Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Nghị quyết số 294A/2007/UBTVQH12 về việc tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của ban chỉ đạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành

Số hiệu 294A/2007/UBTVQH12
Ngày ban hành 27/09/2007
Ngày có hiệu lực 25/10/2007
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Người ký Nguyễn Phú Trọng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
*****

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
******

Số: 294A/2007/UBTVQH12

Hà Nội, ngày 27 tháng 9 năm 2007

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ TỔ CHỨC, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG VỀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;
Căn cứ Luật tổ chức Quốc hội số 30/2001/QH10 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Quốc hội số 83/2007/QH11;
Căn cứ Luật phòng, chống tham những số 55/2005/QH11 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng số 01/2007/QH12,

QUYẾT NGHỊ:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.

1. Ban chỉ đạo tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về phòng, chống tham nhũng (sau đây gọi là Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng) do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đứng đầu có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc hoạt động phòng, chống tham nhũng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, bao gồm cả cơ quan, tổ chức, đơn vị của trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

2. Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng chịu trách nhiệm trước tỉnh ủy, thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Điều 2. Trong quá trình chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc hoạt động phòng, chống tham nhũng, Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn do Hiến pháp và pháp luật quy định.

Điều 3. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định, cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thực hiện sự chỉ đạo, yêu cầu, kiến nghị của Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Chương 2

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, CƠ CẤU TỔ CHỨC

Điều 4. Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng có các nhiệm vụ sau đây:

1. Căn cứ vào chương trình, kế hoạch của Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng và tình hình cụ thể của địa phương để xây dựng chương trình, kế hoạch phòng, chống tham nhũng ở địa phương; tổ chức thực hiện và kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết việc thực hiện chương trình, kế hoạch đó;

2. Chỉ đạo, đôn đốc cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về phòng ngừa tham nhũng;

3. Chỉ đạo phối hợp hoạt động của các cơ quan Thanh tra, Điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án ở địa phương nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng, góp phần bảo đảm cho công tác này được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật;

4. Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc xử lý khiếu nại, tố cáo về hành vi tham nhũng  và các thông tin về vụ, việc tham nhũng ở địa phương theo quy định của pháp luật và sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng;

5. Chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng ở địa phương, kiến nghị với cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền trong việc đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng;

6. Định kỳ hoặc theo yêu cầu, báo cáo tỉnh ủy, thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng về tình hình, kết quả phòng, chống tham nhũng ở địa phương và hoạt động của Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng.

Điều 5. Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng có các quyền hạn sau đây:

1. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương báo cáo về tình hình tham nhũng và kết quả công tác phòng, chống tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị mình; trong trường hợp cần thiết, yêu cầu báo cáo việc xử lý vụ, việc tham nhũng cụ thể, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý thông tin về hành vi tham nhũng.

2. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; kiến nghị, yêu cầu xem xét trách nhiệm, xử lý người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng để xảy ra hậu quả;

3. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiến hành kiểm tra, thanh tra, điều tra làm rõ các vụ, việc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng; khi xét thấy cần thiết, yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền xem xét lại việc giải quyết một số vụ, việc nhằm bảo đảm việc xử lý được kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật; chủ trì thảo luận và kết quả chỉ đạo việc phối hợp xử lý đối với các vụ, việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp ở địa phương mà dư luận xã hội đặc biệt quan tâm;

4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân – Trưởng Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng quyết định tạm thời đình chỉ công tác đối với người giữ chức vụ giám đốc sở và các chức vụ tương đương, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, ủy viên thường trực Hội đồng nhân dân cấp huyện, Chủ tịch, Phó chủ tịch, các thành viên khác của Ủy ban nhân dân cấp huyện và các chức vụ khác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bổ nhiệm, cách chức khi người đó có dấu hiệu tham nhũng, có hành vi gây khó khăn, cản trở hoạt động chống tham nhũng;

5. Trong trường hợp cần thiết, yêu cầu hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với đảng viên, cán bộ, công chức hoặc người giữ chức vụ lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này khi người đó có dấu hiệu tham nhũng, có hành vi gây khó khăn, cản trở hoạt động chống tham nhũng;

6. Kiến nghị, yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với đảng viên, cán bộ, công chức có hành vi tham nhũng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

[...]