Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Nghị quyết 55/NQ-HĐND năm 2021 về đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ

Số hiệu 55/NQ-HĐND
Ngày ban hành 27/08/2021
Ngày có hiệu lực 27/08/2021
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Phạm Văn Hiểu
Lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí,Tài chính nhà nước,Xây dựng - Đô thị

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 55/NQ-HĐND

Cần Thơ, ngày 27 tháng 8 năm 2021

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC ĐỀ XUẤT MỘT SỐ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ PHÁT TRIỂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ
KHÓA X, KỲ HỌP THỨ HAI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Chương trình số 03-CTr/TU ngày 04 tháng 11 năm 2020 của Thành ủy Cần Thơ về thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Xét Tờ trình số 164/TTr-UBND ngày 25 tháng 8 năm 2021 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc xin ý kiến về nội dung cơ chế, chính sách đặc thù đối với thành phố Cần Thơ; Báo cáo thẩm tra của Ban kinh tế - ngân sách; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ trình Quốc hội, Chính phủ với các nội dung cơ bản như sau:

I. ĐẶC THÙ VỀ TÀI CHÍNH - NGÂN SÁCH

1. Năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách mới, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và thành phố Cần Thơ đề xuất Chính phủ trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định tỷ lệ điều tiết cho ngân sách thành phố Cần Thơ đảm bảo nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và các dự án mang tính chất khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

2. Thành phố Cần Thơ được hưởng 70% nguồn thu đối với thuế bảo vệ môi trường đối với sản phẩm xăng, dầu, mỡ nhờn nhằm tạo nguồn lực cho thành phố Cần Thơ thực hiện đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là các công trình hạ tầng giao thông quan trọng, có tính chất kết nối, liên vùng, liên khu vực, các công trình có sức lan tỏa tạo thuận lợi trong thu hút đầu tư tạo động lực phát triển toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long.

3. Ngân sách thành phố Cần Thơ được bổ sung có mục tiêu tương ứng 70% số tăng thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách thành phố so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao (phần còn lại sau khi thực hiện thưởng vượt thu theo quy định của Luật ngân sách nhà nước) và các khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100% quy định tại các điểm b, c, d, g, h, i, q khoản 1 Điều 35 Luật ngân sách nhà nước tăng thu so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao (không kể khoản thu: Không giao thành phố quản lý thu, không phát sinh trên địa bàn thành phố mà chỉ hạch toán nộp ở thành phố; các khoản thu đã được cấp có thẩm quyền cho phép sử dụng; các khoản hạch toán ghi thu, ghi chi và các khoản thu được để lại đơn vị chi quản lý qua ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật); số bổ sung có mục tiêu không cao hơn số tăng thu ngân sách trung ương trên địa bàn so với thực hiện thu năm trước. Việc xác định số bổ sung có mục tiêu trên cơ sở tổng các khoản thu, không tính riêng từng khoản thu.

4. Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ được quyết định áp dụng trên địa bàn thành phố một số khoản thu phí, lệ phí phù hợp với đặc điểm của thành phố Cần Thơ như sau:

a) Phí, lệ phí chưa được quy định trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật phí và lệ phí.

b) Điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp thẩm quyền quyết định đối với các loại phí được quy định trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm Theo Luật phí và lệ phí, trừ án phí, lệ phí Tòa án.

5. Việc thực hiện chính sách thu phí, lệ phí trên địa bàn thành phố quy định tại khoản 4 Điều này sẽ tuân thủ các nguyên tắc sau đây:

a) Bảo đảm có lộ trình phù hợp với trình độ và yêu cầu phát triển của thành phố; tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngành, nghề ưu đãi đầu tư.

b) Bảo đảm sự thống nhất của thị trường, không cản trở lưu thông hàng hóa, dịch vụ; thực hiện điều tiết hợp lý đối với một số hàng hóa, dịch vụ và nguồn thu nhập hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố.

c) Công khai, minh bạch, cải cách hành chính nhà nước, bao gồm cả cải cách hành chính quản lý thuế.

6. Ngân sách thành phố được hưởng 100% số tăng thu thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách thu quy định tại khoản 4 Điều này để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi ngân sách thành phố và không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm (%) đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách thành phố.

7. Thành phố Cần Thơ thực hiện cơ chế tạo nguồn cải cách tiền lương theo quy định. Sau khi ngân sách thành phố Cần Thơ đảm bảo đủ nguồn cải cách tiền lương và thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho cả thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định của cấp có thẩm quyền, Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ được quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách cấp thành phố và cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của địa phương.

8. Hội đồng nhân dân thành phố được quyền quy định địa bàn được hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp cho các quận, huyện thuộc thành phố Cần Thơ; quyết định mức ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp mới thành lập và doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh trên địa bàn theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; quyết định miễn, giảm tiền thuê đất đối với một số dự án, lĩnh vực mà thành phố ưu tiên kêu gọi đầu tư (kể cả trong và ngoài khu công nghiệp).

II. ĐẶC THÙ VỀ CƠ CHẾ HUY ĐỘNG CÁC NGUỒN VỐN

1. Thành phố được vay vốn đầu tư trong nước thông qua các hình thức huy động theo quy định của pháp luật; vay lại từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài về cho ngân sách địa phương vay lại.

Mức dư nợ (bao gồm vay lại từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài về cho vay lại và khoản vay trong nước khác theo quy định của pháp luật) của ngân sách thành phố không vượt quá 70% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp và nằm trong mức bội chi ngân sách nhà nước hàng năm được Quốc hội quyết định.

2. Chính phủ trình Quốc hội quyết định ưu tiên hỗ trợ một phần vốn từ ngân sách trung ương cho ngân sách thành phố để tham gia thực hiện các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư; ưu tiên bổ sung có mục tiêu cho ngân sách thành phố để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và các dự án mang tính chất cấp vùng trên địa bàn thành phố Cần Thơ; ưu tiên hỗ trợ vốn ODA cho thành phố để thực hiện những dự án đầu tư hạ tầng quan trọng thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách thành phố.

3. Ủy ban nhân dân thành phố được phê duyệt danh mục dự án, quyết định tiếp nhận các khoản viện trợ (ODA, phi Chính phủ nước ngoài) không hoàn lại đối với các chương trình, dự án không phụ thuộc vào quy mô viện trợ trừ các khoản viện trợ hỗ trợ kỹ thuật liên quan đến thể chế, tôn giáo, chính sách pháp luật, cải cách hành chính, quốc phòng, an ninh do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

[...]