Nghị quyết 56/2020/NQ-HĐND về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Kon Tum ban hành

Số hiệu 56/2020/NQ-HĐND
Ngày ban hành 08/12/2020
Ngày có hiệu lực 19/12/2020
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Nguyễn Văn Hòa
Lĩnh vực Đầu tư,Thương mại

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 56/2020/NQ-HĐND

Kon Tum, ngày 08 tháng 12 năm 2020

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM GIAI ĐOẠN 2021-2025

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH KON TUM
KHÓA XI KỲ HỌP THỨ 11

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Xét Tờ trình số 153/TTr-UBND ngày 27 tháng 11 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021- 2025; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; Báo cáo số 389/BC-UBND ngày 05 tháng 12 năm 2020, số 392/BC-UBND ngày 07 tháng 12 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tiếp thu, giải trình ý kiến thm tra của các Ban Hội đồng nhân dân, ý kiến thảo luận Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020

Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực, cố gắng vượt bậc của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh nhìn chung đã sự chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng trên nhiều phương diện, lĩnh vực: Kinh tế duy trì mức tăng trưởng khá cao, bình quân đạt 9,13%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ; thu nhập bình quân đầu người không ngừng tăng lên; các ngành kinh tế mũi nhọn, sản phẩm chủ lực được chú trọng phát triển; một số vùng chuyên canh cây hàng hóa tập trung (cà phê, cao su...) tiếp tục ổn định và phát triển, đặc biệt là diện tích Sâm Ngọc Linh và các loại cây dược liệu khác được mở rộng và phát triển; ba vùng kinh tế động lực được đầu tư ngày một khang trang; các nguồn lực được chú trọng khai thác và sử dụng hiệu quả; môi trường đầu tư được cải thiện, thu hút đầu tư có nhiều chuyển biến tích cực, đã thu hút được một số nhà đầu tư, tập đoàn kinh tế lớn đến tìm hiểu và đầu tư tại tỉnh; quy mô trường lớp, chất lượng giáo dục và đào tạo từng bước được nâng lên; công tác phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân có nhiều tiến bộ; hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao diễn ra sôi nổi; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm đạt mục tiêu đề ra; an sinh, phúc lợi xã hội được chú trọng thực hiện và đạt được nhiều kết quả, đặc biệt đã triển khai thực hiện kịp thời việc hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh từng bước được cải thiện rõ rệt; công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào đời sống và sản xuất được đẩy mạnh; cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính và tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức có sự chuyển biến tích cực; kỷ luật, kỷ cương hành chính được chú trọng; quốc phòng an ninh, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; đối ngoại địa phương ngày càng được mở rộng.

Tuy nhiên, Kon Tum vẫn là tỉnh nghèo, quy mô kinh tế nhỏ, hiệu quả và sức cạnh tranh thấp, tăng trưởng chủ yếu dựa vào tài nguyên, vốn đầu tư của Trung ương; tiến độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa chậm, hàm lượng khoa học công nghệ chưa cao; tích luỹ nội bộ của tỉnh còn ít. Công tác quản lý, bảo vệ rừng, tài nguyên, khoáng sản có lúc, có nơi chưa tốt. Nguồn nhân lực của tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; công tác đào tạo nghề, bố trí việc làm sau đào tạo còn hạn chế. Công tác kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện ra, vào, cư trú trong khu vực biên giới có lúc, có nơi chưa chặt chẽ; an ninh nông thôn tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định; tình trạng khiếu kiện, tranh chấp, lấn chiếm đất đai và việc bồi thường, giải phóng mặt bằng có nơi, có vụ việc phức tạp. Chất lượng, hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, chống các loại tội phạm còn có mặt chưa đồng bộ. Công tác vận động quần chúng hiệu quả chưa cao; việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội có mặt còn hạn chế.

Điều 2. Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025

1. Quan điểm: Phát huy nội lực kết hợp với huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhanh và bền vững. Kết hợp chặt chẽ tăng trưởng hài hòa và tăng trưởng xanh, phát triển bền vững gắn với đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội, an sinh xã hội; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực; bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số; nắm bắt cơ hội, phát huy thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để phát triển kinh tế - xã hội. Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế.

2. Mục tiêu tổng quát: Huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế của tỉnh; tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và dược liệu; đầu tư phát triển đô thị, du lịch, dịch vụ và tăng cường cải cách hành chính; bảo đảm duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và mức sống của Nhân dân; bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ và đẩy mạnh đổi mới sáng tạo. Giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.

3. Nhiệm vụ trọng tâm và lĩnh vực đột phá

3.1. Nhiệm vụ trọng tâm: (1) Tiếp tục tái cơ cấu đồng bộ kinh tế của tỉnh theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; (2) Thực hiện đầy đủ, đồng bộ 3 chương trình mục tiêu quốc gia; (3) Tập trung bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn; (4) Đẩy mạnh cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; (5) Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; đảm bảo an ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội.

3.2. Lĩnh vực đột phá: (1) Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với công nghiệp chế biến; (2) Đẩy mạnh phát triển du lịch với nhiều loại hình; (3) Tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng (đô thị, các khu, cụm công nghiệp-đô thị-dịch vụ).

4. Các chỉ tiêu chủ yếu:

4.1. Về kinh tế:

- Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 tư 10%/năm trở lên.

* Đến năm 2025:

- Cơ cấu kinh tế theo GRDP với tỷ trọng nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 19-20%, nhóm ngành công nghiệp và xây dựng đạt 32-33%, nhóm ngành dịch vụ đạt 42-43%.

- GRDP bình quân đầu người 70 triệu đồng trở lên (tương đương trên 3.000 USD);

- Thu ngân sách Nhà nước tại địa bàn tăng bình quân 8,2%/năm và đạt khoảng 5.000 tỷ đồng.

- Tổng giá trị xuất khẩu đạt khoảng 250 triệu USD.

- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 118.000 tỷ đồng.

4.2. Về văn hóa - xã hội:

* Đến năm 2025:

[...]