QUỐC
HỘI
******
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
51/2001/QH10
|
Hà
Nội, ngày 25 tháng 12 năm 2001
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA HIẾN PHÁP NƯỚC CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM NĂM 1992
QUỐC HỘI NƯỚC CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Căn cứ vào Điều 84 và Điều 147 của Hiến pháp
nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;
Căn cứ vào Nghị quyết số 43/2001/QH10 ngày 29 tháng 6 năm 2001của Quốc hội khoá
X, kỳ họp thứ 9 về việc thành lập Uỷ ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của
Hiến pháp năm 1992;
Xét đề nghị của Uỷ ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm
1992;
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Sửa đổi, bổ
sung Lời nói đầu và một số điều của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt
Nam năm 1992:
1- Sửa đổi, bổ sung đoạn cuối
của Lời nói đầu như sau:
"Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lê nin
và tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ
quá độ lên chủ nghĩa xã hội, nhân dân Việt Nam nguyện phát huy truyền thống yêu
nước, đoàn kết một lòng, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường xây dựng đất nước,
thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác với
tất cả các nước, nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp, giành những thắng lợi to lớn
hơn nữa trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
2- Điều 2 được sửa đổi, bổ
sung như sau:
"Điều 2. Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ
nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân
dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là
liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.
Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân
công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập
pháp, hànhpháp, tư pháp."
3- Điều 3 được sửa đổi, bổ
sung như sau:
"Điều 3. Nhà nước bảo đảm và không
ngừng phát huy quyền làm chủ về mọi mặt của nhân dân, thực hiện mục tiêu dân
giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm
no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; nghiêm trị mọi hành động
xâm phạm lợi íchcủa Tổ quốc và của nhân dân."
4- Điều 8 được sửa đổi, bổ
sung như sau:
"Điều 8. Các cơ quan nhà nước, cán bộ,
viên chức nhà nước phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ
chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân; kiên
quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch,
cửa quyền."
5- Điều 9 được sửa đổi, bổ
sung như sau:
"Điều 9. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các
tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai
cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo và người Việt Nam định cư ở
nướcngoài.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành
viên là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Mặt trận phát huy truyền thống
đoàn kết toàn dân, tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân
dân, tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, cùng Nhà nước chăm lo
và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, động viên nhân dân thực hiện quyền
làm chủ, nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp và pháp luật, giám sát hoạt động của
cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, viên chức nhà nước.
Nhà nước tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc và
các tổ chức thành viên hoạt động có hiệu quả."
6- Điều 15 được sửa đổi, bổ
sung như sau:
"Điều 15. Nhà nước xây dựng nền kinh
tế độc lập, tự chủ trên cơ sở phát huy nội lực, chủ động hội nhập kinh tế quốc
tế; thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Nhà nước thực hiện nhất quán chính sách
phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cơ cấu
kinh tế nhiều thành phần với các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh đa dạng
dựa trên chế độ sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân, trong đó sở hữu
toàn dân và sở hữu tập thể là nền tảng."
7- Điều 16 được sửa đổi, bổ
sung như sau:
"Điều 16. Mục đích chính sách kinh tế
của Nhà nước là làm cho dân giàu nước mạnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vật
chất và tinh thần của nhân dân trên cơ sở phát huy mọi năng lực sản xuất, mọi
tiềm năng củacác thành phần kinh tế gồm kinh tế nhà nước, kinh
tế tập thể, kinh tế cá thể, tiểu chủ, kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế tư bản
nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài dưới nhiều hình thức, thúc đẩy xây
dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, mở rộng hợp tác kinh tế, khoa học, kỹ thuật và
giao lưu với thị trường thế giới.
Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành
quan trọngcủa nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tổ chức, cá
nhân thuộc các thành phần kinh tế được sản xuất, kinh doanh trong những ngành,
nghề mà pháp luật không cấm; cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh
tranh theo pháp luật.
Nhà nước thúc đẩy sự hình thành, phát triển và từng
bước hoàn thiện các loại thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa."
8- Điều 19 được sửa đổi, bổ
sung như sau:
"Điều 19. Kinh tế nhà nước được củng
cố và phát triển, nhất là trong các ngành và lĩnh vực then chốt, giữ vai trò chủ
đạo, cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền
kinh tế quốc dân."
9- Điều 21 được sửa đổi, bổ
sung như sau:
"Điều 21. Kinh tế cá thể, tiểu
chủ, kinh tế tư bản tư nhân được chọn hình thức tổ chức sản xuất, kinh
doanh, được thành lập doanh nghiệp, không bị hạn chế về quy mô hoạt
động trong những ngành, nghề có lợi cho quốc kế dân sinh.
Kinh tế gia đình được khuyến khích phát triển."
10- Điều 25 được sửa đổi, bổ
sung như sau:
"Điều 25. Nhà nước khuyến khích các
tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư vốn, công nghệ vào Việt Nam phù hợp với pháp
luật Việt Nam, phápluật và thông lệ quốc tế; bảo đảm quyền sở hữu hợp pháp đối
với vốn, tài sản và các quyền lợi khác của các tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Doanhnghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không bị quốc hữu hoá.
Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện
thuận lợi để người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư về nước."
11- Điều 30 được sửa đổi, bổ
sung như sau:
"Điều 30. Nhà nước và xã hội bảo tồn,
phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; kế thừa và
phát huy những giá trị của nền văn hiến các dân tộc Việt Nam, tư tưởng, đạo đức,
phong cách Hồ Chí Minh; tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại; phát huy mọi tài
năng sáng tạo trong nhân dân.
Nhà nước thống nhất quản lý sự nghiệp văn hoá.
Nghiêm cấm truyền bá tư tưởng và văn hoá phản động, đồi trụy; bài trừ mê tín, hủ
tục."
12- Điều 35 được sửa đổi, bổ
sung như sau:
"Điều 35. Phát triển giáo dục
là quốc sách hàng đầu.
Nhà nước và xã hội phát triển giáo dục nhằm nâng
cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.
Mục tiêu của giáo dục là hình thành và bồi dưỡng
nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân; đào tạo những người lao động có
nghề, năng động và sáng tạo, có niềm tự hào dân tộc, có đạo đức, cóý chí vươn
lên góp phần làm cho dân giàu nước mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng
và bảo vệ Tổ quốc."
13- Điều 36 được sửa đổi, bổ
sung như sau:
"Điều 36. Nhà nước thống nhất quản
lý hệ thống giáo dục quốc dân về mục tiêu, chương trình, nội dung, kế hoạch
giáo dục, tiêu chuẩn giáo viên,quy chế thi cử và hệ thống văn bằng.
Nhà nước phát triển cân đối hệ thống giáo dục gồm
giáodục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học và
sau đại học; thực hiện phổ cập giáo dục trung học cơ sở; phát triển các hình thức
trường quốc lập, dân lập và các hình thức giáo dục khác.
Nhà nước ưu tiên đầu tư cho giáo dục, khuyến
khích các nguồn đầu tư khác.
Nhà nước thực hiện chính sách ưu tiên bảo đảm
phát triển giáo dục ở miền núi, các vùng dân tộc thiểu số và các vùng đặc biệt
khó khăn.
Các đoàn thể nhân dân trước hết là Đoàn thanh
niên cộng sản Hồ Chí Minh, các tổ chức xã hội, các tổ chức kinh tế, gia đình
cùng nhà trường có trách nhiệm giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng."
14- Điều 37 được sửa đổi, bổ
sung như sau:
"Điều 37. Phát triển khoa học và
công nghệ là quốc sách hàng đầu.
Khoa học và công nghệ giữ vai trò then chốt
trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Nhà nước xây dựng và thực hiện chính sách khoa học,
công nghệ quốc gia; xây dựng nền khoa học và công nghệ tiên tiến; phát triển đồng
bộ các ngành khoa học, nghiên cứu, tiếp thu các thành tựu khoa học và công nghệ
của thế giới nhằm xây dựng luận cứ khoa học cho việc định ra đường lối, chính
sách và pháp luật, đổi mới công nghệ, phát triển lực lượng sản xuất, nâng cao
trình độ quản lý, bảo đảm chất lượng và tốc độ phát triển của nền kinh tế; góp
phần bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia."
15- Điều 59 được sửa đổi, bổ
sung như sau:
"Điều 59. Học tập là quyền và nghĩa
vụ của công dân.
Bậc tiểu học là bắt buộc, không phải trả học
phí.
Công dân có quyền học văn hoá và học nghề bằng
nhiều hìnhthức.
Học sinh có năng khiếu được Nhà nước và xã hội tạo
điều kiện học tập để phát triển tài năng.
Nhà nước có chính sách học phí, học bổng.
Nhà nước và xã hội tạo điều kiện cho trẻ em khuyết
tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác được học văn hoá và học nghề
phù hợp."
16- Điều 75 được sửa đổi, bổ
sung như sau:
"Điều 75. Người Việt Nam định cư ở
nước ngoài là bộ phận của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Nhà nước bảo hộ
quyền lợi chính đáng của người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Nhà nước khuyến khích và tạo điều
kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc Việt
Nam, giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng quê
hương, đất nước."
17- Các điểm 4, 5, 7 và 13
Điều 84 được sửa đổi, bổ sung như sau:
"4- Quyết định chính sách tài chính, tiền tệ
quốc gia; quyết định dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung
ương, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước; quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ
các thứ thuế;"
"5- Quyết định chính sách dân tộc, chính
sách tôn giáo của Nhà nước;"
"7- Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước,
Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên Ủy
ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao,
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng
Chính phủ về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và
các thành viên khác của Chính phủ, phê chuẩn đề nghị của Chủ tịch nước về danh
sách thành viên Hội đồng quốc phòng và an ninh, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những
người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn;”
"13- Quyết định chính sách cơ bản về đối
ngoại; phê chuẩn hoặc bãi bỏ điều ước quốc tế do Chủ tịch nước trực tiếp ký;
phê chuẩn hoặc bãi bỏ các điều ước quốc tế khác đã được ký kết hoặc gia nhập
theo đề nghị của Chủ tịch nước;"
18- Điểm 9 Điều 91 được sửa
đổi, bổ sung như sau:
"9- Trong trường hợp Quốc hội không thể họp
được, quyết định việc tuyên bố tình trạng chiến tranh khi nước nhà bị xâm lược
và báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp gần nhất của Quốc hội;"
19- Các điểm 4, 6, 7, 9 và
10 Điều 103 được sửa đổi, bổ sung như sau:
"4- Căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội bổ
nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác củaChính
phủ;"
"6- Căn cứ vào nghị quyết của Uỷ ban thường
vụ Quốc hội, ra lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, công bố tình trạng
khẩn cấp; trong trường hợp Uỷ ban thường vụ Quốc hội không thể họp được, ban bố
tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương;"
"7- Đề nghị Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem
xét lại pháp lệnh trong thời hạn mười ngày kể từ ngày pháp lệnh được thông qua;
nếupháp lệnh đó vẫn được Uỷ ban thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành mà Chủ
tịch nước vẫn không nhất trí, thì Chủ tịch nước trình Quốc hội quyết định tại kỳ
họp gần nhất;"
"9- Quyết định phong hàm, cấp sĩ quan cấp
cao trong các lực lượng vũ trang nhân dân, hàm, cấp đại sứ, những hàm, cấp
nhà nước trong các lĩnh vực khác; quyết định tặng thưởng huân chương,
huy chương, giải thưởng nhà nước và danh hiệu vinh dự nhà nước;"
"10- Cử, triệu hồi đại sứ đặc mệnh toàn quyền
của Việt Nam; tiếp nhận đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ngoài; tiến hành
đàm phán, ký kết điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa
Việt Nam với người đứng đầu Nhà nước khác; trình Quốc hội phê chuẩn điều ước quốc
tế đã trực tiếp ký; quyết định phê chuẩn hoặc gia nhập điều ước quốc tế, trừ
trường hợp cần trình Quốc hội quyếtđịnh;"
20- Điểm 8 Điều 112 được sửa
đổi, bổ sung như sau:
"8- Thống nhất quản lý công tác đối ngoại;
đàm phán,ký kết điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa
Việt Nam, trừ trường hợp quy định tại điểm 10 Điều 103; đàm phán, ký,
phê duyệt, gia nhập điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ; chỉ đạoviệc thực hiện
các điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập;
bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích chính đáng của tổ chức và công dân Việt
Nam ở nước ngoài;"
21- Điểm 2 Điều 114 được sửa
đổi, bổ sung như sau:
"2- Đề nghị Quốc hội thành lập hoặc bãi bỏ
các bộ và các cơ quan ngang bộ; trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị về việc bổ nhiệm,
miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính
phủ;"
22- Điều 116 được sửa đổi,
bổ sung như sau:
"Điều 116. Bộ trưởng và các thành
viên khác của Chính phủ chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực, ngành
mình phụ trách trong phạm vi cả nước, bảo đảm quyền tự chủ trong hoạt động sản
xuất, kinh doanh của các cơ sở theo quy định của pháp luật.
Căn cứ vào Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc
hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của
Chủ tịch nước, các văn bản của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các
thành viên khác của Chính phủ ra quyết định, chỉ thị, thông tư và kiểm tra việc
thi hành các văn bản đó đối với tất cả các ngành, các địa phương và cơ sở."
23- Điều 137 được sửa đổi,
bổ sung như sau:
"Điều 137. Viện kiểm sát nhân dân tối
cao thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, góp phần bảo đảm
cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.
Các Viện kiểm sát nhân dân địa phương, các Viện
kiểm sát quân sự thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp
trong phạm vi trách nhiệm do luật định."
24- Điều 140 được sửa đổi,
bổ sung như sau:
"Điều 140. Viện trưởng các Viện kiểm
sát nhân dân địa phương chịu trách nhiệm báo cáo công tác trước Hội đồng nhân
dân và trả lời chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân."
Điều 2. Bãi bỏ điểm 8
Điều 91; điểm 9 được chuyển thành điểm 8, điểm 10 được chuyển thành điểm 9, điểm
11 được chuyển thành điểm 10, điểm 12 được chuyển thành điểm 11 Điều 91.
Điều 3. Nghị quyết này
có hiệu lực từ ngày công bố.
Nghị quyết này đã được Quốc hội
nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá X, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 25
tháng 12 năm 2001.
|
Chủ
tịch Quốc hội
Nguyễn
Văn An
(Đã
ký)
|