Kế hoạch 272/KH-UBND năm 2021 phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 272/KH-UBND
Ngày ban hành 15/11/2021
Ngày có hiệu lực 15/11/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Giang
Người ký Nguyễn Văn Sơn
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 272/KH-UBND

Hà Giang, ngày 15 tháng 11 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN LÂM NGHIỆP BỀN VỮNG TỈNH HÀ GIANG GIAI ĐOẠN 2021-2025

Căn cứ Luật lâm nghiệp ngày 15/11/2017; Nghị định 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp;

Căn cứ Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 15/02/2020 của Chính phủ;

Căn cứ Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 05/8/2021 của Chính phủ về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025”;

Căn cứ Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/09/2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020;

Căn cứ Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 10/10/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Nghị quyết số 36/NQ-HĐND ngày 12/10/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tỉnh Hà Giang;

Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang ban hành Kế hoạch phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CầU

1. Mục đích

Tạo sự đồng bộ các hoạt động quản lý, bảo vệ, trồng rừng, khai thác, chế biến lâm sản, dịch vụ môi trường rừng, phát triển du lịch sinh thái trên cơ sở huy động mọi nguồn lực xã hội để đầu tư, bảo vệ, phát triển và khai thác, hưởng lợi từ rừng. Thay đổi tư duy, nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương, của người dân trong việc quản lý, bảo vệ, phát triển rừng.

2. Yêu cầu

Các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Kế hoạch phải thống nhất, cụ thể, rõ ràng, có trọng tâm, trọng điểm, gắn với việc xác định rõ chức trách, nhiệm vụ của các cấp, các ngành để tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát.

Đảm bảo đạt được các mục tiêu theo Nghị quyết số 16-NQ/BCH ngày 10/10/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025; phù hợp với Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và thực hiện hoàn thành mục tiêu Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ.

II. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN LÂM NGHIỆP BỀN VỮNG

1. Mục tiêu chung

Phát triển lâm nghiệp bền vững dựa trên tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, khí hậu của tỉnh. Bảo vệ chặt chẽ, phát huy hợp lý, hiệu quả diện tích rừng tự nhiên, nâng cao chất lượng rừng trồng gắn với cấp chứng nhận quản lý rừng bền vững (FSC) và chế biến sâu; đẩy mạnh phát triển lâm sản ngoài gỗ, trồng dược liệu dưới tán rừng gắn với phát triển du lịch sinh thái.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025

- Bảo vệ diện tích rừng tự nhiên hiện có, trọng tâm là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng gắn với đẩy mạnh trồng rừng bổ sung, khoanh nuôi, tái sinh rừng. Thiết lập quản lý, bảo vệ và phát triển rừng với diện tích đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp theo quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050. Phấn đấu độ che phủ rừng đến năm 2025 đạt 60%.

- Thực hiện giao rừng cho hộ gia đình, cộng đồng đạt từ 40% tổng diện tích rừng tự nhiên trở lên. Phấn đấu đến năm 2025, diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt 6.500 ha, nâng tổng diện tích rừng được cấp chứng nhận quản lý rừng bền vững (FSC) đạt 15.600 ha.

- Thực hiện trồng mới 19,7 triệu cây xanh theo Đề án trồng một tỷ cây xanh của Chính phủ (trồng rừng sản xuất tập trung là 5.840 ha tương ứng 9,7 triệu cây và trồng cây phân tán, đa mục tiêu trên 10 triệu cây tại khu vực đô thị và nông thôn).

- Nâng cao chất lượng rừng sản xuất đa mục tiêu, phấn đấu năng suất rừng trồng bình quân đạt 80-120m3/ha/chu kỳ 7 năm trở lên. Tổ chức khai thác và trồng lại rừng sau khai thác với diện tích khoảng 13.560 ha. Thu hút, thúc đẩy các cơ sở sản xuất giống cây trồng chất lượng cao và cơ sở chế biến gỗ, phục vụ nhu cầu trồng rừng trong tỉnh và xuất khẩu. Phấn đấu đưa giá trị của ngành lâm nghiệp đạt mức 20% trong cơ cấu giá trị của ngành Nông nghiệp.

3. Nhiệm vụ

a) Quy hoạch sử dụng rừng và đất lâm nghiệp

- Quản lý quy hoạch sử dụng rừng và đất lâm nghiệp theo Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm quản lý bền vững tài nguyên rừng về diện tích và chất lượng, bảo đảm hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, giá trị môi trường rừng và ứng phó với biến đổi khí hậu.

[...]