Chỉ thị 340-TTg năm 1978 về việc khẩn trương thực hiện cuộc vận động tổ chức lại sản xuất, cải tiến quản lý nông nghiệp, lâm nghiệp từ cơ sở do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 340-TTg |
Ngày ban hành | 24/06/1978 |
Ngày có hiệu lực | 09/07/1978 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Thủ tướng Chính phủ |
Người ký | Võ Chí Công |
Lĩnh vực | Lĩnh vực khác |
THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 340-TTg |
Hà Nội, ngày 24 tháng 06 năm 1978 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC KHẨN TRƯƠNG THỰC HIỆN CUỘC VẬN ĐỘNG TỔ CHỨC LẠI SẢN XUẤT, CẢI TIẾN QUẢN LÝ NÔNG NGHIỆP, LÂM NGHIỆP TỪ CƠ SỞ
Trong tháng 5 năm 1978, Thủ tướng Chính phủ đã họp với các tỉnh, huyện và các ngành có liên quan để kiểm điểm việc thực hiện cuộc vận động tổ chức lại sản xuất, cải tiến quản lý nông nghiêp, lâm nghiệp từ cơ sở và đề ra những việc phải làm tiếp, bảo đảm hoàn thành cuộc vận động vào năm 1979. Thủ tướng Chính phủ giao trách nhiệm cho Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và các Bộ, các ngành:
1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố phải căn cứ những kết luận của hội nghị vừa qua, kiểm điểm việc thực hiện cuộc vận động ở địa phương và có kế hoạch cụ thể tổ chức thực hiện tiếp, bảo đảm hoàn thành cuộc vận động vào năm 1979 và đúng theo yêu cầu, nội dung đã đề ra trong chỉ thị 208 của Ban Bí thư, nghị quyết số 61-CP của Hội đồng Chính phủ và trong báo cáo kiểm điểm thực hiện cuộc vận động của Phủ Thủ tướng đã gửi cho các địa phương. Những tỉnh đã sơ kết trước hội nghị của Thủ tướng Chính phủ triệu tập cũng phải dựa theo tinh thần mới mà kiểm điểm và bổ sung kế hoạch làm tiếp cho phù hợp.
Để bảo đảm tiến độ và yêu cầu, nội dung của cuộc vận động, trong chỉ đạo thực hiện cần chú trọng:
Phải làm cho cán bộ cơ sở, cấp huyện, cấp tỉnh có nhận thức đúng về ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc vận động và quán triệt yêu cầu, nội dung cuộc vận động, động viên các cấp, các ngành tập trung lực lượng cán bộ, phương tiện phục vụ cuộc vận động;
Phát động mạnh mẽ tinh thần làm chủ tập thể của quần chúng và cán bộ ở cơ sở, của cấp huyện và các ngành cấp tỉnh nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh, khắc phục khó khăn, phát huy cao độ khả năng về lao động, đất đai, để xây dựng quy hoạch và kế hoạch, tổ chức lại sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật, phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, v.v…
Làm tốt việc bồi dưỡng cán bộ nhất là cán bộ cơ sở. Phải tùy các vấn đề đặt ra cho các loại hợp tác xã khác nhau có kế hoạch tổ chức bồi dưỡng cho cán bộ hợp tác xã về yêu cầu, nội dung và cách làm thật sâu sát để giúp đỡ cán bộ nắm vững và làm tốt. Đối với những hợp tác xã không có khả năng tự làm, tỉnh, huyện phải đưa cán bộ về giúp và phối hợp các ngành giải quyết đồng bộ các vấn đề về sản xuất, kỹ thuật, quản lý, tư tưởng, tổ chức, cán bộ, chính sách đời sống… để tạo được sự chuyển biến. Số cán bộ về giúp hợp tác xã cũng phải được bồi dưỡng kỹ về yêu cầu, nội dung và cách làm. Cần nhanh chóng tổng kết kinh nghiệm các hợp tác xã tiên tiến ở địa phương để bồi dưỡng cho cán bộ và khôi phục lại hệ thống các trường bồi dưỡng cán bộ quản lý hợp tác xã của huyện, tỉnh và trung ương.
Tăng cường gấp cán bộ cho ban nông nghiệp, lâm nghiệp huyện và các ngành có liên quan khác của huyện để cấp huyện có đủ sức chỉ đạo cơ sở thực hiện tốt cuộc vận động, đồng thời giải quyết kịp thời các vấn đề của cấp huyện để phục vụ cho cơ sở.
Đề cao kỷ luật chấp hành chỉ thị, nghị quyết của các cấp, các ngành. Tỉnh phải tổ chức nắm tình hình, tăng cường kiểm tra, đôn đốc với huyện và cơ sở để kịp thời phát hiện, uốn nắn những lệch lạc. Hàng tháng, Ủy ban nhân dân các tỉnh phải báo cáo kết quả, thực hiện cuộc vận động về Bộ Nông nghiệp. Đối với các chủ trương thực hiện có gì khó khăn cũng phải báo cáo xin ý kiến của Bộ Nông nghiệp.
2. Các Bộ, các ngành của trung ương phải kiểm điểm việc phục vụ cuộc vận động vừa qua và có kế hoạch cụ thể giải quyết những vấn đề theo yêu cầu của phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và quản lý hợp tác xã, xây dựng cấp huyện theo đúng tinh thần nghị quyết số 2 của trung ương, chỉ thị số 33 của Bộ Chính trị, nghị quyết số 61-CP, nghị quyết số 1, nghị quyết số 33-CP của Hội đồng Chính phủ và chỉ thị số 277-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Nông nghiệp, Bộ Lâm nghiệp phải làm việc với các ngành và làm trung tâm đề xuất yêu cầu để các ngành phục vụ, đồng thời các ngành cũng phải đề cao trách nhiệm, chủ động tìm hiểu yêu cầu của nông nghiệp, lâm nghiệp để phục vụ thật tốt. Các Bộ, các ngành phải cùng với Bộ Nông nghiệp tập trung chỉ đạo tốt các huyện điểm để trên cơ sở đó làm rõ những nội dung phải làm trong cuộc vận động tổ chức lại sản xuất từ cơ sở gắn với xây dựng cấp huyện, đồng thời đề xuất những vấn đề về chế độ, chính sách phải giải quyết nhằm đẩy mạnh sản xuất nông lâm nghiệp phát triển. Hàng tháng, các ngành phải gửi báo cáo kết quả việc làm cho Chính phủ và cho Bộ Nông nghiệp để tổng hợp báo cáo.
3. Bộ Nông nghiệp có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các cấp, các ngành thực hiện đúng yêu cầu, nội dung và tiến độ của cuộc vận động. Vào cuối mỗi tháng, Bộ Nông nghiệp phải báo cáo kết quả việc đã làm lên Thường vụ Hội đồng Chính phủ.
|
KT.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |