Nghị quyết 16/2016/NQ-HĐND Quy định mức thu và quản lý, sử dụng kinh phí bảo vệ, phát triển đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Số hiệu 16/2016/NQ-HĐND
Ngày ban hành 02/07/2016
Ngày có hiệu lực 13/07/2016
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Trịnh Văn Chiến
Lĩnh vực Bất động sản,Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 16/2016/NQ-HĐND

Thanh Hóa, ngày 02 tháng 7 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH MỨC THU VÀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG KINH PHÍ BẢO VỆ, PHÁT TRIỂN ĐẤT TRỒNG LÚA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA
KHÓA XVII, KỲ HỌP THỨ NHẤT

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;

Căn cứ Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về “Quản lý, sử dụng đất trồng lúa”; Thông tư số 18/2016/TT-BTC ngày 21 tháng 01 năm 2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa;

Xét Tờ trình số 80/TTr-UBND ngày 27 tháng 6 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh; Báo cáo thẩm tra số 321/HĐND-KTNS ngày 28 tháng 6 năm 2016 của Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Tán thành Tờ trình số 80/TTr-UBND ngày 27 tháng 6 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc quy định mức thu và quản lý, sử dụng kinh phí bảo vệ, phát triển đất trồng lúa trên địa bàn và quản lý, sử dụng kinh phí tỉnh Thanh Hóa, với các nội dung sau:

I. VỀ MỨC THU TIỀN BẢO VỆ, PHÁT TRIỂN ĐẤT TRỒNG LÚA

1. Đối tượng và phạm vi ứng dụng:

Các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất chuyên trồng lúa nước là đất trồng được hai vụ lúa nước trở lên trong năm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp theo quy định tại Điều 5, Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ.

2. Mức thu:

Mức thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa = 50%x diện tích x giá của loại đất trồng lúa

Trong đó:

- Diện tích: là phần diện tích đất chuyên trồng lúa nước chuyển sang đất phi nông nghiệp được xác định cụ thể theo quyết định thu hồi đất, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất của cơ quan có thẩm quyền.

- Giá của loại đất trồng lúa tính theo Bảng giá đất đang được áp dụng tại thời điểm chuyển mục đích sử dụng đất do ủy ban nhân dân tỉnh ban hành.

3. Thời gian thực hiện: Từ ngày 01 tháng 7 năm 2015.

II. VỀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG KINH PHÍ BẢO VỆ, PHÁT TRIỂN ĐẤT TRỒNG LÚA

1. Nguồn kinh phí.

Nguồn kinh phí để thực hiện chính sách bảo vệ, phát triển đất trồng lúa bao gồm:

1.1. Nguồn thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa theo quy định tại Phần I;

1.2. Nguồn kinh phí Trung ương bổ sung cho tỉnh theo quy định tại Khoản 2, Điều 7 Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ.

1.3. Nguồn sự nghiệp kinh tế trong dự toán ngân sách hàng năm (gồm cả ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện, xã) bố trí cho các mục tiêu nâng cấp, sửa chữa, kiên cố hóa kênh mương, hồ đập, đập dâng và các mục tiêu phục vụ bảo vệ, đất trồng lúa; các nguồn huy động hợp pháp khác (nếu có).

2. Quản lý, sử dụng nguồn kinh phí.

2.1. Phân bổ 35% kinh phí từ nguồn thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa và nguồn Trung ương bổ sung cho các huyện, thị xã, thành phố (gọi chung là huyện) theo diện tích đất trồng lúa được xác định theo số liệu thống kê đất đai do Sở Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố của năm liền kề trước năm phân bổ ngân sách, cụ thể như sau

Kinh phí phân bổ cho huyện (A)

=

Tổng nguồn kinh phí x 35%

x

Diện tích đất trồng lúa huyện (A)

Tổng diện tích đất trồng lúa cả tỉnh

Các địa phương sử dụng nguồn kinh phí được hỗ trợ, kết hợp với nguồn sự nghiệp kinh tế trong dự toán ngân sách cấp huyện, xã hàng năm để thực hiện các mục tiêu sau:

[...]