Nghị quyết số 22/NQ-CP của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về một số nhiệm vụ, giải pháp lớn nhằm tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng

Số hiệu 22/NQ-CP
Ngày ban hành 28/05/2009
Ngày có hiệu lực 12/06/2009
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 22/NQ-CP

Hà Nội, ngày 28 tháng 05 năm 2009

 

NGHỊ QUYẾT

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ LẦN THỨ 9 BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA X VỀ MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP LỚN NHẰM TIẾP TỤC THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI TOÀN QUỐC LẦN THỨ X CỦA ĐẢNG

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 02 tháng 02 năm 2009 của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về một số nhiệm vụ, giải pháp lớn nhằm tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị quyết này Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về một số nhiệm vụ, giải pháp lớn nhằm tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng.

Điều 2. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu Văn thư, KTTH (5b).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ LẦN THỨ 9 BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA X VỀ MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP LỚN NHẰM TIẾP TỤC THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI TOÀN QUỐC LẦN THỨ X CỦA ĐẢNG
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2009 của Chính phủ)

Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ban hành Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 02 tháng 02 năm 2009 về một số nhiệm vụ, giải pháp lớn nhằm tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng.

Để thực hiện Nghị quyết nêu trên của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, Chính phủ ban hành Chương trình hành động với các nội dung chủ yếu sau:

I. NHỮNG NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

Căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và một số nhiệm vụ quan trọng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện từ nay đến Đại hội XI của Đảng được Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X quyết nghị tại Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 02 tháng 02 năm 2009, Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu sau:

1. Lĩnh vực kinh tế

Các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm chủ động ngăn chặn suy giảm kinh tế, phòng ngừa lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh phát triển, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý, bền vững.

a) Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh

Tiếp tục thực hiện mạnh mẽ các giải pháp chính sách nhằm cải thiện môi trường, tạo thêm điều kiện thuận lợi cho đầu tư và sản xuất, kinh doanh phát triển, tiếp tục thực hiện cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khắc phục những yếu kém của nền kinh tế, tạo được chuyển biến về chất lượng tăng trưởng, hiệu quả đầu tư và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Tiếp tục sửa đổi, bổ sung, ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp và các luật có liên quan; đơn giản hơn nữa các thủ tục hành chính; công khai mọi quy trình, thủ tục hành chính.

Tập trung hoàn thành và triển khai thực hiện các chương trình, đề án đã được giao tại Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ sản xuất nông, lâm, thủy sản. Tăng cường hỗ trợ mua sắm máy móc thiết bị cho sản xuất, đồng thời chú ý đẩy mạnh phát triển cơ khí trong nước để trang bị cho nông nghiệp. Khẩn trương khôi phục cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội, hỗ trợ và tạo điều kiện để ổn định đời sống nhân dân vùng bị ảnh hưởng của bão lũ. Hỗ trợ tiền giống lúa, hoa màu, gia súc, gia cầm, thủy sản cho nông dân để khôi phục sản xuất nông, ngư nghiệp ở các vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Huy động các nguồn vốn, đẩy mạnh giải ngân để sử dụng có hiệu quả nguồn vốn từ ngân sách nhà nước cho tu bổ hệ thống đê điều, cải tạo, nâng cấp hệ thống tưới tiêu, cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản, vùng neo đậu tàu thuyền tránh bão, hỗ trợ kiên cố hóa kênh mương, trồng rừng và khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư.

Hỗ trợ đầu tư công nghệ sau thu hoạch đối với các sản phẩm nông, lâm, thủy sản, nhất là hệ thống phơi sấy cho vụ Hè Thu hàng năm, hệ thống kho chứa lúa hàng hóa ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long và công nghệ chế biến … để giúp nông dân giảm thất thoát và tiêu thụ nông sản hàng hóa. Hỗ trợ xây dựng các trung tâm tiếp thị ở các tỉnh có sản xuất hàng hóa nông sản lớn và tập trung, các cơ sở cung ứng dịch vụ sản xuất nông nghiệp, các trung tâm kiểm định chất lượng hàng thủy sản sản xuất ở các khu vực sản xuất tập trung.

Chỉ đạo quyết liệt, sát sao, bảo đảm đủ nước tưới, phân bón, thuốc trừ sâu; không để dịch bệnh lây lan cả đối với cây trồng và vật nuôi. Khắc phục tình trạng “được mùa, giá rớt” và tồn đọng lương thực, nông sản như thời gian vừa qua. Cung cấp đủ giống có chất lượng cao cho người nông dân đảm bảo mùa vụ. Cho nông dân vay vốn ưu đãi để trang bị máy nông nghiệp, vật liệu làm nhà, mua trả góp một số hàng tiêu dùng có giá trị như: xe máy, ti vi, …. Tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp mua tạm trữ nông sản hàng hóa có giá trị khi giá thị trường xuống thấp. Thông qua các giải pháp này, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp và tạo nhu cầu, mở rộng thị trường ở nông thôn.

Về sản xuất công nghiệp và xây dựng, tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục có liên quan đến đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng, tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, thủ tục nộp thuế, nghiên cứu xem xét lại việc áp dụng giá điện cao vào buổi sáng, giảm giá dịch vụ cảng biển, xem xét hoãn các khoản đóng góp của các doanh nghiệp đang gặp khó khăn …

Đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng nội địa, nhất là thực phẩm, đồ uống, hàng dệt may, thuốc chữa bệnh; ưu tiên hỗ trợ ngành hàng sản xuất có lợi thế thay thế hàng nhập khẩu, sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước, sử dụng nhiều lao động như: các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, chế tạo, đóng tàu, phân bón …. Hỗ trợ việc tiêu thụ một số sản phẩm công nghiệp đang tồn đọng như: phôi thép, thép xây dựng, xi măng, phân bón, giấy, hóa chất theo nguyên tắc cơ cấu lại thời hạn vay, miễn, giảm lãi suất các khoản vay có lãi suất cao.

Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, sức cạnh tranh của sản phẩm. Xây dựng các chương trình về đổi mới công nghệ quốc gia, ứng dụng và phát triển công nghệ cao trong các ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

[...]