Nghị quyết 557/NQ-HĐND năm 2024 về Kết quả giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới từ năm 2021 đến năm 2023 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Số hiệu 557/NQ-HĐND
Ngày ban hành 10/07/2024
Ngày có hiệu lực 10/07/2024
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Đỗ Trọng Hưng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 557/NQ-HĐND

Thanh Hóa, ngày 10 tháng 7 năm 2024

 

NGHỊ QUYẾT

KẾT QUẢ GIÁM SÁT VIỆC TRIỂN KHAI, THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TỪ NĂM 2021 ĐẾN NĂM 2023 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA
KHÓA XVIII, KỲ HỌP THỨ 20

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 405/NQ-HĐND ngày 12 tháng 7 năm 2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Chương trình giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh năm 2024;

Trên cơ sở Báo cáo kết quả giám sát số 492/BC-HĐND ngày 07 tháng 7 năm 2024 của Đoàn giám sát; ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành nội dung Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả việc triển khai, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) từ năm 2021 đến năm 2023 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, với các nội dung chủ yếu sau:

1. Kết quả đạt được

Trong thời gian từ năm 2021 đến năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức; song, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sát sao của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh; sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân, Chương trình MTQG xây dựng NTM của tỉnh tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, tích cực. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình đã được các cấp, các ngành thực hiện quyết liệt, đồng bộ; các cơ chế, chính sách, các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và hướng dẫn thực hiện Chương trình NTM trên địa bàn tỉnh đã được ban hành kịp thời, có nhiều đổi mới, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, tạo điều kiện để các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM, nâng cao chất lượng các tiêu chí để xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trong giai đoạn 2021 - 2025 theo kế hoạch đã đề ra.

Thanh Hóa là tỉnh lớn, có nhiều huyện miền núi khó khăn, nhưng một số chỉ tiêu xây dựng NTM vượt kế hoạch đề ra, số lượng xã NTM đứng thứ hai, xã NTM nâng cao đứng thứ ba và xã NTM kiểu mẫu đứng thứ năm cả nước. Chất lượng tiêu chí của các xã được công nhận đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu được nâng lên; số lượng sản phẩm OCOP thuộc nhóm 5 tỉnh dẫn đầu cả nước và đa dạng về chủng loại. Công tác xây dựng NTM được thực hiện đồng bộ, cả quy mô cấp huyện, xã, thôn, bản và các cấp độ NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, phù hợp với điều kiện thực tế từng vùng, miền của tỉnh.

Kết quả thực hiện Chương trình xây dựng NTM tiếp tục góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của đại bộ phận người dân nông thôn; hạ tầng kinh tế, xã hội được tăng cường; nhiều mô hình phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị đã đem lại hiệu quả; các hoạt động văn hóa - thể thao và học tập trong cộng đồng được duy trì và phát triển; y tế, giáo dục tiếp tục được chăm lo; vệ sinh môi trường từng bước được cải thiện; an ninh trật tự và an toàn xã hội được đảm bảo; diện mạo nông thôn được đổi mới mạnh mẽ. Trên địa bàn toàn tỉnh, phong trào xây dựng NTM đã phát triển rộng khắp, thu hút được sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, từng bước thay đổi diện mạo nông thôn của tỉnh; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng cao, khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố, tạo nền tảng vững chắc cho công cuộc xây dựng quê hương, đất nước và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.

2. Tồn tại, hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, đó là:

2.1. Công tác triển khai, tuyên truyền ở một số địa phương chưa thường xuyên, sâu rộng, chưa thực sự có chiều sâu; nội dung tuyên truyền chưa sát với tình hình thực tế. Nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và Nhân dân về xây dựng NTM còn hạn chế; chưa nhận thức đầy đủ vai trò chủ thể của mình trong xây dựng NTM, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; chưa tích cực, chủ động và tự nguyện trong đóng góp xây dựng NTM, nhất là ở khu vực miền núi cao. Hoạt động của một số Ban Chỉ đạo, Văn phòng điều phối NTM cấp huyện chưa khoa học, chưa sâu sát, thiếu hiệu quả. Tỉnh chưa ban hành Chương trình khoa học, công nghệ phục vụ xây dựng NTM.

2.2. Kết quả thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM tại một số địa phương chưa thực sự bền vững; còn có sự chênh lệch khá lớn giữa các vùng, miền trong tỉnh. Chưa có huyện miền núi được công nhận huyện đạt chuẩn NTM; tiến độ xây dựng NTM tại khu vực miền núi chậm, nhất là các huyện miền núi cao. Huyện Mường Lát chưa có xã đạt chuẩn NTM. Kết quả thực hiện giảm nghèo chưa thực sự bền vững; số hộ thoát nghèo nhưng mức thu nhập nằm sát chuẩn nghèo còn lớn; đời sống của người dân còn khó khăn. Việc thực hiện các tiêu chí: Thu nhập, lao động, giao thông, nghèo đa chiều, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, môi trường và an toàn thực phẩm ở các huyện miền núi gặp nhiều khó khăn, khó hoàn thành. Một số địa phương chủ yếu tập trung huy động nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng; chưa quan tâm, chú trọng nhiều đến việc hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân. Một số xã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2016 - 2020 nhưng chưa bảo đảm các tiêu chí của giai đoạn 2021 - 2025. Công tác duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí sau đạt chuẩn còn hạn chế; chất lượng các công trình cơ sở hạ tầng sau khi đạt chuẩn xuống cấp do chưa được sửa chữa, nâng cấp kịp thời. Một số tiêu chí NTM chưa thực sự bền vững, khó duy trì, như: Tổ chức sản xuất, Môi trường và an toàn thực phẩm, Tỷ lệ người dân tham gia BHYT. Trong đó, tiêu chí Môi trường và an toàn thực phẩm nhiều xã không đạt, tỷ lệ hộ dân được dùng nước sinh hoạt tập trung còn ít do nhiều nơi khó khăn trong việc kêu gọi nhà đầu tư dự án nhà máy nước sạch. Cảnh quan môi trường nông thôn tuy được quan tâm cải thiện nhưng chưa được duy trì thường xuyên, liên tục; việc xử lý chất thải rắn, nước thải sinh hoạt... chưa triệt để; tỷ lệ cây xanh trên địa bàn chưa cao. Có huyện sau 3 năm đạt chuẩn NTM vẫn chưa có xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM mới kiểu mẫu.

2.3. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững đã được quan tâm; tuy nhiên, quy mô sản xuất còn nhỏ, sức cạnh tranh chưa cao, tỷ lệ nông sản được sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGap, hữu cơ vẫn còn ít; việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế. số lượng sản phẩm OCOP nhiều nhưng sản phẩm có thương hiệu mạnh, sản phẩm xuất khẩu còn ít. Thị trường tiêu thụ của một số sản phẩm chưa ổn định, chủ yếu là sản phẩm truyền thống, chưa áp dụng công nghệ, tính hàng hóa chưa cao, tính cạnh tranh thấp; nhiều sản phẩm OCOP chưa được đưa lên sàn giao dịch điện tử hoặc đã được đưa lên sàn nhưng số lượng giao dịch hạn chế. Doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và khu vực nông thôn chưa nhiều; một số HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn hoạt động chưa hiệu quả.

2.4. Việc huy động các nguồn lực thực hiện Chương trình NTM còn rất khó khăn, nhất là các nguồn lực từ các doanh nghiệp, hợp tác xã và trong Nhân dân. Nguồn lực để xây dựng NTM ở nhiều huyện miền núi còn hạn chế, kết quả xây dựng NTM còn thấp, số xã đạt chuẩn NTM còn ít. Tổng huy động nguồn lực thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2023 mới đạt 43,52% so với kế hoạch đến năm 2025. Việc lập dự án của một số huyện còn chậm nên không đủ điều kiện để tỉnh phân bổ vốn đầu tư.

3. Nguyên nhân

3.1. Nguyên nhân khách quan

- Sự tác động bất lợi của suy thoái kinh tế, tình hình thiên tai và biến đổi khí hậu diễn ra phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid 19 đã tác động đến sản xuất và đời sống của người dân, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM.

- Tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025 được nâng cao, một số nội dung, tiêu chí xã NTM, xã NTM nâng cao được quy định chưa phù hợp với điều kiện thực tế của các địa phương, rất khó thực hiện.

- Địa bàn tỉnh rộng, nhiều huyện miền núi có địa hình phức tạp; một số xã có xuất phát điểm rất thấp, diện tích rộng, dân cư thưa thớt (nhất là các huyện miền núi cao), nguồn lực hạn chế, hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đảm bảo.

- Bộ máy tham mưu, giúp việc cho Ban chỉ đạo thực hiện các Chương trình MTQG từ huyện đến xã hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm nên ảnh hưởng đến chất lượng công việc.

- Các xã gặp nhiều khó khăn về nguồn lực; tỷ lệ phân chia kinh phí từ nguồn thu tiền sử dụng đất để lại cấp xã thấp hơn nhiều so với thời kỳ trước; trong khi đó, thị trường bất động sản trầm lắng, các mặt bằng khu dân cư đấu giá không có người mua, nên ảnh hưởng đến nguồn vốn đầu tư triển khai thực hiện các công trình để hoàn thành các tiêu chí NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

3.2. Nguyên nhân chủ quan

- Một số cấp ủy, chính quyền các cấp chưa thật sự chủ động, thiếu quyết liệt và sáng tạo trong giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM; có biểu hiện thiếu quyết tâm, ngại khó, trông chờ vào sự chỉ đạo và hỗ trợ của cấp trên. Một số cấp ủy, chính quyền cấp xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM có biểu hiện thỏa mãn, bằng lòng, giảm động lực phấn đấu; chưa chú trọng hoàn thiện, duy trì và nâng cao các tiêu chí NTM, nên một số tiêu chí không bền vững, thậm chí không đạt chuẩn theo tiêu chí mới. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể, các chi hội, tổ hội ở thôn, bản, có nơi chưa phát huy hết trách nhiệm trong việc tuyên truyền, vận động người dân. Tư duy, trình độ sản xuất của một bộ phận người dân còn thấp, chậm thay đổi, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, thiếu gắn kết. Nhiều hộ gia đình có điều kiện nhưng chưa mạnh dạn tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

[...]
4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ