Nghị quyết 209/2015/NQ-HĐND về tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc
Số hiệu | 209/2015/NQ-HĐND |
Ngày ban hành | 22/12/2015 |
Ngày có hiệu lực | 01/01/2016 |
Loại văn bản | Nghị quyết |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Vĩnh Phúc |
Người ký | Hoàng Thị Thúy Lan |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính,Giáo dục |
HỘI
ĐỒNG NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 209/2015/NQ-HĐND |
Vĩnh Yên, ngày 22 tháng 12 năm 2015 |
VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC
KHÓA XV, KỲ HỌP THỨ 15
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16/12/2002;
Căn cứ Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật ngày 20/6/2012;
Căn cứ Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 04/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật;
Trên cơ sở Tờ trình số 173/TTr-UBND ngày 20/11/2015 của UBND tỉnh về việc đề nghị ban hành nghị quyết về tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2016 - 2020; Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế HĐND tỉnh và thảo luận,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh.
a) Mục tiêu chung
- Đảm bảo quyền được thông tin về pháp luật của công dân, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), nâng cao ý thức tự giác, tôn trọng, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn tỉnh.
- Triển khai sâu rộng, đồng bộ các hình thức PBGDPL, trong đó lựa chọn phát triển các mô hình, biện pháp PBGDPL hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn và nhu cầu hiểu biết pháp luật của nhân dân trong từng giai đoạn. Nội dung PBGDPL theo kịp với thực tiễn của cuộc sống, góp phần tích cực vào nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
b) Mục tiêu cụ thể
Đến hết năm 2020 công tác PBGDPL đạt được các mục tiêu cụ thể sau đây:
- 100% đội ngũ báo cáo viên pháp luật các cấp, phóng viên làm chuyên mục pháp luật, thời sự, biên tập của Đài phát thanh truyền hình tỉnh và Báo Vĩnh Phúc tiếp tục được tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức pháp luật thường xuyên, đảm bảo hoạt động theo hướng chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
- 100% Bí thư Chi bộ; Trưởng Thôn, Tổ trưởng Tổ Dân phố; Trưởng Ban công tác Mặt trận tổ quốc; Chi hội trưởng chi hội phụ nữ; Chi hội trưởng chi hội nông dân; Bí thư Chi đoàn; Tổ trưởng Tổ liên gia, Tổ trưởng Tổ hòa giải, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh được tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức pháp luật, nghiệp vụ PBGDPL.
- 100% cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang nhân dân tiếp tục được trang bị kiến thức pháp luật theo lĩnh vực hoạt động chuyên ngành và các lĩnh vực pháp luật khác có liên quan đến hoạt động của mình.
- 90% nhân dân được PBGDPL thông qua các hình thức.
- Từ 80% trở lên nạn nhân bạo lực gia đình được tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong việc hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình.
- Từ 80% trở lên người khuyết tật được tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về quyền của người khuyết tật; chế độ, chính sách của Nhà nước, trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong việc tạo điều kiện, hỗ trợ người khuyết tật và các quy định khác của pháp luật liên quan đến người khuyết tật.
- Từ 75% trở lên người đang chấp hành hình phạt tù tại Trại tạm giam Công an tỉnh, nhà tạm giữ Công an các huyện, thành, thị; người đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; người đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; người đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế, tước một số quyền công dân, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; người bị phạt tù được hưởng án treo; người được đặc xá, chấp hành xong hình phạt tù về cư trú, sinh sống tại địa phương được phổ biến các quy định pháp luật về quyền và nghĩa vụ của công dân, pháp luật về hình sự, thi hành án hình sự, xử lý vi phạm hành chính.
- 100% các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, UBND các huyện, thành, thị được bổ sung tài liệu, sách pháp luật hàng năm.
a) Tiếp tục nâng cao nhận thức và tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong công tác PBGDPL, xác định công tác PBGDPL là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Huy động sự tham gia của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức thành viên thực hiện công tác PBGDPL, vận động nhân dân chấp hành pháp luật; phát huy sáng kiến và tính chủ động, sáng tạo của mỗi tổ chức thành viên, tạo nên sức mạnh tổng hợp để tuyên truyền sâu, rộng pháp luật đến từng người dân; góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của mỗi người dân, tạo nếp sống tự quản theo pháp luật trong từng cộng đồng dân cư.
b) Các cấp, các ngành xây dựng, ban hành các văn bản, chương trình, kế hoạch về PBGDPL theo giai đoạn, hàng năm; xây dựng cơ chế, trách nhiệm và quan hệ phối hợp; nội dung, chương trình phối hợp trong từng thời gian, phù hợp với từng cơ quan, đơn vị, địa phương.