Nghị quyết 42/NQ-HĐND năm 2022 về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2023 do tỉnh An Giang ban hành

Số hiệu 42/NQ-HĐND
Ngày ban hành 13/12/2022
Ngày có hiệu lực 13/12/2022
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Lê Văn Nưng
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 42/NQ-HĐND

An Giang, ngày 13 tháng 12 năm 2022

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ NHIỆM VỤ KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2023

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
KHÓA X, KỲ HỌP THỨ 11

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Sau khi xem xét Báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2023; báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành nội dung Báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và nhất trí thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, với những nội dung chủ yếu sau:

1. Kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2022

Kinh tế - xã hội năm 2022 của tỉnh An Giang diễn ra trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức. Các hoạt động kinh tế - xã hội vẫn còn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, xung đột chính trị sâu sắc ở Châu Âu tác động không nhỏ đến tình hình kinh tế của cả nước nói chung và tỉnh An Giang nói riêng. Giá cả xăng dầu, chi phí sản xuất, sinh hoạt, vận tải tăng cao ảnh hưởng đáng kể đến đời sống của người dân, nhất là người nghèo, người có thu nhập thấp.

Nhưng với sự tập trung lãnh đạo của Tỉnh ủy, chỉ đạo điều hành quyết liệt của Ủy ban nhân dân tỉnh, giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh, cùng sự nỗ lực và đồng thuận của các ngành, các cấp, các doanh nghiệp và Nhân dân, tỉnh An Giang đã tập trung thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội” theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ và Nghị quyết số 38/NQ-HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2022.

Kinh tế - xã hội tỉnh năm 2022 thực hiện đạt và vượt 15/15 chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh (đạt 100%). Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nhìn chung ổn định; cải cách hành chính được các ngành, các cấp tham gia tích cực và thường xuyên; triển khai thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.

2. Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023

Dự báo tình hình năm 2023, một số thuận lợi hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế như: Cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh đang ngày càng cải thiện. Bên cạnh đó, hạ tầng du lịch, khu vui chơi, giải trí của tỉnh tiếp tục được nâng cấp, hoàn thiện. Các chính sách từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã lan tỏa các tác động tích cực, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tham gia đầu tư và mở rộng sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, năm 2023 dự báo vẫn còn rất nhiều rủi ro, thách thức như: Dịch bệnh Covid-19 tiềm ẩn nguy cơ quay trở lại với những biến chủng mới. Cùng với đó là các dịch bệnh đậu mùa khỉ và các dịch bệnh truyền nhiễm khác đang có nguy cơ lây lan trên toàn cầu. Tăng trưởng kinh tế thế giới không đồng đều, chưa vững chắc; vẫn còn nhiều biến động do hậu quả của xung đột chính trị tại Châu Âu như: Biến động về tỷ giá, rủi ro lạm phát do giá nhiên liệu trên thế giới tăng cao, đặc biệt vào mùa đông. Năng suất các mặt hàng nông sản của tỉnh dần bão hòa, đặt ra áp lực lớn cho ngành nông nghiệp phải chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tăng cường nuôi trồng sản phẩm chất lượng cao, đem lại giá trị gia tăng lớn . Sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh vẫn chậm chưa đáp ứng được yêu cầu hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp sản xuất chính. Các vấn đề về thời tiết cực đoan, ô nhiễm môi trường dự báo sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến đời sống người dân. Tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và dân sinh của vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và An Giang nói riêng.

Từ những dự báo thuận lợi và khó khăn nêu trên, Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, như sau:

a) Mục tiêu

- Tập trung thực hiện các giải pháp phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19.

- Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông để tạo nền tảng phát triển du lịch, thương mại và dịch vụ.

- Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

- Khai thác lợi thế so sánh của tỉnh trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế.

- Ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống thiên tai, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

- Đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao, công nghệ sinh học vào sản xuất và chế biến.

- Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

- Thúc đẩy chuyển đổi số tỉnh An Giang trên 03 trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

- Thực hiện tốt các chính sách về giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới.

- Giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội, từng bước giảm thiểu tai nạn giao thông.

b) Các chỉ tiêu chủ yếu

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) là 7,0 - 7,5%.

[...]