Nghị quyết 185/2021/NQ-HĐND về chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022-2025

Số hiệu 185/2021/NQ-HĐND
Ngày ban hành 10/12/2021
Ngày có hiệu lực 20/12/2021
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Đỗ Trọng Hưng
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 185/2021/NQ-HĐND

Thanh Hóa, ngày 10 tháng 12 năm 2021

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC BAN HÀNH CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN, NÔNG DÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA, GIAI ĐOẠN 2022 - 2025

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA
KHÓA XVIII, KỲ HỌP THỨ 4

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Luật Trồng trọt ngày 19 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Luật Chăn nuôi 19 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Luật Thủy sản ngày 21 tháng 11 năm 2017;

Xét Tờ trình số 308/TTr-UBND ngày 05 tháng 12 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022 - 2025; Báo cáo số 1185/BC-KTNS ngày 07 tháng 12 năm 2021 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh thẩm tra dự thảo Nghị quyết về việc ban hành chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022 - 2025; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022 - 2025, cụ thể như sau:

1. Chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp

1.1. Hỗ trợ sản xuất rau an toàn tập trung chuyên canh

a) Đối tượng hỗ trợ: tổ chức (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác), hộ gia đình, cá nhân sản xuất rau an toàn tập trung chuyên canh.

b) Điều kiện hỗ trợ:

- Có dự án sản xuất rau an toàn tập trung chuyên canh được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt.

- Quy mô sản xuất từ 2 ha tập trung trở lên đối với vùng đồng bằng, ven biển; từ 1 ha tập trung trở lên đối với khu vực miền núi thấp; từ 0,5 ha trở lên đối với khu vực miền núi cao (bao gồm các huyện: Lang Chánh, Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát).

- Được kiểm soát, chứng nhận và duy trì chứng nhận sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn từ VietGAP trở lên.

c) Mức hỗ trợ:

- Hỗ trợ một lần chi phí nâng cấp, xây dựng mới kết cấu hạ tầng (đường giao thông, hệ thống thủy lợi, điện, xử lý chất thải) của vùng sản xuất rau an toàn tập trung chuyên canh và nhà sơ chế rau, với mức hỗ trợ: 190 triệu đồng/ha đối với vùng đồng bằng, ven biển; 220 triệu đồng/ha đối với vùng miền núi.

- Hỗ trợ hằng năm chi phí thuê kiểm soát và chứng nhận hoặc duy trì chứng nhận sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn từ VietGAP trở lên, với mức hỗ trợ 17 triệu đồng/ha/năm.

d) Thời điểm nhận hỗ trợ: sau khi dự án sản xuất rau an toàn tập trung chuyên canh đi vào sản xuất, được cấp có thẩm quyền chứng nhận bảo đảm các tiêu chuẩn sản xuất rau an toàn từ VietGAP trở lên.

đ) Thành phần hồ sơ đề nghị hỗ trợ:

- Hồ sơ đề nghị hỗ trợ năm thứ nhất:

+ Đơn đề nghị hỗ trợ (theo mẫu 01).

+ Quyết định phê duyệt dự án sản xuất rau an toàn tập trung chuyên canh của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.

[...]