Nghị quyết 21/2013/NQ-HĐND nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Thuận, nhiệm kỳ 2011 - 2016 và những năm tiếp theo

Số hiệu 21/2013/NQ-HĐND
Ngày ban hành 18/12/2013
Ngày có hiệu lực 23/12/2013
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Nguyễn Chí Dũng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 21/2013/NQ-HĐND

Phan Rang - Tháp Chàm, ngày 18 tháng 12 năm 2013

 

VỀ VIỆC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN, NHIỆM KỲ 2011 - 2016 VÀ NHỮNG NĂM TIẾP THEO

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003; Quy chế hoạt động của HĐND năm 2005;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004;

Căn cứ Nghị quyết số 23/2012/NQ-HĐND ngày 21 tháng 12 năm 2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh khoá IX, kỳ họp thứ 6 về Chương trình xây dựng nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh năm 2013;

Xét Tờ trình số 06/TTr-HĐND ngày 04 tháng 12 năm 2013 của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh về việc đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, thông qua Nghị quyết về việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Thuận, nhiệm kỳ 2011 - 2016 và những năm tiếp theo,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Nhất trí thông qua tờ trình của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh về việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Thuận, nhiệm kỳ 2011 - 2016 và những năm tiếp theo với các nội dung trọng tâm, chủ yếu sau:

1. Về công tác chuẩn bị, tổ chức kỳ họp Hội đồng nhân dân:

a) Về Chương trình xây dựng nghị quyết:

Định kỳ hằng năm, theo dự kiến nội dung chương trình mỗi kỳ họp:

- Các ban của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ và nguyện vọng của cử tri, chủ động đề xuất với Hội đồng nhân dân ban hành Nghị quyết về các chính sách cụ thể của địa phương.

- Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn căn cứ hướng dẫn của Chính phủ và các bộ, ngành, Trung ương và yêu cầu nhiệm vụ, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh để Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành nghị quyết để thực hiện tốt sự chỉ đạo của Trung ương, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của địa phương.

- Tờ trình trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành nghị quyết phải nêu rõ sự cần thiết ban hành nghị quyết, cơ sở pháp lý và thực tiễn, tên nghị quyết, đối tượng, phạm vi điều chỉnh của nghị quyết và những nội dung chính, dự báo tác động kinh tế - xã hội, nguồn lực tài chính, nhân lực bảo đảm thi hành, thời điểm ban hành nghị quyết và phải gửi bằng văn bản đến Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh trước ngày 30 tháng 10 hằng năm, trước năm ban hành nghị quyết.

- Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh căn cứ chương trình xây dựng nghị quyết hàng năm, chủ trương chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy để xem xét, đề xuất, trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định chương trình xây dựng nghị quyết hàng năm;

b) Tổ chức họp thống nhất nội dung chương trình kỳ họp Hội đồng nhân dân:

- Thường trực Hội đồng nhân dân phối hợp với Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tổ chức cuộc họp để thống nhất dự kiến nội dung chương trình kỳ họp. Thời gian tổ chức họp để chuẩn bị cho kỳ họp giữa năm vào khoảng từ ngày 05 đến ngày 15 tháng 5; kỳ họp cuối năm vào khoảng từ ngày 05 đến ngày 15 tháng 10 hằng năm.

Nội dung chương trình kỳ họp phải bám sát nghị quyết về chương trình xây dựng nghị quyết của Hội đồng nhân dân đã ban hành và yêu cầu thực tiễn của công tác quản lý trên địa bàn tỉnh, đảm bảo thời gian, quy trình theo quy định của pháp luật.

- Khi cần thiết Đảng đoàn Hội đồng nhân dân họp để thảo luận, định hướng chỉ đạo những vấn đề quan trọng trong nội dung, chương trình kỳ họp;

c) Công tác chuẩn bị văn bản phục vụ kỳ họp Hội đồng nhân dân:

Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh chính thức thông báo bằng văn bản về nội dung, chương trình kỳ họp, thời gian, địa điểm tổ chức kỳ họp; các tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác chuẩn bị nội dung chương trình kỳ họp phải tập trung hoàn thành nhiệm vụ được phân công đảm bảo chất lượng và đúng thời gian quy định. Các báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết do Ủy ban nhân dân, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh được giao chủ trì soạn thảo và báo cáo của các cơ quan khác phải là văn bản chính thức (có ký tên, đóng dấu của cơ quan trình), chuẩn bị đủ số lượng theo yêu cầu (riêng báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết phải gửi kèm theo các văn bản, căn cứ pháp lý có liên quan) và gửi về Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh chậm nhất 15 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh.

Tài liệu của kỳ họp phải được gửi các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh chậm nhất 05 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp; tài liệu của kỳ họp được gửi có thể dưới hình thức văn bản hoặc tài liệu điện tử qua hộp thư điện tử của đại biểu;

d) Công tác thẩm tra phục vụ kỳ họp Hội đồng nhân dân:

- Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh phân công các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh thẩm tra các báo cáo theo quy định. Các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh cần chủ động tổ chức thẩm tra báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh. Các báo cáo thẩm tra phải đảm bảo các yêu cầu về nội dung như: có chính kiến rõ ràng, khách quan, có căn cứ và cơ sở pháp lý, phù hợp với thực tiễn, làm rõ những vấn đề còn vướng mắc, chưa thống nhất, còn có nhiều ý kiến khác nhau. Báo cáo thẩm tra phải đưa ra được ý kiến đánh giá của Ban về dự thảo nghị quyết, những vấn đề được Ban nhất trí, không nhất trí, những kiến nghị sửa đổi, bổ sung. Đối với những vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, Thường trực Hội đồng nhân dân phân công cụ thể cho các Ban cùng phối hợp tham gia thẩm tra và báo cáo trước Hội đồng nhân dân tỉnh những vấn đề còn có ý kiến khác nhau tạo cơ sở cho đại biểu Hội đồng nhân dân tham gia phát biểu nhằm đưa ra các quyết sách phù hợp, đảm bảo nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, có tính khả thi cao. Đối với những nội dung quan trọng có tầm ảnh hưởng rộng; các Ban Hội đồng nhân dân có thể đề xuất với Thường trực Hội đồng nhân dân các hình thức phù hợp để tham vấn ý kiến nhân dân;

e) Hoạt động chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân:

Chất vấn là thực hiện quyền giám sát của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh và các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, đồng thời góp phần làm rõ thực trạng tình hình, tìm các giải pháp khắc phục khó khăn, hạn chế và tạo sự đồng thuận trong thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan quản lý Nhà nước.

- Qua theo dõi, giám sát hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước và ý kiến của cử tri, các ban Hội đồng nhân dân, các tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân gửi yêu cầu, câu hỏi chất vấn về Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh.

- Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh tổng hợp các yêu cầu, câu hỏi chất vấn của các Ban Hội đồng nhân dân, tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, các đại biểu Hội đồng nhân dân giữa 2 kỳ họp để chuyển đến người được chất vấn và quy định thời hạn trả lời chất vấn; đồng thời chuẩn bị những nội dung chất vấn tại kỳ họp, dự kiến danh sách những người trả lời chất vấn và gửi văn bản yêu cầu người trả lời chất vấn chuẩn bị văn bản trả lời chất vấn;

f) Tại kỳ họp Hội đồng nhân dân:

[...]