Nghị quyết 44/NQ-HĐND năm 2023 về Kết quả giám sát chuyên đề về phát triển lâm nghiệp tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2016-2022

Số hiệu 44/NQ-HĐND
Ngày ban hành 05/12/2023
Ngày có hiệu lực 05/12/2023
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Phạm Thị Minh Xuân
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 44/NQ-HĐND

Tuyên Quang, ngày 05 tháng 12 năm 2023

 

NGHỊ QUYẾT

KẾT QUẢ GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ VỀ PHÁT TRIỂN LÂM NGHIỆP TỈNH TUYÊN QUANG GIAI ĐOẠN 2016 - 2022

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG
KHÓA XIX, KỲ HỌP THỨ 7

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 13/NQ-HĐND ngày 03 tháng 7 năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Chương trình giám sát năm 2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh;

Căn cứ Nghị quyết số 20/NQ-HĐND ngày 04 tháng 7 năm 2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân tỉnh về phát triển lâm nghiệp tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2016 - 2022;

Trên cơ sở xem xét Báo cáo số 248/BC-ĐGS ngày 03 tháng 12 năm 2023 của Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả giám sát chuyên đề phát triển lâm nghiệp tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2016 - 2022 và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Đánh giá kết quả phát triển lâm nghiệp tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2016 - 2022

Hội đồng nhân dân tỉnh cơ bản nhất trí nội dung Báo cáo số 03/BC-ĐGS ngày 03 tháng 12 năm 2023 của Đoàn giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả phát triển lâm nghiệp tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2016 - 2022 với những kết quả đạt được, hạn chế và nguyên nhân chủ yếu sau đây:

1. Ưu điểm

1.1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển lâm nghiệp trên địa bàn được các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở triển khai với tinh thần quyết tâm, quyết liệt, hiệu quả. Đã triển khai kịp thời các văn bản của Bộ, ngành Trung ương, Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân tỉnh liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp; trình ban hành nhiều nghị quyết, đề án và các chính sách đặc thù để phát triển lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.

1.2. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ, phát triển rừng đạt hiệu quả tích cực, tạo sự đồng thuận và trở thành phong trào sâu rộng trên địa bàn toàn tỉnh.

1.3. Uỷ ban nhân dân tỉnh đã chấp hành và chủ động tổ chức thực hiện quy định của pháp luật, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về phát triển lâm nghiệp; chỉ đạo các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan cùng với sự đồng hành của các doanh nghiệp lâm nghiệp, các tổ chức sử dụng rừng và nhân dân tham gia công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Kết quả nổi bật là:

Kinh tế lâm nghiệp của tỉnh có bước phát triển rõ nét, thế mạnh ngành lâm nghiệp từng bước được phát huy, bình quân hằng năm khai thác trên 1 triệu m3 gỗ (đứng đầu các tỉnh trung du miền núi phía Bắc và thuộc tốp đầu các tỉnh có sản lượng khai thác gỗ rừng trồng của cả nước); trồng mới trên 11.000 ha rừng, chiếm 7% tổng diện tích rừng trồng mới toàn quốc (thuộc tốp đầu các tỉnh có diện tích rừng trồng lớn nhất cả nước), đã hình thành vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng duy trì ổn định trên 190.000 ha, trong đó diện tích rừng gỗ lớn trên 76.000 ha, cơ bản đáp ứng đủ nguyên liệu phục vụ các nhà máy chế biến gỗ, giấy lớn của tỉnh; tỷ lệ che phủ rừng luôn duy trì trên 65%, là một trong số các tỉnh dẫn đầu cả nước về quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng quốc tế, 4/4 công ty lâm nghiệp thuộc tỉnh, 3/5 ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng đều đã xây dựng và được phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững; diện tích được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững trên 48.786 ha rừng trồng. Hoàn thành sắp xếp đổi mới 5/5 công ty lâm nghiệp thuộc tỉnh theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ. Phê duyệt quy hoạch vùng nguyên liệu cho 5 nhà máy chế biến lớn của tỉnh với diện tích trên 200.000 ha, đảm bảo nguyên liệu để phục vụ sản xuất một cách bền vững, tạo ra nhiều sản phẩm từ gỗ rừng trồng như: Giấy, bột giấy, đồ gỗ nội thất cao cấp, ván công nghiệp, viên nén năng lượng phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu sang Nhật Bản, Châu Âu, Mỹ…. Với hệ thống 8 nhà máy chế biến gỗ lớn cùng với việc hoàn thành sắp xếp đổi mới 5/5 công ty lâm nghiệp thuộc tỉnh đã góp phần củng cố, nâng cao hiệu quả các công ty lâm nghiệp; hình thành chuỗi liên kết bền vững trong sản xuất lâm nghiệp, tạo việc làm ổn định cho trên 10.000 lao động là công nhân tại các nhà máy và hằng trăm nghìn lao động, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, củng cố an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương; góp phần duy trì hệ sinh thái bền vững, phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả những ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, nhất là lụt bão, hạn hán, sạt lở đất.

2. Hạn chế

2.1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện phát triển lâm nghiệp có mặt còn hạn chế; công tác tuyên truyền, phổ biến triển khai thực hiện chính sách, pháp luật của Trung ương và của tỉnh ở một số địa bàn, cơ sở có lúc thực hiện chưa tốt.

2.2. Việc phát triển, mở rộng diện tích, hình thành vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng tập trung quy mô lớn bằng giống cây chất lượng cao; trồng rừng gỗ lớn, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn; công tác quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng; phát triển cây lâm nghiệp bản địa, lâm sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế còn hạn chế.

2.3. Một số chương trình, dự án ưu tiên đầu tư chậm được thực hiện; ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng, sản lượng gỗ rừng trồng còn hạn chế ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển lâm nghiệp.

2.4. Cơ sở hạ tầng lâm nghiệp được quan tâm đầu tư nhưng còn thiếu so với yêu cầu phát triển; hạ tầng sản xuất giống, vật liệu giống chất lượng cao cho sản xuất kinh doanh giống cây lâm nghiệp còn rất hạn chế so với nhu cầu hiện tại và tiềm năng phát triển; cơ sở vật chất của một số đơn vị Kiểm lâm ở cơ sở, các ban quản lý rừng chưa được đầu tư hoàn thiện; trang thiết bị làm việc chưa được trang cấp đầy đủ.

2.5. Kết quả giao rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước đã quy hoạch lại là rừng sản xuất sau điều chỉnh phân 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh thực hiện chậm, kéo dài; việc giao rừng gắn với giao đất cho các Ban Quản lý rừng đặc dụng và công tác quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh trên địa bàn tỉnh còn nhiều vướng mắc, hạn chế.

2.6. Công tác tham mưu, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chính sách về khoán bảo vệ rừng đối với các xã khu vực II, III thuộc Tiểu dự án 1, Dự án 3 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 ở một số địa phương còn khó khăn, vướng mắc.

3. Nguyên nhân của hạn chế

3.1. Nguyên nhân khách quan

Điều kiện địa hình chia cắt, phức tạp, những diện tích rừng tự nhiên có phân bố nhiều loài gỗ quý hiếm có giá trị kinh tế cao, rừng đặc dụng giáp ranh với địa bàn một số tỉnh và lòng hồ thuỷ điện nên công tác bảo vệ rừng còn gặp nhiều khó khăn. Nhân dân các dân tộc sinh sống gần rừng, vùng núi có thu nhập thấp, việc làm thiếu ổn định. Việc áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông, lâm nghiệp còn hạn chế. Nhu cầu sử dụng đất, lâm sản tăng do đó các hành vi vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp, lấn chiếm đất lâm nghiệp, sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích vẫn còn xảy ra.

Do đặc thù là tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn về nguồn thu, chi ngân sách địa phương chủ yếu từ nguồn ngân sách Trung ương, nhất là phần vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ cho kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh còn hạn chế (từ năm 2016 đến nay chỉ đáp ứng được 20% tổng nhu cầu của tỉnh).

3.2. Nguyên nhân chủ quan

[...]