Nghị quyết 48/NQ-HĐND năm 2023 nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2024 do tỉnh An Giang ban hành

Số hiệu 48/NQ-HĐND
Ngày ban hành 07/12/2023
Ngày có hiệu lực 07/12/2023
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Lê Văn Nưng
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 48/NQ-HĐND

An Giang, ngày 07 tháng 12 năm 2023

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ NHIỆM VỤ KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2024

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
KHÓA X, KỲ HỌP THỨ 17

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Sau khi xem xét Báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2024; báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành nội dung báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh về đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và nhất trí thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, với những nội dung chủ yếu sau:

1. Kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2023

Kinh tế - xã hội năm 2023 diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế cả nước tăng trưởng chậm lại do sự thu hẹp của ngành công nghiệp và hoạt động xuất khẩu sụt giảm, xung đột chính trị Nga - Ukraine vẫn kéo dài, xuất hiện thêm xung đột tại Dải Gaza. Giá cả xăng dầu, chi phí sản xuất, sinh hoạt, vận tải tăng cao ảnh hưởng đáng kể đến đời sống của người dân, nhất là người nghèo, người có thu nhập thấp, công nhân lao động. Nhưng với sự tập trung lãnh đạo của Tỉnh ủy, chỉ đạo điều hành quyết liệt của Ủy ban nhân dân tỉnh, giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh, cùng sự nỗ lực và đồng thuận của các ngành, các cấp, các doanh nghiệp và Nhân dân, tỉnh An Giang đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ theo Nghị quyết số 01/NQ- CP ngày 06 tháng 01 năm 2023 của Chính phủ và Nghị quyết số 42/NQ-HĐND ngày 13 tháng 12 năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2023.

Kết quả kinh tế - xã hội năm 2023 của tỉnh An Giang có nhiều chuyển biến tích cực. Các hoạt động thương mại, dịch vụ, nhu cầu đi lại, hoạt động văn hóa, xã hội nhộn nhịp, sôi động, đặc biệt trong dịp tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế được tập trung thực hiện toàn diện trên các lĩnh vực, góp phần đem lại đời sống ổn định, thị trường phát triển cho người dân và doanh nghiệp.

Năm 2023 toàn tỉnh thực hiện đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu mà Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh đã đề ra, trong đó có 03 chỉ tiêu vượt, 11 chỉ tiêu đạt, 01 chỉ tiêu cơ bản đạt (tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế). Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nhìn chung ổn định; cải cách hành chính được các ngành, các cấp tham gia tích cực và thường xuyên; triển khai thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.

2. Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024

Dự báo năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội có nhiều điểm sáng mới nhờ Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2025 tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt, các hoạt động liên kết trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh được đẩy mạnh và mở rộng quy mô, cơ sở hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện, môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, cải cách thủ tục hành chính hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, năm 2024 dự báo vẫn còn rất nhiều rủi ro, thách thức như: Kinh tế Việt Nam và thế giới tiếp tục đứng trước những thách thức như sự biến động của giá nguyên vật liệu, lạm phát, xuất nhập khẩu, tỷ giá hối đoái; thu hút vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục sụt giảm trên cả nước do bối cảnh bất định toàn cầu và việc thắt chặt chính sách tiền tệ ở các nền kinh tế phát triển; tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng sạt lở bờ sông, giông lốc, mưa bất thường, hạn hán; năng suất các mặt hàng nông sản của tỉnh dần bão hòa; khó khăn về nguồn nguyên vật liệu xây dựng cho các công trình giao thông quy mô lớn.

Từ những dự báo thuận lợi và khó khăn nêu trên, Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, như sau:

a) Mục tiêu

Tiếp tục tập trung các nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hướng đến chuyển biến về chất, tạo ra giá trị thực. Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông để tạo nền tảng phát triển du lịch, thương mại và dịch vụ, thúc đẩy liên kết vùng. Tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Chủ động hợp tác, liên kết vùng, phát huy thế mạnh của tỉnh. Ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống thiên tai, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao công nghệ vào sản xuất và chế biến. Thực hiện tốt các chính sách về giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới. Giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.

b) Các chỉ tiêu chủ yếu

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) là 7,5 - 8,5%.

- GRDP bình quân đầu người từ 70,27 - 70,88 triệu đồng/người/năm.

- Tổng vốn đầu tư xã hội là 47.867 tỷ đồng.

- Kim ngạch xuất khẩu là 1.185 triệu USD.

- Thu ngân sách đạt 7.197 tỷ đồng.

- Tỷ lệ đô thị hóa đạt 43%.

- Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt 53,97%.

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân đạt 71,3%.

- Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân 0,5 - 1%.

- Số bác sĩ trên 01 vạn dân đạt 10,68 bác sĩ/01 vạn dân.

[...]
11
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ