đồng Chính phủ khẳng định những kết quả và kinh nghiệm bước đầu đã thu được trong việc làm thí điểm là tốt;

2. Hội đồng Chính phủ quyết định mở cuộc vận động tổ chức lại sản xuất, cải tiến một bước quản lý nông nghiệp từ cơ sở, theo hướng tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Ở trung du, miền núi và những xã đồng bằng ven biển có diện tích đất trồng rừng, cuộc vận động tổ chức lại sản xuất và cải tiến quản lý phải gắn chặt nông nghiệp với lâm nghiệp.

Nền nông nghiệp miền Bắc nước ta từ sau khi hợp tác hóa đến nay đã có những biến đổi quan trọng: quan hệ sản xuất mới đã phát huy tác dụng tích cực trên nhiều mặt, cơ sở vật chất kỹ thuật ngày càng được tăng cường, một số vùng sản xuất tập trung chuyên canh và thâm canh đang được hình thành, nhiều kinh nghiệm tốt về tổ chức quản lý và tiến bộ về khoa học kỹ thuật đã được áp dụng và sản xuất… Từ một nền sản xuất nhỏ, phân tán, quảng canh, tự cấp tự túc, nền nông nghiệp hợp tác hóa miền Bắc nước ta đã ngày càng phát triển theo kế hoạch và đang trong quá trình tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa; lâm nghiệp từ vị trí là nghề phụ của nông nghiệp đã dần dần phát triển ở miền núi và trung du thành một nghề chính, một hướng kinh doanh chủ yếu của các hợp tác xã, có quan hệ gắn bó với nông nghiệp và nhiều ngành kinh tế khác (công nghiệp khai thác hầm mỏ, công nghiệp giấy…)

Hiện nay công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa trong cả nước đang đặt ra những yêu cầu to lớn về nông sản, lâm sản (lương thực, thực phẩm, nguyên liệu cho công nghiệp và hàng xuất khẩu), đòi hỏi nông nghiệp và lâm nghiệp phải được tổ chức lại sản xuất và cải tiến một bước quản lý từ cơ sở theo hướng tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa.

Từ đặc điểm chung là những ngành sản xuất vừa phải thực hiện chuyên môn hóa, vừa mang tính chất kinh doanh tổng hợp, vừa phải tôn trọng sự chỉ đạo tập trung, thống nhất theo ngành, vừa phải bảo đảm sự phân bố hợp lý trên các vùng lãnh thổ và trong từng đơn vị sản xuất cụ thể, phát huy tính chủ động sáng tạo của các địa phương và cơ sở, sản xuất nông nghiệp và lâm nghiệp nước ta phải được tổ chức lại trong điều kiện:

- Đất đai tự nhiên không nhiều, đất đai dùng vào sản xuất nông nghiệp còn ít, cần phải được phân bố hợp lý và sản xuất có hiệu quả; ở miền núi và trung du, tài nguyên rừng bị giảm sút nghiêm trọng đang cần được giữ gìn và khai thác hợp lý;

- Khí hậu, thời tiết, địa hình, nguồn nước…, ở các vùng rất phức tạp, cần phải được xem xét một cách đầy đủ;

- Lao động dồi dào nhưng sử dụng chưa tốt, phân bố không đều, cần phải được bố trí hợp lý và sử dụng cho có năng suất cao;

- Cơ sở vật chất kỹ thuật (bao gồm cả mạng lưới đường sá) chưa nhiều, nhưng trang bị và xây dựng phân tán, không đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất từng vùng, từng cây, con cụ thể, cần phải soát xét lại để sử dụng tốt những cái sẵn có và tích cực bổ sung, tăng cường thêm những cái mới;

- Công tác quản lý kinh tế của các đơn vị nông nghiệp, lâm nghiệp cơ sở và của các cấp, các ngành đối với nông nghiệp, lâm nghiệp còn theo kiểu hành chính cung cấp, sản xuất nhỏ, cần phải được cải tiến, chuyển mạnh sang quản lý kinh doanh tập trung thống nhất theo hướng sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa.

Do đó, việc tổ chức lại sản xuất và cải tiến một bước quản lý nông nghiệp, lâm nghiệp từ cơ sở phải nhằm theo các hướng;

1. Tổ chức lại sản xuất ở các hợp tác xã, nông trường, lâm trường và trên địa bàn huyện nhằm sử dụng tốt đất đai, nguồn nước và các tài nguyên nông lâm nghiệp khác, lao động, cơ sở vật chất kỹ thuật hiện có và từng bước tăng cường thêm; gắn nông nghiệp với lâm nghiệp, gắn nông, lâm nghiệp với thủ công nghiệp, tiểu công nghiệp và công nghiệp, gắn sản xuất chế biến với lưu thông, phân phối, gắn kinh tế tập thể và kinh tế phụ gia đình với kinh tế quốc doanh; hình thành cơ cấu sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp ngày càng tiến bộ và các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, thâm canh; hình thành mối quan hệ mới trong nội bộ nông nghiệp, giữa nông nghiệp với lâm nghiệp, giữa nông nghiệp, lâm nghiệp với các ngành kinh tế khác. Khắc phục tình trạng sản xuất phân tán, rời rạc, không đồng bộ, mất cân đối, không chuyển mạnh vào tập trung, chuyên canh, thâm canh.

Việc tổ chức lại sản xuất ở các hợp tác xã và trên địa bàn huyện phải ăn khớp với phân vùng kinh tế, và tiến hành trong khung khổ quy hoạch kinh tế của cả nước, của từng vùng kinh tế lớn và từng tỉnh.

2. Xây dựng và thực hiện các nguyên tắc, chế độ quản lý kinh tế xã hội chủ nghĩa, nhất là chế độ kế hoạch hóa và hạch toán kinh tế, chế độ hợp đồng kinh tế, khuyến khích sản xuất và tạo điều kiện cho các đơn vị sản xuất kinh doanh có lãi, thực hiện đúng nguyên tắc phân phối theo lao động và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của người lao động. Khắc phục hiện tượng làm ăn tùy tiện, không có kế hoạch và tính toán, thiếu dân chủ và tập trung, không khuyến khích lao động, sản xuất.

Xây dựng cấp huyện từ một cấp trung gian, hành chính trở thành một cấp kế hoạch về nông nghiệp (hoặc nông – lâm nghiệp) và tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, vừa quản lý hành chính vừa quản lý kinh tế, vừa trở thành một trung tâm, trang bị kỹ thuật cho các hợp tác xã, một cứ điểm để tiến hành 3 cuộc cách mạng ở nông thôn.

Cải tiến quản lý của cấp tỉnh và các cơ quan trung ương phù hợp với yêu cầu tổ chức lại sản xuất và cải tiến quản lý nông nghiệp, lâm nghiệp từ các đơn vị cơ sở và cấp huyện như trên.

3. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, chức năng quản lý của Nhà nước và vai trò làm chủ tập thể của quần chúng.

Phải phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường và mọi khả năng tiềm tàng của các hợp tác xã và nông dân, của nông trường, lâm trường, của công nhân nông nghiệp và lâm nghiệp, đồng thời phải đề cao trách nhiệm của các ngành kinh tế và quản lý Nhà nước, tận dụng mọi khả năng chi viện cho nông nghiệp, lâm nghiệp, phục vụ cơ sở sản xuất, thắt chặt mối quan hệ công nông liên minh trong giai đoạn mới.

Việc tổ chức lại sản xuất và cải tiến một bước quản lý nông nghiệp và lâm nghiệp từ cơ sở cuối cùng phải tăng cường được lực lượng sản xuất và củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở nông thôn, làm cho tổng sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp ngày càng nhiều, khối lượng sản phẩm hàng hóa ngày càng tăng, năng suất lao động ngày càng cao, chất lượng sản phẩm tốt và giá thành hạ, đất ngày càng phì nhiêu, rừng ngày càng xanh tốt, đơn vị sản xuất có điều kiện không ngừng tại sản xuất mở rộng, làm nghĩa vụ đối với Nhà nước ngày càng nhiều và đời sống vật chất và văn hóa của nông dân tập thể, của công nhân nông nghiệp, lâm nghiệp ngày càng cải thiện.

Nhằm vào các nhiệm vụ, phương hướng và yêu cầu nói trên, Hội đồng Chính phủ quyết định.

I

NỘI DUNG CỦA CUỘC VẬN ĐỘNG

A. ĐỐI VỚI CÁC ĐƠN VỊ SẢN XUẤT CƠ SỞ

[...]